'Nghe' sách tí tách mưa rơi
TTO - "Gần như mỗi tối tôi đều nghe sách nói trên mạng tầm 60 phút trước khi ngủ. Ngoài việc đọc sách in, tôi chọn sách nói vì tranh thủ được thời gian...", chị Phan Ngọc Phấn (phụ trách "Tiệm sách và những câu chuyện", thành phố Cần Thơ) cho biết.
Xu thế chuyển đổi số tất yếu trong lĩnh vực xuất bản, sự bùng nổ của thiết bị thông minh và cả bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã mang đến cơ hội cho công chúng tiếp cận sách bằng nhiều cách thức hiện đại và tiện lợi như nghe sách nói (audiobook). Điều này không làm mất đi vai trò của sách in truyền thống song mở ra một hình thái, một giai đoạn mới cho hoạt động xuất bản.
Tiện dụng, dễ dùng
Một khảo sát của We Are Social trong năm 2020 cho biết tại thị trường Việt Nam có 40% dân số (gần 30 triệu người) có thói quen nghe audio contents (nội dung âm thanh, gồm sách nói, podcast, radio...) trên nền tảng mạng. Con số này có xu hướng tăng trong thời gian tới bởi những tiện ích sách nói mang lại trong việc giúp người lớn lẫn trẻ em thư giãn tâm trí, đồng thời là một kênh lưu thông, phân phối nội dung sách hữu hiệu qua các nền tảng điện tử.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, chị Ngọc Phấn kể: "Tôi vẫn mua và đọc sách giấy thường xuyên mỗi tuần vài cuốn. Nhưng đồng thời cũng thích nghe sách nói vì nó giúp mình rảnh tay làm những việc khác như dọn dẹp nhà cửa... mà vẫn lĩnh hội được nội dung các cuốn sách mình thích".
Là người mẹ giúp con có thói quen đọc và yêu sách từ nhỏ, chị Phấn cho hay cậu con trai 7 tuổi ở nhà cũng thích nghe sách nói và cậu bé "luôn được cho phép nghe sách 30 phút mỗi tối trước khi ngủ. Cậu bé vừa nghe xong quyển Chuyện con mèo dạy hải âu bay và đang nghe tiếp cuốn Totto chan cô bé bên cửa sổ".
Trong khi đó, chị Nguyễn Phước Mỹ An từ thành phố Innsbruck (Áo) cho hay do hoàn cảnh sống ở xứ người xa xôi nên ngoài việc nhờ người nhà gửi sách in từ Việt Nam sang thì chị "tranh thủ đọc sách nói như một cách cập nhật tác phẩm văn học trong nước một cách nhanh chóng, tiện lợi". Chị Mỹ An thường thư giãn với sách nói giữa giờ nghỉ trưa trong ngày và đánh giá: "Các cuốn sách tiếng Việt được giọng đọc truyền cảm, chuyên nghiệp thì truyền tải được tinh thần của sách đến người nghe lẫn tạo cảm xúc, sự đồng cảm với nhân vật cho họ".
Cộng đồng được lợi
Truy cập nội dung của sách nói có bản quyền tại Việt Nam, chúng tôi không khỏi thú vị trước sự phong phú đa dạng, đa chủ đề từ kiến thức triết học, giáo dục, quản lý tài chính, quản trị nhân sự, marketing, đời sống công sở, về phát triển bản thân và tăng cường sức khỏe thân - tâm - trí... Các phụ huynh có thể đưa con em mình vào giấc ngủ êm đềm qua audio câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn nổi tiếng trong và ngoài nước. Nhiều tác phẩm có lồng tiếng mưa rơi, gió thổi... phù hợp nội dung và tăng cảm giác cho người nghe sách.
Lý giải xu thế trên, chị Thái Minh Châu (đại diện ứng dụng sách nói có bản quyền Fonos) đánh giá: "Trong thế giới hiện đại, đọc sách ngoài mục đích học tập hoặc công việc còn có chức năng giải trí, thư giãn đầu óc và phát triển bản thân. Sách nói xuất hiện thuận theo xu hướng nhịp sống hối hả hiện đại.
Bây giờ, chúng ta không chỉ có một cách duy nhất để tiếp thu nội dung từ sách nữa. Ngoài cách "đọc sách" - với sách giấy và ebook, ta còn có thể "nghe sách" - với sách nói. Sách nói phù hợp với nhu cầu làm việc đa nhiệm, di chuyển không ngừng và ra đời từ nhịp sống bận rộn".
Ông Lê Hoàng Thạch, đại diện đơn vị Voiz FM, nhận định: "Phát triển văn hóa đọc trước hết cần gắn với nhu cầu người dùng. Lượt tìm kiếm về sách nói ở Việt Nam cao thể hiện nhu cầu độc giả trong bối cảnh chuyển đổi số". Sự tăng trưởng mạnh mẽ thời gian qua là tín hiệu tốt cho thấy bạn đọc Việt Nam đã quan tâm loại hình sách nói.
Trong thời kỳ COVID-19, Fonos có sự tăng trưởng người dùng mạnh mẽ với gần 300.000 lượt tải ứng dụng (tháng 9-2021). Voiz FM sau hơn hai năm ra mắt đã có 1,5 triệu lượt sử dụng sách nói và trong đợt hoạt động Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam tại TP.HCM vừa qua, đơn vị ghi nhận lượng người truy cập tăng đột biến 30%...
Dù các đơn vị làm sách nói có bản quyền, ứng dụng giải trí bằng âm thanh chuyên nghiệp tại Việt Nam vẫn còn đếm trên đầu ngón tay, các đơn vị này đã có những khuyến khích người dùng nghe sách thông qua nhiều hình thức phong phú: thống kê số giờ nghe sách, xếp cấp độ người nghe, cấp huy hiệu cho người nghe, ứng dụng giọng đọc AI, gợi ý nội dung khớp nhu cầu cá nhân từng người dùng giúp tiết kiệm thời gian lựa chọn sách; hay người dùng được cấp quyền đăng podcast, khóa học audio, xa hơn nữa là có thể nghe và đăng tải sách, truyện nói mà mình là tác giả hoàn toàn miễn phí...
Đại diện một đơn vị làm sách nói tiết lộ: "Chúng tôi đang liên kết sở hữu bản quyền hơn 2.000 đầu sách từ hơn 20 đối tác xuất bản trong và ngoài nước, có hơn 100 giọng đọc". Thú vị hơn nữa, đã có nhiều tác giả/đơn vị xuất bản chọn ra mắt phiên bản sách nói song song với sách giấy cho thấy sự công nhận của họ với hình thức này.
1.000 tài khoản sách nói tặng HSSV
Sở Thông tin và truyền thông và Thành đoàn TP.HCM phối hợp các đơn vị phát hành sách nói đã trao tặng 1.000 tài khoản sách nói với tổng giá trị 700 triệu đồng cho HSSV hiếu học có hoàn cảnh khó khăn, bị mồ côi do đại dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố để góp phần xây dựng và phát triển văn hóa đọc.
Từ năm 2021 đến nay, ứng dụng Fonos và Alpha Books từng tặng 200.000 lượt nghe sách nói miễn phí cho cộng đồng trong chiến dịch "Sách nói miễn phí cho ngày cách ly" cũng như phối hợp NXB Kim Đồng, Thái Hà Books tặng tựa sách miễn phí cho cộng đồng.
Ứng dụng Voiz FM cũng phối hợp cùng Thành đoàn TP.HCM và văn phòng phía Nam Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức chương trình "Sách trao tay" nhằm tặng sách nói miễn phí cho người dân ở các tỉnh đang giãn cách xã hội. Ông Hoàng Thạch (Voiz FM) nói: "Chúng tôi sẽ tiếp tục phục vụ cộng đồng bằng cách kết hợp với các thư viện, nhà văn hóa để lan tỏa sản phẩm đến những bạn đọc đặc biệt như người khiếm thị, học sinh vùng sâu vùng xa...".
Xem thêm