Nghĩ về chuyện đi xe đạp

29/11/2021 | 275 |

(KTSG) – Lần đầu tôi đạp xe hơn trăm cây số là lần bạn tôi mượn xe đạp để tôi bôn ba từ xã Vạn Thọ huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên về Hà Nội… xin tiền. Nhóm năm anh em chúng tôi trong lớp Ngữ văn khóa 1965-1969 chơi với nhau rất vui, nhưng vì thức đêm bàn chuyện văn học hay đọc sách chung nhiều quá, lại uống trà và ăn khoai lang nhiều quá, đâm ra nợ tiền.

Nợ thì phải trả. Chúng tôi đã rủ nhau đi rừng lấy nứa về bán cho các thầy trong khoa Văn để các thầy làm chuồng nuôi gà. Các thầy thương chúng tôi nghèo nên trả cho chúng tôi mỗi bó nứa tới ba, bốn đồng, số tiền có thể mua được hai con gà. Chúng tôi dùng tiền đó trả nợ, nhưng vẫn chưa đủ. Tôi được giao trọng trách đạp xe về Hà Nội xin tiền thầy má tôi (là tiền ăn hàng tháng của tôi, nhưng xin ứng trước) để trả nợ. Vì thế có cuộc đạp xe xuyên đêm trên đường chiến tranh phá hoại.

Đạp tới ba giờ sáng thì qua địa phận Vĩnh Phúc gần giáp Đông Anh. Trăng chưa bao giờ sáng như thế, đẹp như thế. Còn tôi thì quá buồn ngủ. Tôi bỏ xe đạp bên vệ đường, cẩn thận móc chân mình vào sườn xe, cảnh giác vì là xe mượn, và… ngủ. Đó là giấc ngủ ngon nhất tôi có. May mà hồi đó, chiến tranh nhưng rất an ninh, không có ăn trộm vặt.

Sau này, tôi còn nhiều dịp đạp xe từ Hải Dương về Hà Nội, và ngược lại. Đạp xe đường trường có lắm cái thú vị. Chẳng thế mà năm 1981, một chú em tôi quen, tên gọi Bảo “điên”, đã đạp xe từ Hà Nội vào Sài Gòn. Khi ghé Quy Nhơn thăm tôi, Bảo “điên” ở lại mấy ngày vui chơi với tôi, và lên đường lúc 1 giờ sáng để tiếp tục hành trình.

Vợ tôi nấu xôi gói cho chú em ăn đường. Và chú em đã lập kỷ lục vượt 220 ki lô mét qua hai ngọn đèo danh tiếng là đèo Cù Mông và đèo Cả trên chiếc xe đạp cà tàng. Chú cán đích ở Nha Trang lúc 22 giờ đêm cùng ngày. Đạp xe như thế thì hạnh phúc thật, dù người đời có bảo mình điên.

Tôi chưa đủ độ “điên” như Bảo, nhưng tôi đạp xe đường dài cũng nhiều, và không với mục đích du lịch khám phá gì. Chỉ đơn giản là di chuyển bằng xe đạp, như bây giờ di chuyển bằng ô tô, vậy thôi.

Nhiều người hay đạp xe một mình có lẽ sẽ tốt cho xã hội. Những người đạp xe một mình thường hay nghĩ ngợi, và dễ độc lập trong suy nghĩ hơn. Một xã hội muốn phát triển phải cần có nhiều người biết suy nghĩ độc lập, dĩ nhiên theo hướng tích cực.

Ở đâu ken đặc tâm lý bầy cừu, ở đó rất dễ bị dẫn dắt. Mọi cuộc “chăn chiên” đều có mục đích riêng của nó. Và theo tín hiệu nào thì đi, theo tín hiệu nào thì dừng lại, bầy cừu vô thức biết, người chăn cừu ý thức biết. Tôi có thể là con cừu, nhưng không thuộc đàn cừu nào.

Albert Einstein nói: “Đời người như ngồi trên chiếc xe đạp. Chỉ có đi thì mới khỏi ngã” (Life is like riding a bicycle. To keep your balance you must keep moving). Đi và chạy. Bây giờ, có một số em bé 1, 2 tuổi vẫn bị quy cho là “tăng động giảm chú ý”. Nhiều em nói rất chậm, ngược lại, chạy rất hăng.

Khi nói chậm hay chậm nói, thì vận động tăng lên như một giải pháp thay thế. Còn khi đã nói được rồi, đã cân bằng giữa “lời” và “hành động”, thì hội chứng kia có thể không còn nữa. Con người vẫn hướng tới sự thăng bằng, nhưng là “thăng bằng động”. Phải đi phải nói thì mới giữ được thăng bằng. Tôi vẫn thường nghĩ lơ mơ như vậy.

Cụ Nguyễn Trãi có những câu thơ thực sự “hay vào bậc nhất” trong thơ Việt, và cả trong thơ thế giới. “Đủng đỉnh chiều hôm dắt tay/Trông thế giới phút chim bay”, đó là hai câu thơ xuất thần, nó trên cả thơ Thiền. Nguyễn Trãi nảy ra hai câu thơ đó khi đi bộ, vì thời ông chưa có xe đạp.

Đủng đỉnh là hình thái đi bộ chậm, là trạng thái tâm hồn thanh thản. Có thể so nó với đạp xe chậm, dù tốc độ đi bộ với đạp xe là khác nhau.

Ngồi trên xe đạp cũng nghĩ được lắm chuyện. Nhưng xuống xe đạp, vào một hàng nước, lại thú vị hơn. Cái ngày sau hòa bình năm 1975 đó, trên đường đạp xe từ trại an dưỡng Hải Dương về Hà Nội hơn 60 cây số, tôi hay ghé hàng nước của bà cụ bên bến phà Hàn gần thị xã Hải Dương. Làm chén rượu cuốc lủi, chén chè 5 xu.

Nghỉ ngơi chốc lát trước khi tiếp tục hành trình “giữ thăng bằng” như cụ Einstein khuyên. Sự thanh thản ấy rất cần cho một người suy nghĩ. Hà Nội hồi ấy rất nghèo, nhưng vì ai cũng nghèo, nên cái nghèo không nổi bật lên như bây giờ. Và ai cũng chịu đựng. Tới mức không ai nghĩ tới sự thay đổi. Bỗng tới một ngày…

Nếu bạn thường xuyên ngồi trên xe đạp, bạn sẽ thấy sự thay đổi diễn ra hàng ngày. Và nó sẽ xảy ra khi bạn suy nghĩ.


Tin tức liên quan

Bình luận