Những người hùng thầm lặng hy sinh vì chống dịch: Giúp bà con
TTO - Trong số nhiều người dân TP.HCM đã nằm xuống vì dịch, không ít người chính là những tổ trưởng dân phố tận tụy vì bà con. Ngoài bằng khen vừa được Thủ tướng truy tặng, họ còn có thêm một "bằng khen" nữa - đó là lòng dân luôn nhớ về họ…
Những con hẻm quanh co ở khu "nhị tì Quảng Đông" xưa (nay thuộc phường 8 và 9, quận 11), những khu trọ hun hút xen lẫn bãi lầy, đồng hoang khu Bình Hưng, Bình Chánh... Chúng tôi len lách vào sâu, mường tượng lại những ngày các con hẻm, khu nhà này giăng mắc những dải dây đỏ vàng, những hàng rào cách ly, phong tỏa và mường tượng bước chân người tổ trưởng dân phố trong những ngày gian nguy nhất của việc "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng"...
Phụng sự bà con
Quanh co rồi cũng tìm được nhà ông Ngô Văn Hai, tổ trưởng tổ 62, ấp 2A, xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh, TP.HCM). Nhang khói nghi ngút, các con trai vừa hoàn tất lễ cúng 49 ngày và "hai ngày nữa sẽ tới lễ 49 ngày của má chúng tôi. Hai người đi cách nhau 3 ngày".
Vừa về từ một điểm trực hỗ trợ bà con lãnh trợ cấp đợt 3, trong bộ đồ dân phòng, anh Ngô Thanh Tuấn, con trai ông Hai, buồn buồn kể chuyện: "Tôi làm ở một cơ sở dịch vụ mai táng, rảnh thì phụ ba công việc xã hội. Dịch đến, ba tôi bảo thời buổi dịch giã, làm việc xui rủi đó không nên, vậy là tôi qua khu phố trực dân phòng, tham gia đội chống dịch địa phương. Ba tôi thì đã làm tổ trưởng dân phố, hội trưởng hội nông dân ấp này từ lâu lắm rồi, hồi nhà còn trồng vườn, nuôi cá kiểng, khu vực này còn ruộng, còn ao...
Ba nay 72 tuổi mà vẫn khỏe, nhanh nhẹn, đi bộ, đi xe đạp, xe máy quanh xóm, khắp khu. Có dịch, ông lại càng đi nhiều. Ra trụ sở khu phố lãnh gạo, lãnh khoai, rau củ về phân chia, mang cho bà con trong tổ, anh em tôi lo lắng nhưng cũng xúm vô phụ ông mang phát chớ không cản, không nói ông nghỉ được.
Hôm 1-8, tôi chở ông đi chích mũi 1, vắc xin Moderna. Chích về ông khỏe, càng yên tâm đi phát phiếu để các hộ đăng ký nhận trợ cấp khó khăn, trợ cấp thất nghiệp. Tới ngày 12-8 thì ông bắt đầu bệnh, nằm nhà. Tới ngày 15, những triệu chứng rõ hơn, test nhanh dương tính. Hôm ấy, gọi đến đâu cũng quá tải. Sốt ruột, chúng tôi gọi xe đưa ông đến khu cách ly Tân Túc, cơ sở một trường cấp II. Người bệnh nằm đầy các phòng, đầy hành lang, đầy sân. Em trai tôi ký giấy cam kết, xin theo vào chăm sóc ba".
Dù có con trai đi theo chăm sóc nhưng ông Hai chỉ trụ được ở bệnh viện hai ngày, trưa 17-8 ông mất. Cũng đúng ngày đó ở nhà, bà Hai, vợ ông, sốt và ho. Bà có kết quả dương tính cùng với đứa cháu nội 15 tuổi. Hai bà cháu được đưa đến Bệnh viện dã chiến số 4 ở khu Vĩnh Lộc B. Chỉ ba ngày sau, 20-8, gia đình được tin bà cũng đã ra đi.
"Tôi nghe điện thoại báo tin từ bệnh viện mà lạnh hết tay chân. Đến lúc tỉnh lại, tôi gọi đến bệnh viện xin phép được mang áo quan đến để làm lễ tang cho ba mẹ nhưng không được. Đau lòng vì mất mát, lại thêm đau vì chính mình làm dịch vụ mai táng mà ba mẹ mất tôi lại không thể trả hiếu. Anh em trong đội an ủi, rồi khu phố kêu đi công tác. Công việc khiến nguôi ngoai, cũng là tiếp tục những việc mà ba tôi đã phụng sự cho bà con gần cả đời..." - anh Tuấn chùng giọng tâm sự.
Tôi gọi đến bệnh viện xin phép được mang áo quan đến làm lễ tang cho ba mẹ nhưng không được. Đau lòng vì mất mát, lại thêm đau vì chính mình làm dịch vụ mai táng mà ba mẹ mất tôi lại không thể trả hiếu.
Anh Ngô Thanh Tuấn
Xông pha tuổi 70 trong vùng dịch
"Phụng sự cho bà con" cũng là ký ức về những người tổ trưởng khác đã qua đời vì nhiễm bệnh. Đưa chúng tôi qua những con đường đất vòng vèo xóm ngụ cư để đến được nhà ông Lê Thanh Hoàng, địa chỉ C13/QĐ46 tổ 244, ấp 5A Bình Hưng (huyện Bình Chánh), ông Trần Hữu Nghĩa, trưởng ấp, ngậm ngùi: "Chú Tư Hoàng mất đi là nỗi đau lớn nhất của ban ấp chúng tôi. Cán bộ ấp gần chục người bị nhiễm trong dịch nhưng chỉ chú không qua khỏi. Chú rất nhiệt tình, làm việc tích cực và lại hiệu quả, chuyên nghiệp nữa...".
Chuyên nghiệp là vì từ ngày còn là nha sĩ ở quận 8, ông Tư Hoàng đã làm tổ trưởng dân phố suốt 27 năm. Khi về Bình Hưng, tách ấp, ông lại làm tổ trưởng thêm 15 năm nữa. Đã vậy, ông còn làm nhóm trưởng quỹ CEP thuộc Liên đoàn Lao động (quỹ trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm) cũng hàng chục năm.
Ngồi bên bàn thờ, chị Nam Phương, con gái ông, tâm sự: "Về đây không làm nha sĩ nữa nhưng công việc của ba vẫn bù đầu, tiếp khách liên tục: người đến trình bày kế hoạch vay tiền, người đến trả góp. Mỗi tuần ngân hàng cho người đến coi sổ sách, thu tiền một lần. Giờ ba đi rồi, chúng tôi vẫn để nguyên tất cả giấy tờ, chờ có người khác tiếp quản".
Suốt tháng 7, khu hẻm nhà ông bị phong tỏa, cách ly vì có 4 ca nhiễm. Đầu tháng 8, hàng rào và dây giăng được tháo, ông Tư Hoàng lập tức lên xe đạp đi rảo lên danh sách, phân loại bà con chích vắc xin, danh sách các khu nhà trọ gửi đi xin hỗ trợ. Ông nhiễm bệnh lúc nào đó trong các cuộc đi ấy.
Đổ bệnh, ngày 25-8 ông vào Bệnh viện Điều dưỡng phục hồi chức năng quận 8, rồi được chuyển đến Trung tâm hồi sức tích cực Bạch Mai. Ngày 2-9, tin bệnh viện báo về: ông không thể qua khỏi!
Anh Ngô Thanh Tuấn: “Ba mất rồi, tôi tiếp tục việc phụng sự bà con của ba”
Ông Tư Hoàng 75 tuổi, còn bà Huỳnh Khuôn Đải, tổ trưởng tổ 15, phường 9 (quận 11) thì đã 78 tuổi. Tuy đã 78 tuổi nhưng bà vẫn rổn rảng đi khắp mấy con hẻm của tổ, gõ cửa từng nhà mỗi khi có phong trào gì cần vận động. "Bà còn ở trong đội dưỡng sinh, đi tập, đi biểu diễn, vóc dáng thẳng băng. Bà vốn là giáo viên tiếng Hoa nên biết cách nói chuyện, giao tiếp, lúc nào cũng cười tươi như hoa nở" - bà Võ Thị Hạnh, trưởng khu phố 3, tấm tắc.
Lập danh sách chích vắc xin cho lối xóm nhưng bản thân mình thì chưa đến lượt, ngày 31-7 bà Đải và cả chồng, ông Tchen Quan Tung, cùng có kết quả dương tính trong đợt test cộng đồng. Hai ông bà cùng được đưa đến Bệnh viện quận 11. Đó là những ngày dịch đang ngày càng trầm trọng.
Ngày 18-8, ông Tchen Quan Tung ra viện thì được tin vợ mình là bà Đải đã mất từ hôm 9-8. "Tôi gọi điện báo cho hai con đang ở Đài Loan. Mấy cha con như trên trời rơi xuống nhưng cũng không biết làm thế nào. Nhà trước giờ chỉ có hai vợ chồng già, giờ chỉ còn một mình, tôi không hoạt động xã hội được như bà, chỉ nấu cơm cúng bà ấy thôi".
Ngồi bên mâm cơm chay cúng 49 ngày ông Nguyễn Vĩnh Châu (tổ phó tổ 27, phường 9, quận 11), bà Nguyễn Thị, phó ban điều hành khu phố 3, tâm sự: "Công việc của tổ dân phố trong mùa dịch này khó khăn, nguy hiểm lắm. Nghe thì đơn giản chỉ là làm danh sách nhưng thực tế thì lập đi lập lại mấy lần vẫn còn sót người vì nhiều lý do. Nhắn tin, gọi điện thoại nhiều người không nghe, không đọc, nhất là người già. Đến nhà bấm chuông, gọi cửa thì xóm giềng lại kéo đến tụ tập, hỏi thắc mắc đủ chuyện. Khi có phiếu hỗ trợ, phiếu đi chợ, phiếu chích vắc xin lại phải đi phát từng nhà. Tôi chưa bị nhiễm cũng là may mắn lắm...".
Cứ như vậy, việc làm tổ trưởng không chỉ là tấm lòng rộng mở sẵn sàng "phụng sự bà con" của những ông Hai, bà Đải, bà Nguyệt, ông Châu, ông Hoàng... mà trở thành một công việc gian nguy đòi hỏi sự dấn thân dũng cảm.
Thắp nén nhang lên bàn thờ chưa kịp có di ảnh của cô Nguyễn Thị Nguyệt, tổ trưởng tổ 31, phường 8, (quận 11), anh Đinh Nam Hoàng, công an khu vực khu phố 3, đăm chiêu: "Công việc của tổ trưởng dân phố giai đoạn khốc liệt này có những đòi hỏi bất ngờ. Mất các cô các chú rồi, chúng tôi vẫn chưa thể tìm được người thay thế".
Truy tặng bằng khen những người hùng thầm lặng
Gia đình ông Nguyễn Vĩnh Châu làm lễ cúng 49 ngày cho ông - Ảnh: TỰ TRUNG
Ngày 5-10, Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh ký quyết định 1667/QĐ-TTg truy tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 21 cá nhân có thành tích xuất sắc trong chống dịch COVID-19 ở TP.HCM. Theo danh sách đính kèm, đây là những tấm gương tiêu biểu đã tích cực tham gia phòng, chống dịch ở cơ sở với vai trò là thành viên tổ COVID-19 cộng đồng, ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương, thành viên lực lượng bảo vệ dân phố... Trong quá trình đó, họ không may nhiễm bệnh COVID-19 và qua đời.
Đây là đợt truy tặng lần thứ hai. Trước đó, ngày 4-9 Thủ tướng đã ký truy tặng bằng khen đến 18 cá nhân qua đời trong quá trình chống dịch.
Xem thêm