Quốc hội chính thức thông qua cơ chế đặc thù mới phát triển TP.HCM

01/08/2023 | 103 |

Chiều 24-6, Quốc hội chính thức thông qua cơ chế đặc thù mới phát triển TP.HCM với 481/484 đại biểu tán thành.

481/484 đại biểu (97,37% tổng số đại biểu tham gia) tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Nghị quyết có 12 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2023.

Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý một số điểm lớn tại dự thảo nghị quyết.

Theo ông Mạnh, nhiều ý kiến đề nghị không nên quy định nội dung cho phép TP.HCM được sử dụng nguồn tăng thu ngân sách nhà nước để bố trí cho các dự án đầu tư công mới, vì việc sử dụng nguồn thu này đã được quy định tại Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng theo quy định tại Luật Ngân sách nhà nước, HĐND TP có thẩm quyền quyết định sử dụng nguồn tăng thu ngân sách nhà nước, trong đó bao gồm cả chi đầu tư phát triển. HĐND TP có thể chủ động quyết định mà không cần phải báo cáo và được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền trước khi bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách TP.

UBND TP báo cáo cấp có thẩm quyền để tổng hợp chung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn. Hiện nay, nhiều địa phương đã và đang thực hiện bình thường quy định tại Luật Ngân sách nhà nước. Nếu quy định như dự thảo sẽ dẫn đến sự khác nhau rất lớn về nhận thức, cách hiểu quy định pháp luật về ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công giữa TP.HCM và 62 địa phương khác trên cả nước.

Do đó, tiếp thu ý kiến đại biểu, để tránh cách hiểu khác nhau, thống nhất trong nhận thức pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép không quy định nội dung này tại dự thảo nghị quyết.

Cũng theo ông Mạnh, một số ý kiến đề nghị thực hiện như quy định hiện hành, theo đó giữ nguyên mô hình tổ chức của Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) và nộp toàn bộ lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp sau khi trích lập các quỹ vào ngân sách nhà nước.

Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ căn cứ vào pháp luật hiện hành, với tính chất là quỹ đầu tư phát triển, cơ chế này đã được thực hiện trong nhiều năm qua, nay HFIC chỉ xin được tiếp tục thực hiện lại theo quy định đang áp dụng cho các quỹ đầu tư phát triển địa phương. 

Quốc hội chính thức thông qua cơ chế đặc thù mới phát triển TP.HCM - Ảnh: THÀNH CHUNG

Cụ thể là được giữ lại chênh lệch thu chi sau khi nộp thuế, nộp ngân sách và phân phối các quỹ theo quy định để bổ sung vào quỹ đầu tư phát triển nhằm tăng vốn điều lệ tương ứng với chức năng và nguyên tắc hoạt động của quỹ đầu tư phát triển địa phương mà HFIC đang thực hiện, tiếp tục phát huy vai trò huy động và đáp ứng nhu cầu cấp thiết về nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng - kỹ thuật, kinh tế - xã hội của TP. 

Với tính chất là quỹ đầu tư phát triển địa phương, để thể chế hóa tinh thần nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về tạo quyền chủ động, tăng cường nguồn lực cho TP, do đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép HFIC được giữ lại lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quy định để bổ sung vốn điều lệ.

Ông Mạnh nói thêm có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất cần bảo đảm sinh kế cho người dân. Về nội dung này, tiếp thu ý kiến đại biểu, để bảo đảm rõ ràng, chặt chẽ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan chỉnh lý, bổ sung quy định "bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân bị ảnh hưởng".

Áp dụng cơ chế PPP với cả lĩnh vực y tế, giáo dục, thể thao, văn hóa

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ dự thảo nghị quyết quy định 2 nhóm chính. Cụ thể là các chính sách đã được quy định tại nghị quyết 54 và các nghị quyết cơ chế đặc thù đã được áp dụng cho các địa phương khác hoặc đang quy định tại các dự thảo luật trình Quốc hội.

Các chính sách mới lần đầu tiên được quy định tại dự thảo nghị quyết với 4 nhóm vấn đề gồm đầu tư; tài chính - ngân sách; quản lý đất đai, quy hoạch; tổ chức bộ máy.

Tuy nhiên, rất cần có thêm các chính sách đột phá, vượt trội hơn nữa trong dự thảo nghị quyết để tạo căn cứ cho phát triển mạnh mẽ theo đúng tinh thần nghị quyết 31.

Mặc dù hiện nay TP đang nghiên cứu một số chính sách đột phá như về trung tâm tài chính quốc tế, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với công nghệ trong lĩnh vực tài chính...

Về lâu dài đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến, nghiên cứu, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định những cơ chế, chính sách thực sự đột phá để TP.HCM phát triển theo đúng tinh thần nghị quyết 31 và kết luận 14 của Bộ Chính trị.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị bổ sung, áp dụng cơ chế hợp tác công tư PPP đối với cả lĩnh vực y tế, giáo dục mà không áp dụng định mức.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, để tăng cường thu hút đầu tư, phát huy nguồn lực xã hội, bao quát cả các dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, tạo sự chủ động cho TP trong thực hiện các dự án PPP, không bị ràng buộc bởi quy định quy mô từ 100 tỉ đồng trở lên.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép quy định tại dự thảo giao HĐND TP.HCM quyết định quy mô của dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, thể thao và văn hóa.

Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, có ý kiến cho rằng cần cập nhật các quy định để thống nhất với quy định tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi).

Tiếp thu ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan rà soát và thấy rằng quy định tại dự thảo nghị quyết tương đồng với quy định tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) đang trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 6.

Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho áp dụng thí điểm trước tại TP.HCM.

Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép TP.HCM được nâng trần mức vay lên 120% số thu được hưởng theo phân cấp.

Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện, TP cần tính toán kỹ khả năng hấp thụ vốn, bảo đảm hiệu quả sử dụng, không làm tăng trần nợ công quốc gia.

Tăng số lượng phó chủ tịch huyện, phường, xã, thị trấn

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay theo phân loại đơn vị hành chính cấp huyện, TP.HCM còn 3 huyện Cần Giờ, Hóc Môn, Nhà Bè là huyện loại 2, được bố trí 2 phó chủ tịch UBND huyện.

48 phường, xã, thị trấn có dân số từ 50.000 dân trở lên là phường, xã, thị trấn loại 1, được bố trí 2 phó chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn.

Tuy nhiên, trong thực tế, quản lý nhà nước tại 3 huyện và 48 phường, xã, thị trấn, số lượng 2 phó chủ tịch UBND huyện, 2 phó chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn chưa đảm bảo được nguồn nhân lực lãnh đạo, điều hành, tham mưu giúp việc cho chủ tịch UBND huyện.

Để đảm bảo nguồn lực lãnh đạo quản lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép quy định tăng số lượng phó chủ tịch UBND huyện và phó chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn có số dân từ 50.000 dân trở lên.

Dự thảo nghị quyết cũng quy định rõ phần tăng thêm không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý theo đúng nghị quyết 27.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, tham mưu, đề xuất những chính sách thực sự nổi trội để TP Thủ Đức phát triển hơn nữa trong thời gian thích hợp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo rà soát, chỉnh lý quy định theo hướng không quy định thời gian thực hiện thí điểm mà giao Chính phủ sơ kết 3 năm, tổng kết 5 thực hiện để Quốc hội xem xét, quyết định.


Tin tức liên quan

Bình luận