Rèn luyện kỹ năng dự báo: khó nhưng phải làm
Khi đại chúng bắt đầu quan tâm đến chứng khoán nói riêng và các sản phẩm tài chính nói chung cũng là lúc chúng ta bắt đầu quen dần với việc theo dõi các dự báo của các chuyên gia, có thể là dự báo về xu hướng nền kinh tế hay dự báo về xu hướng của thị trường chứng khoán. Vậy bản chất của dự báo là gì?Tại sao chúng ta nên rèn luyện kỹ năng dự báo?
Tổ tiên chúng ta từ xa xưa đã phải dự báo về thời tiết để có thể chuẩn bị và chăm sóc tốt cho mùa vụ. Họ cần dự báo được liệu đằng sau bụi cây trước mặt là con hươu hiền lành hay con hổ đang rình mồi? Dự báo trở thành bản năng của con người để quản trị cuộc sống. Điều này đến nay vẫn đúng.
Cuộc sống hiện đại với các công việc ngày càng được chuyên môn hóa khiến cho mỗi người thường chỉ tập trung vào các công việc cụ thể mà mình đang làm, do đó chức năng dự báo dần ít được sử dụng rộng rãi cho số đông. Chỉ khi thị trường chứng khoán phổ biến thì từ “dự báo” mới bắt đầu quay trở lại. Nhưng hóa ra đây là bài toán dự báo khó nhất mà nhân loại từng nghĩ tới. Một nhà kinh tế học đã từng nói rằng việc dự báo đúng xu hướng của giá cổ phiếu còn khó hơn việc xác định quỹ đạo đi của tên lửa.
Mô hình dự báo
Để dự báo được thì mỗi người chúng ta cần phải có một mô hình phân tích. Mô hình chẳng qua là một hệ thống cô đọng lại các biến số quan trọng nhất mà chúng ta nghĩ rằng nó tác động đến biến số cần dự báo. Mô hình đơn giản hóa những gì diễn ra trong thực tế để có thể xây dựng ra các công thức cho quá trình dự báo. Chẳng hạn ở thời xưa, ông cha ta đã rút ra những công thức cơ bản để dự báo về thời tiết dựa trên độ cao, tầm bay của chuồn chuồn. Khi chuồn chuồn bay cao thì thời tiết thường có nắng và bay thấp thì thường trời mưa.
Khi chúng ta nghe những chuyên gia nào đó dự báo về xu hướng thị trường thì điều quan trọng cần quan tâm không phải là xu hướng tăng hay giảm mà chúng ta có thể hiểu được những biến số quan trọng mà người dự báo đã đưa vào trong mô hình phân tích của anh ta. Việc hiểu được các cơ sở đằng sau những mô hình được sử dụng sẽ giúp chúng ta có thể có được thông tin hữu ích hỗ trợ cho việc đánh giá của riêng mình, thay vì sa đà vào việc tranh luận dự báo như vậy liệu sẽ đúng hay sai.
Tôi đã từng làm một thống kê nhỏ về dự báo chứng khoán của các chuyên gia và nhận thấy rằng, xác suất của những dự báo đó cũng chỉ là 50/50. Đồ thị trên mô tả cho kết quả thực tế của 10 công ty chứng khoán lớn nhất tại Việt Nam từ 160 báo cáo mà tôi thu thập được trong vòng 10 năm qua so với các khuyến nghị giá cổ phiếu mà họ đưa ra trong 12 tháng tới (phần lớn là trong các báo cáo lần đầu). Theo đó, có thể thấy mặc dù các công ty sở hữu đội ngũ các nhà phân tích có chuyên môn tốt, nhưng các dự báo của họ cũng không phải lúc nào cũng có độ chính xác cao.
Sự khác biệt đằng sau những dự báo của chuyên gia so với những người không có chuyên môn là những cơ sở để họ đưa ra những dự báo, hay trong hàn lâm người ta gọi đó là “educated guess”. Mô hình dự báo của mỗi người khác nhau dựa trên việc lựa chọn một nhóm biến số quan trọng của mô hình là khác nhau. Thay vì tranh luận, chúng ta lại có thể chiêm ngưỡng sự khác nhau trong nhận thức của mỗi người, trong quá trình khác nhau mà mỗi người đưa ra các dự báo và kết luận đánh giá.
Mỗi chúng ta đều gặp phải cái gọi là sự thiên lệch trong suy nghĩ khi dùng những gì đã biết ở hiện tại để giải thích cho những hiện tượng và sự việc xảy ra trong quá khứ. Đó là lúc chúng ta đang cố gắng biện giải cho kết quả hiện tại hơn là thật sự muốn đánh giá kết quả quá trình đó một cách thấu đáo. Vì vậy, bài học kinh nghiệm chúng ta nhận được sẽ ít hơn. Việc dự báo vốn không dễ dàng nhưng việc rèn luyện kỹ năng dự báo sẽ giúp chúng ta nhiều trong quá trình phát triển bản thân.
Chúng ta phải nhớ rằng các quyết định của một trong những “cỗ máy” phức tạp nhất trên thế giới như Fed (Cục Dự trữ liên bang Mỹ) thì cũng chỉ xoay quanh vấn đề liệu có nên giảm lãi suất hay tăng lãi suất hoặc giữ nguyên mức lãi suất thì sẽ tốt hơn cho nền kinh tế. Đằng sau Fed là một đội ngũ các nhà kinh tế đầy uy tín, các nhóm chuyên gia phân tích hàng đầu, nhưng cũng chỉ để đưa ra những lập luận trên. Liệu Fed có đánh giá được rằng việc gia tăng cung tiền lớn trong giai đoạn dịch Covid-19 để hỗ trợ nền kinh tế sẽ có thể ảnh hưởng đến lạm phát toàn cầu, từ đó có thể tạo ra những rủi ro đình lạm mà bạn đang nghe hiện tại không. Chắc chắn là có với những mô hình dự báo của họ. Tuy nhiên, quan trọng là sự lựa chọn và đánh đổi của họ.
Mỗi nhà phân tích trên thị trường chứng khoán sẽ phải tìm kiếm cho mình một mô hình phân tích để phục cho mục đích dự báo của bản thân. Một lỗi mà chúng ta cần lưu ý trong quá trình dự báo là việc sử dụng các biến số mang tính chất kết quả để dự báo. Các biến kết quả hiện tại là kết quả của những tác động đã xảy ra trong quá khứ, do đó hoàn toàn không có nhiều giá trị trong việc dự báo. Ví dụ như khi chúng ta lựa chọn mua cổ phiếu dựa trên việc theo dõi các doanh nghiệp có báo cáo tài chính tốt trong quí 2 vừa qua. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp có kết quả tốt là kết quả của những nguyên nhân đã có trong quá khứ và thực tế những thông tin đó đã được phản ánh vào trong giá cổ phiếu. Các mô hình phân tích dựa trên các biến số chỉ báo sớm (leading indicators) thì mới có nhiều giá trị dự báo, vì những chỉ báo nào sẽ giúp chúng ta chỉ ra những xu hướng diễn biến trong tương lại của biến dự báo. Tương tự như việc độ cao của chuồn chuồn khi bay sẽ là một chỉ báo sớm cho yếu tố thời tiết theo quan niệm dân gian.
Dự báo là một việc làm quá khó, nhưng nên làm
Việc dự báo là điều không hề dễ dàng, tuy nhiên việc rèn luyện kỹ năng dự báo sẽ có thể giúp nhiều trong quá trình phát triển bản thân của chúng ta. Mỗi chúng ta đều gặp phải cái gọi là “hindsight bias”, có thể dịch nôm na là những thiên lệch trong suy nghĩ khi chúng ta dùng những gì chúng ta biết ở hiện tại để giải thích cho những hiện tượng và sự việc đã xảy ra trong quá khứ. Khi đó, chúng ta thường cố gắng tìm kiếm các giải thích mang tính chất biện giải cho kết quả hiện tại hơn là thật sự muốn đánh giá kết quả quá trình đó một cách thấu đáo. Điều đó khiến bài học mà chúng ta nhận được từ mỗi sai lầm hay thất bại sẽ ít hơn. Các nhà đầu tư huyền thoại đều khuyên các nhà đầu tư mới luôn cố gắng viết ra những cơ sở cho các quyết định đầu tư của mình, càng chi tiết càng tốt. Những diễn giải và lập luận này sẽ giúp chúng ta rất nhiều trong việc đưa ra những ý kiến khách quan về các quyết định của bản thân trong quá khứ.
Rất nhiều lần trong đời chúng ta quyết định sai nhưng rất ít khi ghi chép lại những khoảnh khắc dẫn tới sai đó một cách có hệ thống và chiêm nghiệm chúng một cách sâu sắc. Đôi khi chúng ta bị ảnh hưởng nhiều bởi các yếu tố xã hội, như là nói “nói trước bước không qua” chẳng hạn, để có thể có đủ dũng khí để đưa ra những đánh giá hay dự báo về những vấn đề mà chúng ta thật sự quan tâm.
Cuộc sống vốn dĩ là quá trình đưa ra giả thuyết, trải nghiệm và đánh giá hậu nghiệm. Đó đã là con đường phát triển của nhân loại trong suốt hàng nghìn năm qua và cũng là con đường hành trình hoàn thiện bản thân mình của mỗi cá nhân.
Xem thêm