Rôm rả chuyện đi chợ
TTO - TP.HCM đã qua hơn hai tháng giãn cách xã hội nhưng việc đi chợ vẫn được hàng triệu người nhắc đến.
Giải pháp đang triển khai: chính quyền phát phiếu đi chợ, siêu thị. Có ổn không? Lạc quan nhất cũng chỉ nói: tạm qua ngày. Vất vả không? Chính quyền, siêu thị, người dân đều vất vả. Có phàn nàn không? Nhiều. Có lắng nghe và điều chỉnh không? Có. Có nhịp nhàng hơn không? Tùy nơi...
Bức tranh mua sắm cho thấy có vênh giữa đáp ứng bữa ăn cho người dân với giãn cách xã hội và hai yêu cầu này chẳng bao giờ gặp nhau. Người dân cần thực phẩm để sống qua ngày. Người có trách nhiệm chống dịch phải kêu lên giãn cách mà dân vẫn ra đường; còn giao tiếp, còn ra đường là còn lây nhiễm bởi con biến thể Delta lây kinh lắm.
Các biện pháp mạnh hơn được áp dụng: chỉ thị 15, 16, 16+, rồi 12 và nay là không ra đường sau 18h đến 6h sáng hôm sau…
Có người nói muốn dân ở nhà chống dịch thì phải lo bữa ăn cho dân. Quá đúng, nhưng thực hiện cũng quá khó.
Trước đây, lương thực, thực phẩm do nhiều kênh phân phối: các chị tiểu thương tại chợ có tên và không tên, những chuỗi siêu thị, tiệm tạp hóa khắp hang cùng ngõ hẻm không đếm được. Nay cả hệ thống này chỉ còn vỏn vẹn trong danh sách những chợ, siêu thị được phép hoạt động.
Ngược lại, số người đi chợ lại tăng lên. Trước đây, hàng triệu người được tiệm cơm, quán phở phục vụ; nay hàng quán nghỉ bán, thêm người phải đi chợ, siêu thị.
Trước đây, mọi người mua thực phẩm vừa đủ, nay "mỗi lần đi chợ là một lần khó", ai cũng muốn gom.
Trước ra đường gặp người giao hàng, nay phần lớn ở nhà chống dịch.
Trước hàng hóa ra vào thành phố 24/24 giờ, nay chỉ còn 12 giờ với bao thủ tục, chi phí tốn kém.
Trước từng siêu thị tự lo nguồn hàng, nay chính quyền phát phiếu đi chợ, hai bên không phối hợp khó tránh có người đi chợ nhưng chẳng có hàng...
So sánh trước và nay cho thấy hệ thống sản xuất - chế biến - phân phối hoàn chỉnh đã đứt, gãy, sinh ra bao nhiêu chuyện. Tất cả phải sắp xếp lại hệ thống phân phối, điều chỉnh thói quen mua sắm.
Hàng loạt mô hình đi chợ thời dịch với sự hỗ trợ của các tình nguyện viên ra đời. Nhiều doanh nghiệp tay ngang chuyển sang cung cấp thực phẩm. Thậm chí có người đề xuất mô hình "dân quân địa phương đi chợ giúp dân".
Siêu thị đóng hàng "combo, đồng giá", người dân đặt mua qua group chat khu phố, hôm sau túi hàng được anh dân quân giao trước cửa nhà.
Vài người đi chợ cho cả phố, chẳng ai ra đường. Rau không tươi cũng vui vẻ. Có đắt một chút, hãy nghĩ rằng người ở ngoài kia phải đối mặt với con Delta. Cả phố cùng ăn một món như nhau: cũng chẳng sao, thời bao cấp cũng thế mà...
Có lẽ, dù bàn thế nào, tổ chức tốt đến đâu cũng không thể mua sắm như khi chưa có dịch. Sự linh hoạt của cơ chế thị trường "cung luôn đáp ứng cầu" cũng bó tay trước tình cảnh đặc biệt: ở nhà để chống dịch.
Chỉ còn một cách mà mọi người có thể tham gia là sống đơn giản hơn nữa. Bởi số ngày giãn cách không dài thêm nếu mọi người bớt giao tiếp, không ra đường, thực hiện đúng "gia đình cách ly với gia đình".
Thà đau một lần, nhiều người nói thế khi phải giãn cách nghiêm ngặt. Đơn giản hơn, chịu khó thêm nữa trong cuộc sống cũng là thà đau một lần để những ngày hết giãn cách có cơ hội sớm xuất hiện.
Xem thêm