Toàn cầu hóa liệu có trở thành dĩ vãng?

18/05/2022 | 230 |

(KTSG) – Các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine là đòn đánh mới nhất giáng vào các nỗ lực toàn cầu hóa của nền kinh tế thế giới, báo hiệu cho một sự quay trở lại của các khối thương mại toàn cầu biệt lập như trong quá khứ.

Theo CNBC, kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, toàn bộ cấu trúc kinh tế của thế giới đã dần thay đổi. Mục đích của thế giới sau chiến tranh là gắn kết các nền kinh tế với nhau, để giảm thiểu khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh thế giới khác.

Theo cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster, toàn cầu hóa đồng nghĩa với việc thế giới đã chấp nhận đánh đổi sự an ninh của chuỗi cung ứng để đạt được tính hiệu quả trong hoạt động của chuỗi cung ứng đó. Kết quả mang lại là khá đa dạng. Chi phí cho hàng tiêu dùng đã giảm mạnh khi hoạt động sản xuất được dịch chuyển sang các quốc gia có mức lương thấp.

Sự biến đổi của thế giới theo hướng này đã mang lại lợi ích lớn cho các nhà đầu tư chứng khoán, khi nền kinh tế toàn cầu được kết nối với nhau đã tạo điều kiện để thị trường tài chính phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên, chỉ trong vài tuần ngắn ngủi, những câu hỏi mới đã được đặt ra là liệu mô hình này có bị phá vỡ hay không?

Vết rạn từ cuộc xung đột tại Ukraine

WSJ nhận định, những nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm cô lập Nga khỏi hoạt động thương mại quốc tế đã đánh dấu một sự rạn nứt lớn trong tầm nhìn thương mại tự do – yếu tố đã định hướng các chính sách của Mỹ trong gần 30 năm qua, và báo hiệu một tương lai, nơi các quốc gia, doanh nghiệp dần hạn chế giao dịch với các đối thủ, và chuyển sang hợp tác nhiều hơn với các đối tác có sự gần gũi về mặt quan điểm.

Phương Tây đã đẩy mạnh việc loại bỏ các ngân hàng Nga khỏi các mạng lưới tài chính quốc tế, trong khi liên minh lưỡng đảng của các nhà lập pháp Mỹ đã kêu gọi cần xem xét lại tư cách thành viên của Nga tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) – một hành động chưa có tiền lệ trong lịch sử WTO.

Douglas Irwin, giáo sư kinh tế và sử gia về thương mại toàn cầu tại Đại học Dartmouth cho biết: “Vào năm 1995, chúng tôi đã có quan điểm một thế giới đối với mọi vấn đề. Không có các hệ thống khác nhau… Chỉ có một bộ quy tắc của WTO, trong đó, các chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu, tất cả mọi thứ đều được tích hợp”.

Tuy nhiên, giờ đây, những nỗ lực của giới lập pháp Mỹ nhằm loại Nga ra khỏi WTO là một bước đi có thể phá vỡ những giá trị đó, ngay cả khi kết quả cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội nước này không có giá trị về mặt thẩm quyền chính thức.

Chưa bao giờ trong lịch sử của WTO có một nỗ lực nghiêm túc nhằm loại bỏ bất kỳ quốc gia nào trong số 164 nước thành viên. WTO thậm chí còn không có quy trình trục xuất chính thức, và Mỹ được dự báo sẽ phải đối mặt với một tiến trình khó khăn trong việc thuyết phục các thành viên khác thực hiện việc chưa từng có tiền lệ này.

Jennifer Hillman, một luật sư thương mại và là cựu luật gia về thương mại của WTO, hiện đang giảng dạy luật quốc tế tại Đại học Georgetown nhận xét: “Hệ thống thương mại như chúng ta đã biết, với cốt lõi là WTO và một bộ quy tắc cơ bản để các quốc gia tiến hành giao thương với nhau, hiện đang bị tách rời”.

Thậm chí, ngay cả khi không có động thái chính thức nào của WTO, một số công ty phương Tây đã quyết định rút lui, hoặc từ bỏ hoàn toàn hoạt động của họ ở Nga.

Những áp lực làm xói mòn niềm tin toàn cầu hóa

Dẫu vậy, cuộc xung đột Ukraine không phải là một bước ngoặt lớn mà chỉ là một sự củng cố cho đà đi xuống của tiến trình toàn cầu hóa. Các số liệu thống kê cho thấy, trong năm 2008, hoạt động xuất khẩu trên thế giới đã đạt đỉnh, chiếm 31% GDP toàn cầu, nhưng đến năm 2020, tỷ lệ này chỉ còn là 26%.

Trên thực tế, khái niệm toàn cầu hóa (các quốc gia giao dịch với ít rào cản, tập trung vào các ngành và dịch vụ mà họ làm tốt nhất) đã phải đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng trong nhiều năm qua, do sự cạnh tranh kinh tế, sự đóng cửa nhà máy ở các nước giàu có và đặc biệt là từ những người có quan điểm rằng biên giới thương mại mở không phù hợp với các lợi ích quan trọng nhất của quốc gia, đặc biệt là trong những giai đoạn khẩn cấp.

Đơn cử như khi đại dịch Covid-19 xảy ra, chủ quyền quốc gia được ưu tiên hơn thương mại tự do ở hầu hết mọi nơi. Vấn đề về nơi sản xuất các khẩu trang và thiết bị y tế đột nhiên trở nên rất quan trọng.

Trong khi đó, ở Mỹ, một vấn đề mà Tổng thống Joe Biden không hề có sự khác biệt quan điểm với người tiền nhiệm là quan hệ thương mại với Trung Quốc. Giống như Donald Trump, Tổng thống Biden ủng hộ việc “tách rời” nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc, khiến Mỹ ít phụ thuộc hơn vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc.

Việc Mỹ và nhiều quốc gia khác tăng thuế đối với hàng nhập khẩu đang tác động tiêu cực đến hoạt động thương mại toàn cầu. Theo dữ liệu của WTO, kể từ năm 2010, lượng hàng hóa, dịch vụ chịu thuế quan và các rào cản thương mại khác đã tăng từ 126 tỉ lên 1.500 tỉ đô la.

Bên cạnh đó, xung đột địa chính trị cũng ảnh hưởng lớn đến toàn cầu hóa. Chẳng hạn, sáng kiến ​​“Sản xuất tại Trung Quốc 2025” của Chủ tịch Tập Cận Bình không hướng tới mục đích tạo việc làm đơn thuần, mà là đảm bảo không gian kinh tế cho Trung Quốc hoạt động với quyền tự chủ về chính trị.

Tương tự, khi nước Nga bị trừng phạt vào năm 2014 vì sáp nhập bán đảo Crimea, quốc gia này đã phản ứng bằng cách khởi động một nỗ lực đẩy mạnh sản xuất trong nước, giảm sự phụ thuộc vào bên ngoài.

Ông Bill Reinsch, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một tổ chức tư vấn tại Washington chuyên về vấn đề an ninh quốc gia của Mỹ, cho biết các công nghệ vận tải và thông tin liên lạc vẫn khiến thương mại toàn cầu trở nên hấp dẫn đối với các doanh nghiệp và cho phép họ cung cấp các sản phẩm với tính cạnh tranh cao nhất. Tuy nhiên, các động thái như việc cô lập kinh tế Nga hiện vẫn “đang nhận được sự hưởng ứng trong ngắn hạn, và không ai bận tâm đến những hậu quả lâu dài của việc làm suy yếu các thể chế quốc tế”.

Những khối thương mại biệt lập hơn

Giờ đây, thế giới được dự báo có thể sẽ quay trở lại với một hệ thống các khối thương mại biệt lập hơn. Mặc dù Mỹ sẽ ngừng mua dầu của Nga, nhưng một số nước khác có thể vẫn sẽ tiến hành giao dịch.

Tại Mỹ, mặc dù các nhà lập pháp vẫn đang cân nhắc kỹ lưỡng, nhưng sự ủng hộ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đối với các biện pháp như chi 52 tỉ đô la để đưa hoạt động sản xuất chất bán dẫn trở về Mỹ là rất mạnh mẽ, điều mà chỉ cách đây một thập kỷ vẫn còn là chuyện không thể tưởng tượng nổi.

Những sự rạn nứt to lớn được cho là khó có thể đảo ngược, ngay cả khi quan hệ chính trị giữa các quốc gia trở nên bớt căng thẳng hơn. Mạng Internet cũng đang dần trở nên phân mảnh – một hiện tượng được gọi là “Splinternet”, khi Nga và Trung Quốc đang nỗ lực cắt đứt nhiều liên kết Internet của nước này với phương Tây để hạn chế luồng thông tin.

Chuyên gia Jennifer Hillman dự báo, tương lai của các hiệp định thương mại toàn cầu sẽ thiên về các hiệp ước mang tính khu vực, nơi các bên tham gia chia sẻ nhiều lợi ích chung hơn, chẳng hạn như Hiệp định Mỹ – Canada – Mexico (USMCA) được ký hồi năm 2020. Ông nói: “Tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy ngày càng nhiều hiệp ước được ký kết giữa những quốc gia có cùng quan điểm, chí hướng. Sẽ rất khó để biết, liệu có sự hình thành những hiệp định chính thức, trong đó các quốc gia thành viên chỉ giao thương với nhau và không làm ăn với các quốc gia khác hay không”.

Theo ông Derek Scissors, một thành viên cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, với những gì đang diễn ra, kỷ nguyên thương mại tự do, không ràng buộc, dường như giống với một hiện tượng nhất thời hơn là một xu hướng mang tính dài lâu. “Có một khoảng thời gian kể từ năm 1993, chúng tôi đã nghĩ rằng có thể có một hệ thống thương mại toàn cầu, một điều kỳ diệu. Khoảng thời gian đó thật là đặc biệt và lạc quan. Tuy nhiên, sau khi nó được thử nghiệm, sự ưa thích đã dần không còn nữa”, ông Derek kết luận.


Tin tức liên quan

Bình luận