Trách nhiệm cao
TTO - Sự hy sinh của ba chiến sĩ, liệt sĩ công an nhân dân quận Cầu Giấy (Hà Nội) khi tham gia dập đám cháy tại quán karaoke thêm một lần nữa nhắc nhở mọi người về trách nhiệm trong công tác phòng cháy chữa cháy.
Việc tìm ra nguyên nhân, "bịt lỗ hổng" trách nhiệm, ghi nhớ bài học đắt giá trong công tác quan trọng này là rất cần thiết, để ăn năn báo cáo trước hương hồn các liệt sĩ.
Hôm nay (5-8), Công an thành phố Hà Nội và đông đảo nhân dân thủ đô tổ chức lễ viếng, truy điệu và tiễn đưa ba liệt sĩ về với đất mẹ. Hai trong số ba liệt sĩ hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, chưa có gia đình, thậm chí chưa có người yêu.
Khi Tuổi Trẻ Online đăng bài kèm di ảnh hạ sĩ Đỗ Đức Việt - nhân vật từng xuất hiện trên trang báo Tuổi Trẻ trong bài viết “Anh lính cứu hỏa tập sự gánh rau giúp hai cụ già” - đã khiến nhiều bạn đọc rớt nước mắt.
Việt ngồi bên chú cún vừa được anh cứu sống từ một đám cháy, với lời nhắn nhủ rằng: “Cậu đang mang bầu phải không? Chúc cậu hạ sinh những chú cún đáng yêu và cũng dũng cảm như cậu ngày hôm nay nhé”. Một tâm hồn thánh thiện, nhân văn như Việt khi ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn cho cộng đồng xã hội.
Ba chiến sĩ - thượng tá Đặng Anh Quân, thượng úy Đỗ Đức Việt, hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc (từ trái qua) - đã hy sinh khi làm nhiệm vụ chữa cháy cứu người - Ảnh do công an cung cấp
Các chiến sĩ dũng cảm của chúng ta hy sinh trong lúc đương đầu với "giặc lửa" từ một đám cháy ở quán karaoke. Nó có thể xuất phát từ "nhân tai", hoặc chí ít là do sự bất cẩn của con người, chứ không phải xuất phát từ thiên tai, địch họa. Sự hy sinh, vì thế, khiến người ở lại đau đớn, băn khoăn, day dứt và buộc chúng ta phải đặt ra những câu hỏi về trách nhiệm.
Trách nhiệm của chính quyền, đặc biệt là trách nhiệm của các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ trong công tác phòng cháy chữa cháy và của chủ nhân quán karaoke này, đến đâu?
Nhiều người dân Hà Nội vẫn còn nhớ: đầu giờ chiều 1-11-2016, cũng tại một quán karaoke ở quận Cầu Giấy, ngọn lửa kinh hoàng bốc lên trên phố Trần Thái Tông đã thiêu rụi 4 căn nhà liền kề và cướp đi sinh mạng của 13 người.
Tại sao vẫn ở quận Cầu Giấy và tại sao vẫn là quán karaoke? Nhiều người dân đặt câu hỏi.
Rất có thể dư luận sẽ nhận được câu trả lời là các nhà chức trách sở tại đã làm "hết trách nhiệm", đã kiểm tra, đã nhắc nhở, đã cấp phép, đã yêu cầu...
Nhưng ngọn lửa vô tình. Đám cháy làm 13 người thiệt mạng năm 2016 được kết luận là do những người thợ hàn xì không tuân thủ các quy định về phòng cháy chữa cháy. Một phút bất cẩn, hậu quả khôn lường.
Vậy thì sau đó, các cơ quan có trách nhiệm đã rút ra bài học kinh nghiệm gì cho công tác quản lý một loại hình kinh doanh có "đặc điểm" là dễ "bén lửa" này?
Ngay tại thời điểm này, hãy thử kiểm tra các quán karaoke đang hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội xem có bao nhiêu quán đáp ứng đầy đủ các quy định về phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là có lối thoát hiểm đủ an toàn trong trường hợp hỏa hoạn xảy ra?
Thiết nghĩ, nếu chính quyền thành phố Hà Nội tăng cường công tác kiểm tra thì rủi ro sẽ được giảm thiểu.
Đồng thời, các cơ quan hữu trách cũng nên rà soát lại hệ thống các quy phạm pháp luật về công tác phòng cháy chữa cháy, để những quy định nào chưa "đủ độ" thì bổ sung và những quy định nào còn rườm rà, không cần thiết và gây phiền nhiễu cho người dân, doanh nghiệp thì lược bỏ.
Xem thêm