Từ chuyện góp 'máy tính cho em'...

03/12/2021 | 284 |

TTO - Không phải chỉ ở những vùng sâu, vùng xa mà ngay giữa một quận trung tâm Hà Nội là Ba Đình, vẫn có những học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến khi các trường chật vật "chuyển trạng thái" để phòng chống dịch COVID-19.

Cả nước có trên 7,3 triệu học sinh các cấp đang học trực tuyến thời điểm này thì đã có trên 1,5 triệu học sinh thiếu máy tính, thiết bị học tập, chưa kể học sinh ở những nơi đang dạy học trực tiếp nhưng vẫn có nguy cơ ngừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến bất cứ lúc nào.

Trong bối cảnh đó, cuộc vận động quyên góp máy tính cho học sinh ở quận Ba Đình (Hà Nội) hai tuần đầu đã huy động được gần 860 triệu đồng nhưng cũng mới đáp ứng được cho 130 học sinh thiếu máy tính của quận và góp một số máy cho chương trình chung của TP. 

Tính tới thời điểm hiện tại, các trường ở Hà Nội cũng mới quyên góp được 2.345 máy tính, thiết bị học tập, vẫn còn nhiều học sinh chưa có thiết bị để học trực tuyến.

Ở những địa phương đang gánh chịu thiệt hại nặng nề từ dịch bệnh, những vùng vốn gặp nhiều khó khăn thì vấn đề thiết bị học trực tuyến còn nan giải hơn nhiều.

Nhưng "Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao", khi sự đồng lòng, chung sức lan tỏa nhiều hơn và kéo được sự hưởng ứng của nhiều cấp, ngành, đặc biệt là có các doanh nghiệp vào cuộc, khó khăn chắc chắn sẽ được giải quyết.

"Máy tính cho em", "Sóng và máy tính cho em" là những cụm từ bắt đầu trở nên quen thuộc trong tháng đầu bước vào năm học mới. Câu chuyện nhân văn góp "sóng", góp "máy tính" đang mang đến một diện mạo mới về cách giải quyết khó khăn hiệu quả, nhanh chóng khi có chỉ đạo thông suốt từ trung ương đến các bộ, ngành và người dân.

Tại buổi lễ phát động chương trình "Sóng và máy tính cho em" do Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất và chủ trì, một số doanh nghiệp lớn đã công bố ủng hộ 1 triệu máy tính và miễn phí sử dụng 4 Gb/ngày (trong ba tháng) cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo đang thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 để học trực tuyến. 

Các doanh nghiệp cũng công bố miễn phí Internet trên 6 nền tảng dạy học trực tuyến, cam kết phủ sóng 100% các vùng lõm chưa có kết nối Internet di động...

Sự chung sức từ người dân đến doanh nghiệp đã phát huy những thế mạnh riêng cho mục tiêu lớn và nó trở thành bức tranh truyền năng lượng tích cực nhất trong bối cảnh cả nước phải gồng mình chống dịch. Khởi đầu này tiếp thêm sức mạnh cho ngành giáo dục giải quyết dần những khó khăn khác để thực hiện một năm học thích ứng, linh hoạt.

Bài học về việc kéo doanh nghiệp vào "sự nghiệp trồng người" cũng cho thấy chúng ta rất cần có cơ chế rõ ràng, thuyết phục hơn để khích lệ doanh nghiệp tham gia các chương trình vì cộng đồng. 

Không chỉ dừng lại ở việc kêu gọi sự hảo tâm mà cần các quy định cụ thể về ưu đãi cho doanh nghiệp trong đầu tư, giảm thuế để họ không chỉ xem hoạt động vì cộng đồng là việc "từ thiện" mà còn vì lợi ích, thương hiệu của mình. Bên cạnh đó, tất nhiên cũng cần có cơ chế giám sát để đảm bảo những cam kết được thực hiện chất lượng và hiệu quả.


Tin tức liên quan

Bình luận