Tưởng niệm nạn nhân COVID-19: Cất tiếng chuông để nhớ mãi mãi...!
TTO - "Mặt trận Tổ quốc VN phối hợp với TP.HCM và các địa phương liên quan tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh do đại dịch theo hình thức trực tuyến" - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thông báo chủ trương sáng 11-11.
Chủ trương của Đảng và Nhà nước này đã được đông đảo người dân ủng hộ.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng Quốc hội nên chọn ngày 22-8 hằng năm là Ngày nạn nhân COVID-19 vì đây là ngày có số người tử vong cao nhất (340 người chỉ riêng ở TP.HCM), đồng thời mở một cuộc thi thiết kế Khu tưởng niệm nạn nhân COVID-19 đặt tại quận có số người mất cao nhất ở TP.HCM để người thân và người dân đến đặt hoa tưởng niệm...
* GS.TS Nguyễn Minh Hòa: Toàn dân tưởng nhớ
22.500 người mất trong đại dịch COVID-19 là con số được báo cáo trước Quốc hội. Nếu thống kê đầy đủ, và nếu tính cả hai năm dịch bệnh, con số đó chắc sẽ cao hơn. Tưởng niệm những người đã khuất là điều phải làm, nhưng làm như thế nào trong tình cảnh dịch đang có nguy cơ bùng trở lại?
Tôi cho rằng Quốc hội nên chọn ngày, giờ nhất định công bố cho quốc dân, đồng bào. Vào giờ đó tất cả các còi tàu hỏa, tàu thủy, còi trong nhà máy, chuông nhà thờ, chuông chùa và trống, chiêng, kẻng của các làng xã, trường học, buôn làng trên lãnh thổ toàn quốc cùng gióng lên báo hiệu.
Tất cả mọi người dừng công việc, đứng lên cúi đầu mặc niệm trong một phút.
Cùng khi ấy, lễ treo cờ rủ ở một số nơi, các lễ cầu siêu ở các chùa, lễ tưởng niệm ở các nhà thờ, các công sở có điều kiện và từng gia đình được diễn ra với quy mô nhỏ, phân tán theo thời gian (có thể kéo dài một ngày) được tiến hành trang trọng tùy theo điều kiện của từng nơi, từng tôn giáo.
Chính phủ và các chính quyền địa phương có thể tổ chức trong phạm vi hẹp nhưng không cần thiết phải có điếu văn, diễn văn.
Về lâu dài, Quốc hội nên chọn ngày 22-8 hằng năm là Ngày nạn nhân COVID-19 vì đây là ngày có số người tử vong cao nhất. Cũng nên mở một cuộc thi thiết kế Khu tưởng niệm nạn nhân COVID-19, đặt tại quận có số người mất cao nhất ở TP.HCM để hằng ngày người thân và người dân đến đặt hoa.
Khu tưởng niệm này không cần rộng lớn nhưng cần trang trọng, ấn tượng. Nó là dấu ấn để nhắc nhở chính quyền và người dân luôn cảnh giác trước các loại dịch bệnh trong tương lai.
* Ông Nguyễn Thiện (Công ty truyền thông Tiêu Điểm): Thông điệp cho người sống
Với hơn 22.500 người tử vong do COVID-19 thì có thể nói ở Việt Nam, từ năm 1975 đến nay, đây là tổn thất về người lớn nhất. Hầu hết những người đã mất trong đại dịch ra đi trong hoàn cảnh đơn côi, không người thân bên cạnh, không được tổ chức mai táng, nên với thân nhân là đau đớn chồng lên đau đớn.
Việc Quốc hội có chủ trương tổ chức lễ tưởng niệm trực tuyến đồng bào tử vong, cán bộ chiến sĩ hy sinh do đại dịch COVID-19 là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, do lễ tưởng niệm chỉ có thể diễn ra trong thời gian ngắn, lại theo hình thức trực tuyến, nên tổ chức thế nào để đạt hiệu quả về cảm xúc và thông điệp là điều cần suy tính.
Theo tôi, trên cơ sở ấn định thời điểm bắt đầu lễ tưởng niệm, cùng lúc đó toàn bộ chuông chùa, chuông nhà thờ cùng các cơ sở tôn giáo khác ở TP.HCM và các tỉnh thành liên quan gióng lên 2 phút 15 giây - tượng trưng cho 22.500 người không may qua đời, mỗi phút tượng trưng cho 10.000 người qua đời, hoặc 225 giây - mỗi giây tượng trưng cho 100 người thiệt mạng trong đại dịch.
Tại một số nơi ở trung tâm TP.HCM, cần bố trí khu vực ngoài trời để người dân xếp hàng đặt hoa, thắp hương tưởng niệm, chú ý bảo đảm khoảng cách an toàn. Đặc biệt cần chú ý khu vực có ngoại giao đoàn, cần thông báo trước để họ chuẩn bị và tham gia...
Cùng thời điểm, cán bộ nhân viên công sở, các văn phòng nên tạm dừng việc 1 phút để tưởng niệm. Tưởng niệm người mất nhưng là gửi gắm đến những người đang sống: không được lơ là việc phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường sống. Tổ chức càng thể hiện tính văn hóa thì thông điệp càng mạnh mẽ.
* Nhà văn Trầm Hương: Văn học, điện ảnh... vào cuộc
Hàng chục ngàn người đã ra đi trong lặng lẽ. Tưởng niệm nạn nhân COVID-19 là điều cần phải làm, để nhắc nhớ một cuộc chiến đấu lịch sử trước đại dịch. Nhưng làm lúc nào, cách làm ra sao là điều thật đáng suy nghĩ. Có người nói quá muộn, có người nói còn quá sớm bởi trận chiến này chưa phải trận cuối cùng.
Trước tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp khắp cả nước, đặc biệt các tỉnh miền Tây, chắc chắn không thể có một lễ tưởng niệm lớn lao, tập trung đông người theo cách làm truyền thống. Buổi lễ qua hình thức trực tuyến, kết nối nhiều người sẽ được thực hiện trang trọng.
Nhưng tưởng niệm cách nào cũng chỉ là hình thức. Để nhớ về nạn nhân trong đại dịch COVID-19 cần có rất nhiều cách. Báo chí, điện ảnh, văn học, hội họa, âm nhạc... sẽ còn vào cuộc, nhắc nhớ về thảm họa này.
Hồi chuông tưởng niệm nạn nhân COVID-19 rung lên cũng là để cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta: COVID-19 không loại trừ ai và dịch bệnh xảy ra bất kỳ lúc nào, nơi đâu.
Con người phải thức tỉnh, thay đổi và thích ứng để sống còn và bảo vệ Trái đất, bảo vệ nhân loại.
* Nhà báo Nguyễn Thế Thanh: Sau con số là số phận
Khi lòng dân đã được đáp ứng, đã có chủ trương về lễ tưởng niệm các nạn nhân COVID-19 cấp quốc gia, giờ đây chỉ còn việc nhanh chóng tổ chức lễ sao cho trang trọng, ý nghĩa và đảm bảo điều kiện an toàn dịch bệnh.
Lễ tưởng niệm nên tổ chức tại Nhà hát TP (số 7 Công trường Lam Sơn, quận 1, TP.HCM). Số người dự tối đa là 150 người/550 tổng lượng ghế ngồi cả dưới nhà và trên lầu, truyền hình trực tiếp trên các kênh quốc gia và các nền tảng số.
Thành phần tham dự nên có các vị đại diện cao nhất của Nhà nước và Chính phủ; đại diện lãnh đạo các địa phương miền Bắc (Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Điện Biên...), miền Trung (Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phan Thiết...), miền Nam (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Cần Thơ, Đồng Tháp, Cà Mau...); đại diện ngành y tế, lực lượng vũ trang, các đoàn thể và tổ chức dân sự; đại diện các doanh nghiệp; đại diện gia đình các nạn nhân COVID-19, lưu ý các gia đình có người thân là y bác sĩ, lực lượng vũ trang mất trong khi làm nhiệm vụ chống dịch (lực lượng này cần chiếm ít nhất 1/3 số người tham dự lễ).
Việc trang trí buổi lễ cần trang trọng, ấn tượng, có bản sắc văn hóa Việt Nam. Diễn văn đọc trong buổi lễ cần nhấn mạnh niềm đau buồn trước những mất mát, đau thương quá lớn do dịch bệnh, tránh dành thời lượng nhiều cho điểm lại thành tích công lao chống dịch.
Đặc biệt, cần nêu cụ thể chính sách cho các nạn nhân, nhất là các cháu bé mồ côi cha mẹ do COVID-19. Tất cả công việc tổ chức cần thể hiện tinh thần "Đằng sau mỗi con số là một số phận".
* Thượng tọa Thích Trí Chơn (viện chủ Tu viện Khánh An, TP Thủ Đức):
Cộng hưởng nguồn năng lượng an lành
Trước nỗi đau lớn của cả nước trong đại dịch này, tổ chức lễ tưởng niệm là rất nên. Thứ nhất là cầu an cho người hiện hữu được tâm an lành vì khi người mất ra đi không tang, không lễ, không nhang, không đèn thì người ở lại ray rứt, đau buồn như món nợ nghĩa tình. Thứ hai là giúp cho người mất được siêu thoát.
Thứ ba, đây là bài học lịch sử sẽ ghi lại để cho con cháu, người đời sau nhớ về thời kỳ lịch sử đau buồn để sống hiểu biết, tri ân và báo ân. Thứ tư là nhắc con người ta sống thiện lành, bảo vệ môi trường thiên nhiên... xây dựng xã hội lành mạnh và tốt đẹp hơn.
Với truyền thống của đạo Phật Việt Nam, lễ tưởng niệm nạn nhân mất do COVID-19 cần có các lễ sau: lễ khai kinh cúng Phật, lễ cầu siêu hương linh, lễ tụng một hồi kinh để siêu độ, lễ đốt nến cầu nguyện.
Trong bối cảnh dịch bệnh không thể tập trung đông người, lễ tưởng niệm nên tổ chức trực tuyến vào ngày giờ ấn định toàn quốc. Những người ở nhà cần chuẩn bị bàn thờ theo tôn giáo tín ngưỡng, bàn thờ gia tiên. Phật tử có thể mặc áo choàng, cùng có mặt đúng ngày giờ theo ban tổ chức thông báo thông qua mạng xã hội, để hướng về lễ.
Trong buổi lễ, chư tăng, quý thầy tổ chức như thế nào thì người tham gia hướng về đó với tâm nguyện của mình. Mọi người cùng nhau làm sẽ tạo nên một năng lượng thánh thiện, giúp người mất siêu thoát.
Đó là tinh thần cầu nguyện của đạo Phật, trong bất cứ một sự cố nào như thiên tai, dịch bệnh, giao thông... để gửi năng lượng an lành đến người đã khuất.
Xem thêm