Tưởng niệm người đi xa
TTO - Tại Việt Nam, những hội nghị quan trọng ở trung ương và địa phương trong thời gian gần đây đều dành ra phút tưởng niệm nạn nhân tử vong vì COVID-19. TP.HCM đang nghiên cứu để tổ chức lễ tưởng niệm cầu siêu cho những người đã khuất vì COVID-19.
Nhiều người vẫn chưa quên cơn bão Linda năm 1997 quét qua bán đảo Cà Mau khiến hơn 3.000 người chết.
Sau thảm họa đó, một tấm bia tưởng nhớ những người đã mất vì cơn bão Linda được dựng lên ở xã Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau để người thân của các nạn nhân và khách phương xa có nơi ghé vào thắp nhang, cầu nguyện cho những người không may.
Tại lễ tưởng niệm nạn nhân bão Linda năm 2017, dù 20 năm đã trôi qua nhưng nước mắt của những góa phụ, những người con của các nạn nhân vẫn chảy, nỗi đau nào dễ nguôi ngoai. Tai họa do đại dịch COVID-19 gây ra ở nước ta còn lớn hơn bão Linda.
Đến nay cả nước đã có 21.000 người chết, chưa kể những thiệt hại về kinh tế - xã hội.
Cùng chịu nạn vì virus quái ác này, một số nước như Trung Quốc, Mexico, Chile, Argentina, Tây Ban Nha đã tổ chức quốc tang từ 1 đến 30 ngày, tưởng niệm những người đã qua đời vì COVID-19.
Tại Việt Nam, những hội nghị quan trọng ở trung ương và địa phương trong thời gian gần đây đều dành ra phút tưởng niệm nạn nhân tử vong vì COVID-19. TP.HCM đang nghiên cứu để tổ chức lễ tưởng niệm cầu siêu cho những người đã khuất vì COVID-19.
Việc này phù hợp với nghĩa đồng bào của người Việt, với cách ứng xử của nhiều quốc gia khi gặp thiên tai, dịch bệnh.
Tuy nhiên, ngoài TP.HCM với tỉ lệ và số tử vong cao nhất, hàng chục tỉnh thành trong cả nước đều có người lìa đời vì COVID-19. TP.HCM nghiên cứu rồi sau đó tổ chức lễ tưởng niệm cầu siêu, vậy các tỉnh thành khác thì sao?
Hơn nữa trong những người đã đi xa vì COVID-19 có già, có trẻ; có người không theo đạo, có người theo đạo; có người theo đạo Phật, có người theo đạo Công giáo, Tin Lành...
Do đó, việc tổ chức tưởng niệm phải ở tầm quốc gia để thể hiện sâu sắc nỗi buồn của cả dân tộc với những người đã mất - dù họ ở bất kỳ nơi nào trên đất nước, dù họ theo đạo nào hay không theo đạo, dù họ là nhân viên y tế, các chiến sĩ hay đồng bào đã qua đời vì dịch.
Những năm qua, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chủ trì tổ chức lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông vào chủ nhật thứ ba của tháng 11 hằng năm.
Mỗi năm Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp với một địa phương để tổ chức, các địa phương còn lại tự tổ chức với những hình thức, nghi thức đa dạng. Đây là một mô hình có thể xem xét để vận dụng khi chọn hình thức tưởng niệm những người khuất bóng vì COVID-19.
Kinh tế rồi sẽ phục hồi, nhưng những di chứng từ đại dịch trăm năm mới có một lần này còn ám ảnh, còn hằn sâu trong tim hàng triệu người có khi đến cả đời, nhất là với những ai có thân nhân đã hóa thành tro cốt.
Mãi mãi trong họ là nỗi day dứt vì không thể tổ chức tang lễ cho người thân, dù đó là việc bất khả kháng.
Đời sống xã hội rồi sẽ bình thường trở lại, được cả nước bảo bọc nhưng hàng ngàn trẻ em vẫn cảm thấy thiếu thốn giữa dòng đời vì mồ côi cha, mồ côi mẹ hay mồ côi cả cha lẫn mẹ do COVID-19.
Vì vậy, lễ tưởng niệm quốc gia hay quốc tang, có xây bia hay làm phù điêu... tưởng nhớ người dân, cán bộ, chiến sĩ đã mất vì COVID-19 là việc nhất thiết phải làm.
Đây là việc hệ trọng ở tầm quốc gia chứ không phải ở tầm địa phương. Do đó, cần có một quyết định ở cấp quốc gia để có nghĩa cử tưởng nhớ những người đã đi xa, để mọi người vẫn nhớ về họ với niềm mong không lặp lại nỗi buồn đó một lần nữa.
Xem thêm