Washington đã hiểu Bắc Kinh hơn?

01/08/2023 | 96 |

Chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ A. Blinken tuy không tạo ra đột phá nào nhưng đã giúp đưa quan hệ Mỹ - Trung từ "điểm thấp nhất" sau hơn 40 năm thiết lập trở về lại "đúng hướng".

Nhận định "đi đúng hướng" của chính Tổng thống Mỹ Joe Biden không chỉ đến từ kết quả đồng thuận về quy trình "ổn định hóa cạnh tranh" nhằm giảm thiểu kịch bản nổ ra xung đột Mỹ - Trung, mà còn liên quan đến việc ông Blinken đã khéo léo triển khai các động thái nhân nhượng, tuy ngắn hạn nhưng lại ngăn chặn hiệu quả tác động dài hạn từ thế trận "viễn giao cận công" Trung Quốc đang thực hiện chớp nhoáng.

"Viễn giao cận công" là chiến lược tập trung phát triển quan hệ với nước lớn ở xa nhằm giảm áp lực cho chính sách gây áp lực với nhóm nước nhỏ láng giềng.

Nhân nhượng mà không nhân nhượng

Thứ nhất, phía Mỹ đã sớm xúc tiến việc thăm dò quan điểm của chính giới Trung Quốc ngay sau sự cố khinh khí cầu. Cuộc gặp ngắn giữa ông Blinken với ông Vương Nghị bên lề Hội nghị An ninh Munich vào nửa cuối tháng 2 đã khởi đầu tiến trình này.

Cuộc gặp giữa Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ J. Sullivan và ông Vương Nghị ở Vienna (Áo), chuyến thăm của Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đến Mỹ vào tháng 5, và chuyến công du của Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel J. Kritenbrink đến Trung Quốc vào đầu tháng 6 đã hoàn tất tiến trình đó.

Điều này giúp chuyến thăm của ông Blinken nắm rõ được lập trường của Trung Quốc cũng như giảm thiểu rủi ro bị "lật ngược" thế cờ.

Thứ hai, phía Mỹ chỉ trì hoãn các biện pháp trừng phạt nhưng vẫn tạo được thiện cảm lớn với Trung Quốc.

Cụ thể, ngoài các phát ngôn về việc thay đổi lập trường từ "phân tách kinh tế" sang "giảm thiểu rủi ro" với Trung Quốc từ tổng thống và bộ trưởng Tài chính Mỹ, động thái lên kế hoạch gia hạn thêm một năm các miễn trừ việc kiểm soát xuất khẩu chip cho ba tập đoàn đối tác lớn của Trung Quốc là Samsung, SK Hynix (Hàn Quốc) và TSMC (Đài Loan) của Bộ Thương mại Mỹ đã có tác động quan trọng đến dư luận dòng chính của Trung Quốc.

Thêm vào đó, chính quyền ông Biden được cho là đã bỏ lỡ thời hạn cuối trong tháng 6 được Quốc hội Mỹ cho phép để giải mật tài liệu liên quan nguồn gốc dịch COVID-19, đồng thời trì hoãn việc siết chặt các quy định về đầu tư nước ngoài và kiểm soát xuất khẩu công nghệ.

Thứ ba, phía Mỹ tạm hoãn triển khai các hoạt động quân sự ở những "điểm nóng" như Biển Đông hay eo biển Đài Loan. Vành đai quân sự của Mỹ lúc này tuy vẫn được triển khai nhưng tập trung vào các khu vực không nhạy cảm như: tập trận hải quân bốn nước Mỹ, Nhật, Pháp và Canada ở biển Philippines từ ngày 9-6; diễn tập không quân Cope West 23 với Indonesia từ ngày 12-6; và phối hợp thao tập với quân đội Hàn Quốc cũng từ 12-6.

Chuỗi động thái này hoàn toàn khác biệt với các hoạt động quân sự được triển khai thường xuyên ở Biển Đông và eo biển Đài Loan những tháng trước đó của Mỹ.

Thành công của ông Blinken

Có thể nói các biện pháp nhân nhượng chiến thuật cả về chính sách lẫn triển khai hiện diện quân sự tránh các "điểm nóng" nói trên đã tạo nên tâm lý chủ quan của dư luận nói chung về sự chênh lệch cán cân hiện tại đang có lợi cho Trung Quốc.

Tận dụng tâm lý này, ông Blinken đã khai thác khắc chế từng phần chiến lược "viễn giao cận công" mà Trung Quốc thực sự đã triển khai chớp nhoáng ngay trong chuyến thăm của ngoại trưởng Mỹ.

Thứ nhất, khắc chế tính toán "viễn giao" của Trung Quốc khi vẫn giữ được Pháp, Đức trong quỹ đạo. Việc Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường thăm Pháp, Đức từ ngày 18-6 (trong lúc ông Blinken tới Bắc Kinh) cho thấy mục tiêu muốn tăng cường quan hệ với các nước đang gặp áp lực từ Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) cũng như chính sách thâu tóm thị phần năng lượng châu Âu của Mỹ.

Tuy nhiên, chuyến thăm của Bộ trưởng Giáo dục Đức đến Đài Loan vào tháng 3, cũng như việc hải quân Pháp tham gia cuộc tập trận bốn bên với Mỹ ở biển Philippines vào tháng 6 cho thấy phía Mỹ vẫn duy trì được kết nối với hai đồng minh này vào các hoạt động bất lợi cho Trung Quốc.

Không chỉ vậy, việc Thủ tướng Đức ký các hiệp ước quân sự bí mật với Hàn Quốc trong chuyến thăm cuối tháng 5 còn cho thấy mạng lưới gắn kết ngày càng chặt chẽ giữa các đồng minh Á - Âu của Mỹ mà vốn dĩ Trung Quốc không đủ sức ảnh hưởng để ngăn chặn.

Thứ hai, Washington đã khai thác điểm yếu của chính sách "cận công" khi Trung Quốc duy trì vành đai quân sự sát sườn. Trong đó, sự dịch chuyển vành đai hiện diện quân sự của Mỹ tránh khỏi các "điểm nóng" như đã phân tích chỉ mang tính tạm thời.

Các hoạt động quấy rối nhóm nước ASEAN có biên giới giáp Biển Đông đang diễn ra trong khuôn khổ "cận công" của Trung Quốc dần tạo nên khoảng cách đáng kể giữa cường quốc này với các nước nhỏ trong khu vực mà phía Mỹ sẵn sàng tận dụng.

Thế nào là "đi đúng hướng"?

Nhìn chung, với vẻ ngoài là một chuyến thăm bị động trước áp lực từ chuỗi động thái cân nhắc hạn chế xuất khẩu nam châm đất hiếm (tháng 4-2023), và quyết định trừng phạt "gã khổng lồ" chip Micron (tháng 5-2023) của Trung Quốc, thực tế ông Blinken đã có quá trình vận động quan điểm của chính giới Trung Quốc trước đó để xác lập chiến lược tiếp cận phù hợp.

Chuyến thăm của ngoại trưởng Mỹ vì vậy không chỉ khắc chế từng phần lập trường "viễn giao cận công" của Trung Quốc, mà còn ngăn các kịch bản bất lợi cho giới tinh hoa công nghệ Mỹ từ các đáp trả đối ứng mà Trung Quốc đang triển khai. Tính chất "đi đúng hướng" mà ông Biden nhấn mạnh thực tế chính là sự phong tỏa các thế trận của Trung Quốc mà không ảnh hưởng gì đến các lợi ích chính sách từ phía Mỹ.


Tin tức liên quan

Bình luận