Đừng bắt người tiêu dùng phải thông thái nữa!
Sáng nay vào Facebook thấy chị bạn ngán ngẩm than: “Mỗi khi nghe truyền thông ra rả “hãy làm một người tiêu dùng thông thái” là mình phẫn nộ. Đó là cái câu mị dân và lừa đảo nhất mà mình từng nghe. Bởi nếu mình mua phải hàng rởm, hàng kém chất lượng, nguyên nhân là tại mình không thông thái?
Mấy dòng này chị bạn viết khi ăn trúng bao gạo giả, trên bao bì ghi ST25 mà ruột thì không phải. Ngẫm ra thấy thật đúng. Hẳn chưa khi nào người tiêu dùng lại khổ sở như bây giờ. Kiếm được đồng tiền thời buổi khó khăn đã cực đến chừng nào. Vậy mà mang đồng tiền ấy đi tiêu dùng còn phải ngó trước nhìn sau, cầm lên đặt xuống, suy luận đủ đường. Làm sao biết sản phẩm đó sạch hay không, khi mà không phải sản phẩm nào cũng có thể phân biệt được bằng mắt thường?
Thực tế cho thấy công tác quản lý của chúng ta chưa tốt. Thanh tra, kiểm tra còn thụ động, không thể phát hiện được hết thực phẩm kém chất lượng. Nên chỉ xử lý được một phần nào đó những sai phạm mà thôi. Nên mới để tình trạng bao nhiêu hàng giả, hàng kém chất lượng trôi nổi trên thị trường với tem mác đàng hoàng. Khi cơ quan chức năng làm chưa tốt, thử hỏi người tiêu dùng phải thông thái kiểu gì để không mua phải hàng rởm? Những ngày cuối năm, Tết Nguyên đán cận kề, khi nhu cầu mua sắm tăng cao, cũng là lúc những đối tượng xấu lợi dụng đẩy mạnh sản xuất, tàng trữ, buôn bán các loại hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng nhằm trục lợi. Người tiêu dùng như bị bủa vây bởi ma trận hàng hóa rởm. Nhưng biết làm sao khi ngay cả đồ trong siêu thị, các trung tâm thương mại lớn cũng không còn đảm bảo. Từ quần áo, giày dép giả mạo các thương hiệu nổi tiếng đến thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đặc biệt khi bán hàng qua mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến, thì càng khó kiểm soát chất lượng, nguồn gốc hàng hóa hơn.
Khách hàng mua sắm ở một siêu thị tại TPHCM. Ảnh: Lê Vũ
Chúng ta hàng ngày vẫn nỗ lực đánh thức lương tri của người sản xuất. Những mong họ không vì lợi nhuận mà cố tình làm trái pháp luật, bất chấp tính mạng người tiêu dùng. Nhưng bên cạnh đó thay vì yêu cầu người tiêu dùng phải thông thái thì đã đến lúc cần áp dụng chế tài xử lý vi phạm đủ sức răn đe. Thay vì chủ yếu là xử lý vi phạm hành chính như trước đây thì nên cần phải mạnh tay hơn, như công khai danh tánh doanh nghiệp vi phạm, hay khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự. Bởi hậu quả của hàng nhái, hàng rởm, đặc biệt là thực phẩm bẩn là vô cùng nguy hại đến sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng. Tôi cho rằng mọi vi phạm đều bắt nguồn từ cơ sở, địa phương đều nắm được. Nên cần nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền các địa phương, cùng các lực lượng quản lý thị trường, công an kinh tế… trong việc xử lý đến nơi đến chốn hành vi sản xuất, tàng trữ, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng.
Đói thì phải ăn, khát phải uống, người tiêu dùng không còn lựa chọn nào khác. Họ cũng không thể phân biệt được tất cả hàng thật, giả trên đời. Đừng bắt người tiêu dùng phải thông thái nữa. Cũng đừng bắt người dân phải làm thay trách nhiệm của cục quản lý thị trường, hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mãi nữa.
Xem thêm