Đừng để côn đồ đội lốt nghề y

10/01/2023 | 147 |

Hù dọa bệnh hiểm nghèo, giữ giấy tờ, ép ký giấy nợ và thậm chí đe dọa nếu người bệnh phản ứng... Không ai có thể chấp nhận kiểu hành xử côn đồ với người bệnh yếu thế như vậy.

Đặc biệt câu chuyện này lại xảy ra ở phòng khám - nơi mà đáng lẽ phải đặt y đức và việc cứu người lên trên hết.

Nỗi bức xúc dường như đã chạm đến đỉnh điểm khi người đứng đầu ngành y tế TP.HCM phải thốt lên rằng "vẽ bệnh, moi tiền" người bệnh là hành vi "thiếu đạo đức". Còn cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) gọi hành vi này là "không có lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp".

Phải khẳng định ngay "vẽ bệnh, moi tiền" là chiêu trò không có gì mới mẻ, vốn dĩ tồn tại nhức nhối ở hầu hết các phòng khám có yếu tố nước ngoài (chủ yếu người Trung Quốc) nhiều năm qua. 

Đến nỗi ai cũng ngầm hiểu phía sau cánh cửa các phòng khám này là các chiêu trò hù dọa, "chặt chém", lừa đảo. Thế nhưng vẫn có không ít người bệnh nhẹ dạ sập bẫy.

Từ một vài phòng khám, mạng lưới "vẽ bệnh, moi tiền" vươn vòi khắp nhiều tỉnh thành (trong đó đặc biệt ở TP.HCM). Họ lôi kéo người bệnh đang gặp phải các vấn đề sức khỏe "khó nói". 

Và điểm chung của người bệnh khi đến và rời khỏi các phòng khám này, ngoài mất số tiền lớn, còn phải gánh thêm sự hoang mang tột cùng. Đã có người bệnh tử vong hoặc mang trên mình các vết tích đau đớn từ bàn tay của các "bác sĩ" vô lương.

Vậy tại sao cái gọi là hành nghề "thiếu đạo đức" và "không có lương tâm" vẫn tồn tại? Đầu tiên là kiểu hành nghề xem thường pháp luật của chính các phòng khám có yếu tố nước ngoài. Các vi phạm vẫn tái diễn dù cơ quan chức năng xử phạt ở khung cao nhất. 

Chưa kể họ còn giở chiêu "ve sầu thoát xác" khi sẵn sàng giải thể công ty cũ, lập công ty mới và đổi tên phòng khám ngay tại vị trí đang vi phạm. Điều này cho thấy phía sau họ có sự "tiếp sức" về pháp lý nhằm lách luật.

Cũng cần phải nói thêm mức xử phạt hiện còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Đơn cử vi phạm được xem nghiêm trọng như khám chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn chỉ bị phạt từ 30 - 40 triệu đồng. Cộng thêm xử phạt bổ sung cũng chỉ tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề từ 22 đến 24 tháng.

Và để các phòng khám "vẽ bệnh, moi tiền" hoạt động như thế, một phần không nhỏ đến từ sự "tiếp tay" của các nhân viên người Việt. Không hiểu vì hám lợi hay "mưu sinh" như lời người đứng đầu ngành y tế nói mà họ đã vô tình (hoặc cố ý) đẩy người bệnh vào thế khó. 

Rõ ràng tình trạng này nếu tiếp diễn không chỉ sức khỏe người bệnh bị đe dọa, hình ảnh ngành y tế cũng bị vạ lây.

Trong bối cảnh ấy, giải pháp công khai số đường dây nóng phản ánh riêng nạn "vẽ bệnh, moi tiền" mà ngành y tế vừa công khai bước đầu mang đến nhiều tín hiệu tích cực. 

Nhưng như thế chưa đủ. Để hiện thực hóa quyết tâm trị dứt điểm vấn nạn này, bắt buộc người nước ngoài hành nghề ở Việt Nam phải thi cấp chứng chỉ, phải nói thông thạo tiếng Việt.

Cần phải tăng nặng các hình thức xử phạt thu hồi vĩnh viễn chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động nếu tái phạm, nhất là các hành vi liên quan đến đạo đức hành nghề khám chữa bệnh. Không thể chấp nhận việc nhân danh hành nghề y khi mà cách hành xử với người bệnh mang đầy sát khí giang hồ như thế.


Tin tức liên quan

Bình luận