Giữ cổ thụ 100 năm cho bến Người tình
TTO - 'Cây da cổ thụ thân thương đã trở thành một phần ký ức của người Sa Đéc rồi. Chúng tôi quyết bảo tồn dù có người muốn đốn bỏ' - ông Võ Thanh Tùng, nguyên chủ tịch UBND TP Sa Đéc (Đồng Tháp), chia sẻ.
Cây da trước khi chưa bị nghiêng - Ảnh: THANH NGHĨA
Về Sa Đéc, du khách hỏi thăm cây da trăm tuổi hay quán cơm Cây Da tại phường 1, chắc hẳn dân địa phương nào cũng có thể hướng dẫn chính xác.
Cùng với đình thần Vĩnh Phước gần đó và rạch Cái Sơn, hình ảnh "cây đa, bến nước, sân đình" thân thuộc của làng quê Việt Nam tái hiện ngay tại mảnh đất bên dòng sông Tiền.
Đổi nền, tốn chi phí hàng trăm triệu đồng để bảo tồn được cây da. Nhưng chính quyền chọn cây cũng là chọn theo ý nguyện nhiều người dân và con cháu mai sau.
Ông VÕ THANH TÙNG
Đời cây, bao đời người
Cây da nằm sừng sững trên đường Hùng Vương nhộn nhịp bậc nhất TP. Xung quanh là chợ xưa Sa Đéc, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê và ngôi Trường tiểu học Trưng Vương gắn liền với tuổi thơ của nữ văn sĩ người Pháp Marguerite Duras - người viết nên cuốn tiểu thuyết Người tình nổi tiếng.
Nhiều năm qua, cây da có đường kính hơn 5m, cao trên 20m trở thành một trong những biểu trưng cho phố cổ Sa Đéc. Hình ảnh cổ cây thân thương đến mức nhiều Việt kiều trở về quê hương đều đến thăm "cụ da trăm tuổi" để ôn lại ký ức tuổi thơ.
Ông Ôn Nguyên Thuận (73 tuổi, phường 1), nhà gần gốc da, cho biết thời ông nội mình đã thấy cây da, ước tính ít nhất phải hơn 100 năm. Đình thần Vĩnh Phước gần đó được xây dựng từ năm 1807 nên người dân xung quanh cho rằng cây da cũng xuất hiện khoảng niên đại đó.
"Cây da này được nhiều người tin và thờ phụng lắm. Họ tin rằng có ông thần cây bảo vệ, giúp người dân ở đây cuộc sống yên bình, hạnh phúc" - ông Thuận kể.
Còn bà Nguyễn Thị Hòa (81 tuổi, phường 1) cho biết cây da nổi tiếng đến mức cái quán cơm bên gốc cũng được đặt tên quán cơm Cây Da và nhờ vậy luôn đông khách. Du khách phương xa hay ghé lại thưởng thức món ăn Sa Đéc dưới gốc đa cổ thụ rợp bóng mát.
"Nó là một phần ký ức, hoài niệm rồi. Bởi vậy TP mới bảo tồn mà không bứng đi trồng nơi khác" - bà Hòa tâm sự.
Kể chuyện xưa, ông Nguyễn Nhất Thống, chủ tịch Hội Sử học TP Sa Đéc, cho biết không ai rõ chính xác tuổi cây da, nhiều người tin rằng cổ cây có thể xuất hiện cùng với việc dựng đình thần Vĩnh Phước.
"Người xưa hay có câu "cây đa, bến nước, sân đình". Xưa vùng này toàn kênh rạch, muốn lên bờ phải từ bến nước đi lên. Ngoài ra, thuở mở cõi, người ta cũng dựng đình, trồng cây đa để phục vụ nhu cầu tâm linh. Do vậy, cây da này có ý nghĩa rất quan trọng với đời sống tinh thần người dân Sa Đéc" - ông Thống chia sẻ.
Cây da đã được cắt tỉa, ép cọc, cố định khung sắt giúp đứng vững an toàn - Ảnh: THÀNH NHƠN
Quyết tâm bảo tồn cây
Do ảnh hưởng từ cơn bão số 3 năm 2019, cây da bị nghiêng một phần gây hư hại nhà dân xung quanh. Ông Nguyễn Văn Của (62 tuổi), chủ tiệm gần gốc cây da, cho biết cây nghiêng gây e ngại cho nhiều hộ dân sống gần. Bản thân ông nhiều hôm mưa gió không dám ngủ tại nhà, mà phải tìm chỗ khác.
"Người dân phản ảnh lên chính quyền vì sợ cây ngã đổ gây nguy hiểm tính mạng, nhà cửa. Sau nhiều lần thương thảo, cuối cùng chính quyền cũng thỏa thuận vừa tạo điều kiện cho những hộ dân gần đó tiếp tục kinh doanh vừa có cách khoa học duy trì an toàn cho cây da trăm tuổi này" - ông Của chia sẻ.
"Bứng cây da đi thì được lòng chỉ 5-10 hộ dân sống gần đó, nhưng mất lòng hàng trăm ngàn dân sống tại Sa Đéc. Mình không sợ mất tiền, tiền có thể làm ra, nhưng mất cây da thì tổn hại không đo đếm được.
Anh có thể cất cái nhà 50-60 tầng trong vài năm, nhưng phải mất trăm năm mới có được một cây da như thế" - ông Thống từng trút nỗi niềm với một vị lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp khi được trực tiếp hỏi về việc di dời hay bảo tồn cây da.
Theo ông Thống, nếu bứng cây da đi nơi khác mà lỡ cây chết thì sẽ có lỗi với tiền nhân. Hiện trên địa bàn TP Sa Đéc có 2 cây da, ngoài cây da đang bảo tồn thì còn một cây da khác tại đình Tân Quy Tây.
Cây da không ai biết bao nhiêu tuổi nhưng nó đã song hành, chứng kiến lịch sử thăng trầm của TP Sa Đéc.
Ông Võ Thanh Tùng, nguyên chủ tịch UBND TP Sa Đéc, là một trong những người rất tâm huyết với việc bảo vệ cây da trăm tuổi.
"Sau cơn bão số 3 thì cây da nghiêng và làm nứt nhà của hai hộ dân. Có 3 phương án đưa ra là đốn bỏ, di dời hoặc bảo tồn cây da. Địa phương đau đáu tìm cách giải quyết. Sau khi tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia, người dân, cuối cùng TP quyết tâm bảo tồn mặc dù cây da này không phải là cây di sản" - ông Tùng bộc bạch.
Thời còn trên cương vị chủ tịch TP, ông Tùng đã 4 lần đối thoại với dân xung quanh vấn đề cây da. Do dưới gốc cây có quán cơm lâu đời tồn tại trước năm 1975 nên nhiều người đến ăn. Chủ đất không muốn dời đi vì "chén cơm", trong khi TP muốn bảo tồn cây trăm tuổi.
Sau nhiều lần thương thảo bất thành, cuối cùng chính quyền và người dân đồng ý với phương án TP sẽ lấy một phần diện tích đất xung quanh cây da của người dân và đổi lại bằng một nền đất khác trong khu dân cư. Đồng thời quán cơm vẫn tiếp tục duy trì ở vị trí cũ, chỉ thu hẹp diện tích.
"Hiện chính quyền đã chi ngân sách 550 triệu đồng để bảo tồn cây da. TP tiến hành ép cọc, canh chỉnh thẳng lại, xây tường chắn cách ly khỏi nhà dân" - ông Tùng chia sẻ.
Một đời cây, bao đời người. Với những tấm lòng muốn gìn giữ tán xanh cho mai sau, cây da cổ thụ vẫn sừng sững nơi góc phố xưa. Mai này, du khách về thăm Sa Đéc vẫn được ngồi nghe chuyện Người tình - L’Amant dưới bóng cây trăm năm…
Đường phượng vĩ bên sông
Hàng phượng vĩ lãng mạn nở đỏ cả đoạn đường dài bên bờ sông Lấp Vò - Ảnh: THÀNH NHƠN
Về Đồng Tháp, đi dọc quốc lộ 80 qua huyện Lấp Vò, nhiều người còn ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thơ mộng của hàng phượng vĩ được trồng dọc bờ kênh Xáng. Hàng trăm cây phượng đỏ rực cả đoạn đường dài hàng kilômet, tạo nên khung cảnh vô cùng lãng mạn.
Hằng năm, cứ vào mùa phượng nở khoảng từ tháng 5 đến tháng 7, nhiều du khách, nhiếp ảnh gia và dân phượt lại kéo nhau đến "check in" để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của con đường phượng vĩ này.
Đặc biệt, ngoài đường phượng vĩ, nhiều con đường khác như đường cau Sa Đéc, đường me tây Cao Lãnh đều rợp bóng mát, gây ấn tượng với du khách mỗi khi ngang qua.
Xem thêm