Hộ chiếu văn hóa Việt Nam: Trân quý di sản giữa lòng đô thị
Có nhiều công trình kiến trúc quan trọng của TP.HCM còn tồn tại cho đến ngày nay, nhưng một số không nhỏ khác chỉ còn là ký ức.
Trong xã hội đương đại, xu hướng đứt gãy với những giá trị quá khứ là tất yếu, nếu như không có các hoạt động nhắc nhớ thông qua truyền thông và giáo dục. Di sản của cộng đồng - một thành tố quan trọng của Hộ chiếu văn hóa Việt Nam - sẽ mai một khi thế hệ trẻ kế thừa mất dần ký ức.
Có nhiều công trình kiến trúc quan trọng của TP còn tồn tại cho đến ngày nay, nhưng một số không nhỏ khác chỉ còn là ký ức. Nhiều ngôi đình quan trọng, lưu giữ nhiều ký ức của các thế hệ dân cư, từng là nơi cố kết tinh thần cộng đồng trong một khu vực rộng lớn, không còn giữ được sinh hoạt thường nhật. Khi hiểu hơn về lịch sử - văn hóa TP, ta càng thêm trân quý những di sản giữa lòng đô thị.
Không được "may mắn" như Miếu Bà Thiên Hậu (Hội Quán Tuệ Thành) hay Lăng Ông - những di sản giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong tâm thức của người dân TP, được cộng đồng bảo vệ, tiếp thêm sức sống qua những hoạt động văn hóa - tín ngưỡng - du lịch; Sài Gòn - TP.HCM còn nhiều di sản đã mất đi tính cộng đồng, chỉ còn duy trì được bằng sự bảo vệ hành chính.
Ở đường Nguyễn Huệ, nhớ Nguyễn An Ninh và Phan Châu Trinh
Sáng chủ nhật, nhóm bạn Echoing Drum hẹn nhau tại một quán cà phê trên đường Đồng Khởi để cùng học lịch sử. Qua những tấm bản đồ của Sài Gòn xưa, quá trình quy hoạch, xây dựng của TP được bàn luận sôi nổi.
Sau hơn một giờ cùng học lịch sử qua bản đồ, nhóm bạn trẻ bắt đầu hành trình đi bộ để tìm hiểu về những di sản còn lại trên những con đường trung tâm.
Đường Nguyễn Huệ, ngày nay là phố đi bộ, là con đường quan trọng bậc nhất của TP. Từ bờ sông Sài Gòn đến tòa nhà UBND TP chưa đến 1km nhưng có nhiều điểm là di sản vật thể hay chứa đựng ký ức đô thị Sài Gòn xưa. Công trình nay, công trình xưa đan xen nhau trong không gian sôi động, trẻ trung của phố đi bộ ngày chủ nhật.
Nếu như tòa nhà Cục Hải quan, tòa nhà UBND TP là những công trình quan trọng còn được bảo tồn gần như nguyên dạng thì công trình Kho Bạc ở số 37 Nguyễn Huệ là một ví dụ cho sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển với khối nhà hiện đại hòa hợp với công trình xưa.
Tuy vậy, đây là các công sở nhà nước, vẫn còn hoạt động hành chính. Thương xá Tax, một biểu tượng về thương mại, đã không còn nữa trong sự tiếc nuối của nhiều người. Những vị trí số nhà quan trọng khác trên đường Nguyễn Huệ gắn liền với những danh nhân, sự kiện lớn của Sài Gòn xưa gần như bị quên lãng.
Số nhà 49 Nguyễn Huệ đang treo bảng cho thuê. Ít ai biết rằng, ở số nhà này, hơn một thế kỷ trước là nơi sinh sống, kinh doanh và hoạt động cách mạng của gia đình chí sĩ Nguyễn An Khương.
Khách sạn Chiêu Nam Lầu ở số 49 Charner là địa chỉ quen thuộc của nhiều nhà cách mạng nổi tiếng thời đó. Từ đây, Nguyễn An Ninh, người thanh niên trí thức lớn của Nam Kỳ, con trai của cụ Nguyễn An Khương đã được hun đúc lòng yêu nước thương nòi và tinh thần cách mạng chống lại sự cai trị của thực dân Pháp.
Và cũng ở đây, nhà cách mạng Phan Châu Trinh đã trút hơi thở cuối cùng vào một buổi tối tháng 3-1926. Nhưng, không có một bảng thông tin kỷ niệm nào nhắc nhớ đến những người đặc biệt đó.
Bảo tồn ký ức đô thị
Sài Gòn xưa, TP.HCM nay, là đô thị quan trọng bậc nhất trong suốt hơn hai thế kỷ. Nhiều sự kiện lịch sử đặc biệt đã từng diễn ra ở TP này.
Từ chuyến bay đầu tiên của Đông Nam Á do phi công Van Den Born điều khiển năm 1910, cho đến chuyến viếng thăm của văn hào Ấn Độ được giải Nobel Tagore, cho đến những số nhà gắn liền với nhiều danh nhân lịch sử, văn hóa gần như bị lãng quên.
Ký ức đô thị, cùng những câu chuyện kể cần được xem xét như những di sản phi vật thể phải lưu giữ và bảo tồn.
Với di sản vật thể đã mất, một cách bất khả kháng, câu chuyện về di sản vẫn cần được nhắc nhớ. Các địa điểm ký ức cần có bảng thông tin di tích trang trọng, tường minh để thế hệ trẻ qua đó kết nối được cùng quá khứ. Ký ức đô thị, ký ức về di sản còn là những mỏ vàng chất liệu để xây dựng những sản phẩm du lịch lịch sử - văn hóa hấp dẫn.
Qua những trải nghiệm thực tế cùng sự dẫn dắt, kể chuyện cùng nhau, nhóm bạn trẻ Echoing Drum đồng ý với nhau rằng TP.HCM có rất nhiều di sản. Đó có thể là những di sản vật thể, hữu hình hoặc những câu chuyện lưu giữ, nhắc nhớ ký ức của những thế hệ thị dân.
TP đã có nhiều thay đổi trong nhu cầu phát triển, bộ mặt đô thị biến đổi rất nhanh. Có nhiều di sản vật thể biến mất, nhưng ký ức về di sản vẫn còn. Bằng một cách nào đó, giữ lại ký ức này cũng là một phương cách làm sống lại di sản vật thể đã mất đi. Và, khi ký ức được lưu giữ, nhắc nhớ, thế hệ trẻ sẽ tự tin kể những câu chuyện hấp dẫn về TP của mình đang sống với bạn bè quốc tế.
Học lịch sử - văn hóa qua những chuyến điền dã
Phan Khắc Huy (giữa) chia sẻ những câu chuyện thú vị về di sản trong tour Echoing Drum - Ảnh: HUỲNH VY
Echoing Drum - Vang Vọng Trống Chầu là một start-up giáo dục lịch sử - văn hóa - nghệ thuật được thành lập năm 2020 dưới sự hỗ trợ của Saigon Innovation Hub, trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM.
Echoing Trip là một sản phẩm giáo dục của công ty, giúp người tham gia học lịch sử - văn hóa qua những chuyến đi bộ điền dã, đã được đông đảo bạn trẻ đón nhận sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát.
Phan Khắc Huy - tác giả bài viết này - là người sáng lập dự án Cội Việt, Lục Tỉnh Cầm Ca và Công ty TNHH Vang Vọng Trống Chầu, với các hoạt động lưu trữ, truyền thông và giáo dục di sản văn hóa cho người trẻ. Hiện anh đang trực tiếp vận hành các hoạt động này cùng những bạn trẻ chung đam mê.
Xem thêm