Học được gì từ Singapore về phát triển tài sản trí tuệ
Với mục tiêu xây dựng quốc gia thông minh, Singapore đang thúc đẩy kết nối tài sản trí tuệ dựa trên nền tảng kỹ thuật số. Phạm vi bài viết này sẽ phân tích những kinh nghiệm của Singapore về phát triển tài sản trí tuệ, thông qua đó, đưa ra một số bài học cho Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ.
Bảo vệ quyền tài sản để phát triển tài sản trí tuệ
Đầu năm 2022, theo bảng xếp hạng do Trung tâm Chính sách đổi mới toàn cầu thuộc Phòng Thương mại Mỹ (GIPC) công bố, Singapore, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Thụy Sỹ là các quốc gia hàng đầu về Chỉ số Sở hữu trí tuệ (SHTT) quốc tế, trong đó, Singapore là quốc gia đứng đầu chỉ số này về bằng sáng chế. Bên cạnh đó, theo đánh giá Chỉ số Quyền tài sản quốc tế (IPRI) của Liên minh Quyền tài sản, mức độ bảo vệ quyền tài sản của Singapore xếp thứ 2 trên thế giới sau Phần Lan.
Chiến lược quốc gia
Từ năm 2013, Chính phủ Singapore đã tăng cường nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp bảo vệ, quản lý và thương mại hóa quyền SHTT quốc gia thông qua Kế hoạch tổng thể về Trung tâm SHTT (IP Hub Master Plan).
Đến nay, sau hai lần sửa đổi, Chính phủ Singapore đã đưa ra chiến lược SHTT Singapore 2030, viết tắt là SIPS 2030. Nội dung của kế hoạch này tập trung vào ba khía cạnh: định vị Singapore là một trung tâm toàn cầu cho các hoạt động và giao dịch tài sản trí tuệ (TSTT); thu hút và phát triển các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; cố gắng phát triển các công việc và kỹ năng tốt trong lĩnh vực SHTT.
Ngoài ra, IP Hub Master Plan đặt ra ba thách thức trong việc thúc đẩy nền kinh tế đổi mới cùng SHTT, đó là sáng tạo, bảo vệ và thương mại hóa.
Chính sách chứng khoán hóa tài sản trí tuệ
Đặc tính của TSTT là khó dự báo nên thường không được chấp nhận là tài sản thế chấp để vay vốn hay huy động vốn trên thị trường chứng khoán. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ Singapore cùng Viện Định giá và Thẩm định Singapore lên kế hoạch xây dựng một bộ hướng dẫn định giá TSTT tiêu chuẩn được quốc tế công nhận.
Các hướng dẫn sẽ giúp các bên liên quan hiểu rõ hơn về giá trị của TSTT và nâng cao niềm tin của họ trong giao dịch TSTT. Điều này có thể dẫn đến nhiều hoạt động tài trợ TSTT hơn cho các doanh nghiệp định hướng đổi mới tại Singapore.
Một thách thức thực tế là các tổ chức tài chính vẫn còn do dự về khả năng chi trả của doanh nghiệp. Để giải quyết thách thức này, Singapore triển khai các quỹ để bảo lãnh cho doanh nghiệp khởi nghiệp vay vốn trên cơ sở thế chấp TSTT.
Định giá tài sản trí tuệ
Văn phòng Sở hữu trí tuệ Singapore (IPOS) xem xét dựa trên nhiều yếu tố liên quan đến TSTT như: giá trị, vòng đời, khả năng thương mại hóa, sức cạnh tranh, khả năng thu lợi và hoàn vốn.
IPOS định giá TSTT theo ba nguyên tắc. Tiếp cận chi phí: đo lường chi phí phát sinh với việc tạo ra các bằng sáng chế; tiếp cận thị trường: đo lường xem các công ty khác sẽ trả bao nhiêu cho các sáng tạo TSTT tương tự của một công ty khác; tiếp cận thu nhập: xác định thu nhập mà một TSTT có thể tạo ra.
Ngoài ba nguyên tắc trên, nhiều mô hình định giá khác được những tổ chức định giá áp dụng trong thực tiễn hoạt động định giá TSTT nói riêng và tài sản vô hình nói chung tại Singapore, tiêu biểu như: Mô hình định giá tùy chọn nhị thức (BOPM)(1), mô phỏng Monte Carlo(2) hay mô hình Black-Scholes-Merton (BSM)(3).
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Gần đây, IPOS phối hợp với Cơ quan Quản lý doanh nghiệp và Kế toán Singapore (ACRA), cùng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực SHTT phát triển khuôn khổ công bố thông tin SHTT nhằm giúp các công ty truyền đạt tốt hơn các tài sản vô hình, mục đích là để khuyến khích nhiều hoạt động tài trợ TSTT hơn.
Bên cạnh đó, năm 2020, Cơ quan Tiền tệ Singapore (Monetary Authority of Singapore), Văn phòng Quốc gia thông minh và chính phủ điện tử (Smart Nation and Digital Government Group) đã thành lập Sàn giao dịch dữ liệu tài chính Singapore. Đây là cơ sở hạ tầng số công cộng đầu tiên trên thế giới, tạo tiền đề cho việc xây dựng dữ liệu tài sản vô hình nói chung và TSTT nói riêng theo SIPS 2030.
Những chính sách trợ cấp giảm giá đối với chi phí vốn phát sinh theo Đạo luật Thuế thu nhập Singapore cũng là một trong những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp cần thiết. Hơn nữa, thời gian cấp văn bằng bảo hộ tại Singapore đã được cải thiện đáng kể bằng việc xúc tiến chương trình đăng ký trực tuyến.
Điều này đã mang lại nhiều giá trị cho nhà sáng tạo, tiêu biểu như việc rút ngắn thời gian cấp văn bằng bảo hộ cho một sáng chế trí tuệ nhân tạo (AI) chỉ trong vòng ba tháng, so với thời gian trung bình là từ 2-4 năm như trước đây.
Ngoài ra, từ năm 2014, Chính phủ Singapore đã thí điểm chương trình hỗ trợ chi phí định giá TSTT và chia sẻ rủi ro vỡ nợ tiềm tàng đối với các khoản vay hỗ trợ liên quan TSTT của các tổ chức tài chính tham gia.
Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam cần tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch TSTT bằng cách tăng khả năng tiếp cận tài chính. Theo kinh nghiệm từ cơ chế cấp vốn cho TSTT của Singapore, Chính phủ Việt Nam nên xây dựng chính sách bảo lãnh một phần giá trị của TSTT được sử dụng làm tài sản thế chấp.
Thứ hai, hỗ trợ các hoạt động chứng khoán hóa TSTT. Chính phủ Singapore đã cung cấp một chương trình bảo lãnh trị giá 100 triệu đô la Mỹ đối với các khoản vay liên quan TSTT được cấp bởi các ngân hàng địa phương, nhằm giúp các doanh nghiệp phát triển và mở rộng kinh doanh thông qua việc tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tài chính.
Việt Nam có thể lập kế hoạch ngân sách phù hợp với tình hình tài chính quốc gia để khuyến khích các tổ chức tài chính trong nước tham gia cấp vốn cho các khoản vay liên quan đến TSTT. Ngoài ra, để thu hút các hoạt động quản lý quỹ SHTT, Chính phủ Việt Nam cần tăng cường các phương thức tài trợ cho TSTT và tạo ra nhu cầu Spin-off(4) trong các lĩnh vực khác.
Thứ ba, về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chính sách thuế đối với những doanh nghiệp tham gia về TSTT cần được tạo động lực. Để khuyến khích phát triển và thương mại hóa TSTT, nên có chính sách miễn thuế hai năm đầu và giảm thuế từ năm thứ 3 trở đi đối với các giao dịch dựa trên TSTT.
Thứ tư, hoàn thiện những quy định liên quan định giá TSTT để thúc đẩy quá trình nghiên cứu và thực hành định giá nhằm hỗ trợ các giao dịch TSTT trong tương lai. Cùng với đó, xây dựng khuôn khổ pháp lý về TSTT và dữ liệu SHTT ngành để khuyến khích các hoạt động giao dịch thương mại và giúp nâng cao tính minh bạch, sự chắc chắn trong các giao dịch TSTT.
(*) Khoa Luật, trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước, trường Đại học Kinh tế TPHCM.
(1) Tính toán giá quyền chọn bằng cách sử dụng nhiều xác suất và dữ liệu khác nhau như sử dụng giá thực hiện, độ biến động, tuổi thọ của tài sản. Mô hình này phức tạp hơn Black Scholes để định giá.
(2) Nhiều biến ngẫu nhiên được mô phỏng để ước tính giá trị hợp lý của tài sản vô hình của công ty. Mô hình này yêu cầu tính toán phức tạp và có thể cần nhiều mô phỏng để tính đúng giá trị.
(3) Xác định giá hợp lý của tài sản vô hình dựa trên các biến số, bao gồm độ biến động, loại, giá cổ phiếu thực tế, giá thực hiện, thời gian và tỷ lệ phi rủi ro.
(4) Các cá nhân tạo ra các tài sản khoa học và công nghệ tham gia vào quá trình quản lý của doanh nghiệp
Xem thêm