Indonesia chuẩn bị gì để lèo lái ASEAN?

10/01/2023 | 204 |

Hôm qua (1-1), Indonesia chính thức trở thành chủ tịch của tổ chức hơn 680 triệu dân mang tên ASEAN, đối diện áp lực lèo lái khu vực vượt qua muôn vàn thách thức của năm 2023.

Chính quyền Tổng thống Joko Widodo trong năm 2022 đã nỗ lực phát huy các nền tảng của chiến lược "Trục hàng hải toàn cầu (GMF)" cùng di sản Năm chủ tịch G20 để xâu chuỗi lợi ích của các bên đối trọng lẫn nhau trên thế giới, khuếch đại các lợi ích chung mang tính toàn cầu và lợi thế gắn kết giữa nước lớn - nước nhỏ vào trong đại chiến lược "ba vòng cung" để sẵn sàng cho sự đảm nhiệm vị trí chủ tịch ASEAN trong năm 2023.

Đông Nam Á gặp nhiều thách thức

Thứ nhất, tình hình chính trị bất ổn ở một số nước ASEAN vẫn tiếp diễn, điển hình nhất là cuộc khủng hoảng ở Myanmar vẫn chưa có lối ra.

Các hoạt động xung đột giữa chính quyền quân sự (SAC) với chính quyền dân sự (NUG) có sự tham gia của các nhóm phiến quân vũ trang vẫn tiếp diễn, bất chấp các quan ngại từ khu vực và quốc tế.

Sự thiếu ổn định trên chính trường Thái Lan trước thềm bầu cử năm 2023 và các tranh chấp phe phái sau cuộc khủng hoảng chính trị năm 2020 ở Malaysia đến nay (chỉ mới vừa được giải quyết tạm thời) cũng góp phần vào bức tranh chính trị nhiều biến động ở khu vực trong năm nay.

Thứ hai, sự phục hồi kinh tế ở một số thành viên ASEAN không đồng đều. Mặc dù hầu hết các nền kinh tế ASEAN đều có tốc độ phục hồi và tăng trưởng kinh tế sau đại dịch COVID-19 ở mức lạc quan, nhưng vẫn còn tồn tại một số quốc gia ASEAN đang có dấu hiệu phục hồi không bền vững như Campuchia, Myanmar và Lào.

Thứ ba, nhiều nước ASEAN chịu áp lực từ ảnh hưởng của các nước lớn đối trọng lẫn nhau cả trong và ngoài khu vực. Ở khía cạnh đối trọng Mỹ - Nga, ảnh hưởng về quân sự của Mỹ lên trục Thái Lan - Singapore và Philippines dễ tạo nên các kết nối hình thành vành đai quân sự do Mỹ xây dựng, trong khi ảnh hưởng quân sự của Nga ở hai hành lang khác lại tạo nên hai vành đai bọc lấy vành đai nói trên của Mỹ.

Còn ở khía cạnh đối trọng Mỹ - Trung, sự đầu tư về kinh tế - tài chính và cơ sở hạ tầng của Trung Quốc vào các quốc gia hạ nguồn sông Mekong (trong khuôn khổ Hợp tác Mekong - Lan Thương) được xem là đối trọng trực tiếp với sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong (LMI), mà hiện đã phát triển thành Đối tác Mekong - Mỹ (MUP), đã tạo nên nhiều sự chồng chéo và khó khăn cho nỗ lực điều phối của Ủy hội sông Mekong (MRC).

Ba vòng cung kết nối của Indonesia

Thứ nhất, "vòng cung cốt lõi" nhằm thu hút lợi ích giữa Indonesia với thế giới là quan trọng nhất. Vòng cung này có mục tiêu trọng yếu nhằm quy tụ tối đa các lợi ích chung của các nước lớn và các tổ chức quốc tế vào năng lực điều phối của Indonesia dựa trên nền tảng chiến lược "Trục hàng hải toàn cầu" (GMF).

Đây cũng là một định hướng giúp cho ASEAN vẫn duy trì khả năng điều phối các chương trình nghị sự với đối tác bên ngoài, ngay cả trong trường hợp có thêm thành viên gặp bất ổn về chính trị hoặc vì khó khăn kinh tế.

Để phát triển vòng cung này, Tổng thống Widodo đã tích cực vận động 13 tỉ USD đầu tư từ cả Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản trong chuyến công du Đông Bắc Á vào tháng 7-2022. Đồng thời, Indonesia vừa hợp tác hạ tầng với Trung Quốc (qua dự án đường sắt Jakarta - Bandung) nhưng cũng vừa vận động quá trình dịch chuyển một loạt các công ty công nghệ của Nhật Bản và Hàn Quốc từ Trung Quốc qua khu vực tây Java của Indonesia.

Tương tự, Indonesia vừa hợp tác hạ tầng năng lượng truyền thống với Trung Quốc qua dự án Nhà máy thủy điện Kayan Cascade (lớn nhất Đông Nam Á), vừa đồng ý tăng cường các dự án về hạ tầng năng lượng tái tạo với Mỹ.

Thứ hai là "vòng cung vùng đệm" gắn kết các nước ASEAN, bao gồm những nỗ lực song phương và đa phương của Indonesia nhằm củng cố sự đoàn kết nội khối của ASEAN thông qua việc tăng cường gắn kết các trục, định hình các tam giác và tứ giác hợp tác trong khu vực.

Các động thái của chính quyền ông Widodo trong việc mong muốn cùng Philippines phục hồi các kết nối hàng hải và hàng không chủ lực thuộc nhóm tuyến đường ở khu vực phát triển phía đông ASEAN (BIMP-EAGA) vào tháng 6-2022, hoàn tất đàm phán phân định khu vực đặc quyền kinh tế với Việt Nam vào tháng 12-2022, mở rộng tam giác tuần tra biển Sulu lên thành tứ giác Indonesia - Malaysia - Philippines - Brunei từ tháng 4-2022, tạo nền tảng phát triển các hợp tác tuần duyên của một số quốc gia ASEAN với Singapore.

Cuối cùng là "vòng cung cân bằng" nhằm giảm thang xung đột giữa các nước lớn. Đây là vòng cung bao quát nhất, vừa dựa trên sự kế thừa ảnh hưởng của các kiến trúc an ninh y tế, an ninh kinh tế và chuyển đổi số sau Năm chủ tịch hội nghị G20 của Indonesia vừa qua, vừa dựa trên chủ trương hòa giải giữa các nước lớn như sáng kiến muốn trở thành trung gian hòa bình giữa Nga và Ukraine mà Indonesia đã thúc đẩy xuyên suốt năm 2022.

Như vậy, chính quyền Tổng thống Widodo đã có một quá trình chuẩn bị lâu dài cho vị trí chủ tịch ASEAN trong năm nay. Năm 2023 vì vậy có thể mở ra một niềm hy vọng và tương lai lạc quan hơn nhằm hàn gắn các xung đột và đối đầu đang leo thang trên toàn cầu.

Tham vọng trở thành "cường quốc tầm trung"

Là một quốc gia có định hướng trở thành "cường quốc tầm trung", Indonesia dưới thời chính quyền Tổng thống Joko Widodo ngay từ năm 2014 đã kiến tạo chiến lược "Trục hàng hải toàn cầu (GMF)" với mong muốn gắn kết các tuyến giao thương giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương bằng việc khởi công 19 cảng biển mới và xây dựng các tuyến cao tốc trên biển (Tot Laut).

Định hướng tham vọng này tuy chưa thực sự đạt kết quả như mong muốn nhưng cũng đã tạo được nhiều nền tảng hữu ích cho các định hướng kết nối liên khu vực của chính quyền Widodo, đặc biệt khi nhiệm kỳ thứ hai của ông bắt đầu từ năm 2019 với sự xuất hiện của các thách thức an ninh mới và diễn biến leo thang xung đột ở một loạt các điểm nóng trong khu vực thuộc phạm vi ảnh hưởng của trục hàng hải mà Indonesia đang kiến tạo.

Thạc sĩ LỤC MINH TUẤN (nhóm nghiên cứu quốc tế Trường đại học HUFLIT)


Tin tức liên quan

Bình luận