Khai tử sổ hộ khẩu để khai sinh nền số hóa quốc gia

27/03/2023 | 132 |

– Theo quy định tại Luật Cư trú 2020, từ ngày 1-1-2023 toàn bộ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy sẽ không còn giá trị sử dụng. Sổ hộ khẩu được xem là giấy tờ quan trọng, bắt buộc phải có trong một số giao dịch, thủ tục hành chính.

Mấy năm trước, theo quy định chính thức thì từ 1-7-2021 sổ hộ khẩu sẽ không còn giá trị và tôi từng vui mừng viết bài cho báo như một lời tuyên ngôn “Kể từ nay, mọi người sinh ra đều có quyền không cần… hộ khẩu”. Nhưng…

Description: https://cdn.thesaigontimes.vn/wp-content/uploads/2023/01/21.jpg

Hai năm đã trôi qua, tôi đi làm nhiều loại giấy tờ vẫn cần… hộ khẩu. Ra công an phường làm căn cước công dân cho hai con trai phải có hộ khẩu, ra văn phòng công chứng để đổi thông tin nhà cửa, cô bé làm giúp giấy tờ hỏi hộ khẩu đâu. Đi nộp thuế nhà đất vì chuyển đổi chủ sở hữu cũng phải kèm hộ khẩu. Bao thứ trên đời này vẫn cần hộ khẩu. Hỏi, sao bảo bỏ hộ khẩu rồi cơ mà. À, bỏ là bỏ trên giấy tờ thôi còn ngoài đời vẫn cần hộ khẩu. Bác làm sao chứng minh được ngôi nhà và mảnh đất là của bác nếu không có hộ khẩu vì sổ đỏ được lập nên dựa vào hộ khẩu. Xem ra hộ khẩu còn sống khá dai.

Cô bạn nghe tin có nhà hàng “Quán cơm Mậu dịch” ở gần hồ Trúc Bạch (Hà Nội) cứ khăng khăng đòi đi ăn để nhớ thời cô còn bé ở Ngọc Hà đi xếp gạch mua hàng hay lấy nước ở vòi công cộng cuối phố. Không hiểu qua thời Covid thì cái “Mậu dịch” này có còn không.

Tôi nhớ nhà hàng được trang trí khá giống với thời bao cấp, tường quét vôi vàng vàng, cửa sổ sơn xanh, vài cái bi đông và xe đạp cũ kỹ, cô bán hàng áo blue trắng, đội mũ, hỏi có thích món cơm nguội chan nước phở 25.000 đồng, bỗng nhiên cảm giác thời bao cấp trở về từ thế kỷ trước.

Các món ăn khá ngon, nấu kiểu “phở mậu dịch, kịch ti vi”, chúng tôi ôn kỷ niệm dù cô bạn khi đó mới vài tuổi, chỉ nhớ mẹ bắt đi xếp hàng mua nước mắm, cãi nhau với lũ đồng lứa về chuyện lấy nước ở vòi công cộng bằng gạch, còn tôi thì suốt một thời tuổi trẻ ôm sổ hộ khẩu và sổ gạo, quên cả ôm người yêu.

Chúng tôi bảo nhau, sổ gạo đã bỏ được hơn 30 năm, nhưng bao giờ đến lượt hộ khẩu dù Quốc hội đã quyết và thầm mong, Chính phủ kiến tạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ “quyết liệt” làm gì đó thật thiết thực, đó là biết từ bỏ những não trạng “bao cấp, xin cho” tồn tại từ thế kỷ trước, trong đó có cuốn sổ nhỏ bé làm khổ biết bao gia đình. Cô bạn ước bao giờ thì nước mình cho hết sổ hộ khẩu vào sọt rác.

Nếu như sổ gạo tồn tại sau hòa bình năm 1975 giúp người chủ hộ và những người ăn theo được đong gạo theo tiêu chuẩn để sống qua ngày, thì sổ hộ khẩu như thần hộ mệnh cho cả gia đình có trước đó mấy chục năm.

Cụ Hồ từng tuyên bố trong ngày 2-9-1945 rằng, mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, nhưng không có hộ khẩu và sổ gạo thì khó được coi là người, khó được bình đẳng, nhất là ở thủ đô Hà Nội những năm bao cấp.

Nếu muốn tìm lại khoảnh khắc một thời quan liêu bao cấp, du xuân trong mưa lãng đãng, khi đói bụng và ngán bánh chưng, bạn hãy tới nhà hàng ăn một bát phở không người lái, cơm nguội chan nước phở giá 25.000 đồng. Khi đó bạn sẽ hiểu bỏ đi một tư duy lỗi thời đôi khi mất nửa thế kỷ, và hiểu tại sao người bạn lại mong sổ hộ khẩu được cho vào sọt rác khi ngồi ăn ở nhà hàng kiểu mậu dịch quốc doanh.

Do bên công an cấp, sổ hộ khẩu là phương thức quản lý xã hội theo hộ gia đình, mọi quyền lợi như phân nhà, sổ gạo, tem phiếu, việc làm, cho con cái đi học, đều phụ thuộc vào người đó có tên trong hộ khẩu hay không, bao chuyện buồn vui.

Thay đổi nơi cư trú, lập gia đình mới, sinh con, ly hôn, chết đi, tách ra, nhập vào, biết bao cửa ải đều liên quan đến hộ khẩu. Nhiều người có vợ ở quê, bản thân làm ở Hà Nội mấy chục năm, nhưng con theo hộ khẩu của mẹ. Muốn đưa các con ra thành phố để có điều kiện học hành nhưng không có hộ khẩu, nên con cứ theo mẹ thành người nhà quê như một định mệnh.

Năm 2017, cháu lớn nhà này từ Mỹ về Việt Nam chơi vài tháng, lúc đó cháu trên 14 tuổi nên muốn làm căn cước công dân vừa là quyền công dân vừa để cho cháu có cảm giác vẫn là người Việt dù cháu đã có thẻ xanh và sắp thi vào công dân Mỹ.

Người ta bảo làm căn cước công dân bây giờ dễ lắm. Vác giấy tờ lên xin thì cô trung úy công an trẻ măng xem xét một hồi và bảo, trong sổ hộ khẩu nhà bác không ghi nơi sinh của cháu. Tôi bảo cháu có hộ chiếu, đề ngày và nơi sinh, có giấy khai sinh cũng đề ngày và nơi sinh. Cô vẫn lắc đầu nói bác phải về bổ sung nơi sinh vào hộ khẩu. Với cô, thông tin trên hộ chiếu và giấy khai sinh không có giá trị.

Cô nhìn tôi như tội đồ gây ra lỗi ghi thiếu nơi sinh này vì cho rằng khi nhập hộ khẩu cho cháu, chủ hộ phải nhắc công an điền cho chính xác, mà lẽ ra họ phải làm đúng phận sự của mình hơn là bắt dân kiểm tra chéo. Tôi lầm bầm, dân mà kiểm tra được công an thì…

Lại về phường, lại tổ dân phố, rồi qua công an xác nhận, chờ đợi 20 ngày, chưa kể khai sai hoặc do hướng dẫn không kỹ, phải đi lại kha khá. Cô công an thấy một ông già đi lại nhiều lần có vẻ khinh khinh, cho rằng lão này chả biết thủ tục là gì. Nhưng là người viết báo, tôi rất muốn có cảm giác khi bị một nền hành chính mà dân bị “hành là chính” thì như thế nào, với lại người về hưu thì thời gian vô tận.

Sau khoảng 10 lần đi lại và sau hai tháng mới có được cái căn cước công dân, một biểu tượng làm người Việt của cháu, nhưng khi đó cháu đã qua Mỹ rồi, chưa biết mặt mũi cái mảnh giấy plastic ra sao. Tôi nhớ còn ước tính, mỗi người dân bỏ ra 1 ngày trong 1 năm để làm cái việc liên quan đến hộ khẩu thì một năm đất nước này mất hơn 90 triệu ngày làm việc vào những việc vô bổ, kéo theo bao hệ lụy.

Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tính theo sức mua (PPP) khoảng 7.000 đô la Mỹ, nếu chia đều cho 365 ngày thì trung bình mỗi ngày một người Việt làm ra khoản tiền 20 đô la, gần 100 triệu người thì số tiền đó là gần 2 tỉ đô la/năm chi phí cho những việc hành là chính hơn là an ninh quốc gia liên quan đến hộ khẩu.

Tính từ khi có hộ khẩu (1960) tới 2022, quyển sổ vàng úa với đủ thủ tục này đã làm thiệt hại cho kinh tế biết bao nhiêu, chưa kể sự phiền hà gây ra, giảm sức sáng tạo trong dân, thì không thể tính được bằng tiền.

Trong đời tôi từng có những giây phút hạnh phúc liên quan đến sổ. Đó là năm 1977 vừa đi làm đã có sổ hộ khẩu và sau đó là cái sổ gạo. Nhưng hạnh phúc hơn là hai cuốn sổ đó đã được xóa bỏ.

Mấy tháng trước tôi có chút việc liên quan đến quyền sở hữu nhà đất, cứ nghĩ lại một rừng thủ tục nên chả muốn đi. Cô trò cũ biết tin và bảo, anh cứ ra chỗ công chứng họ xem hồ sơ và sẽ xem cách nào tốt nhất.

Lọ mọ đi ra với một đống giấy tờ kể cả hộ khẩu có thay đổi về địa chỉ và sổ đỏ vẫn địa chỉ cũ, chứng minh thư cũ đã cắt góc từ mấy năm nhưng sổ đỏ cấp từ 20 năm trước vẫn dùng số chứng minh thư này mà phòng công chứng không có cách nào chứng thực người có căn cước công dân mới và chứng minh thư cũ là một nên bắt buộc dùng cả hai, chưa kể hộ khẩu cũng phải công chứng dù từ tháng 7-2021 đã quy định bỏ hộ khẩu.

Tôi cứ nghĩ trong năm năm tới đi làm thủ tục liên quan đến hành chính thì trong túi luôn phải có chứng minh thư cũ, căn cước công dân mới và hộ khẩu khi chuyển đổi số quốc gia ở giai đoạn chuyển tiếp.

Phía công chứng làm xong, tôi lên phòng địa chính của quận, hóa ra thủ tục cũng đơn giản, có lẽ trường hợp của tôi đơn giản. Họ nhận hồ sơ với tất cả thông tin như ở công chứng, hẹn ngày ấy giờ ấy ra phòng thuế lấy xác nhận.

Chả hiểu là hai bên này có kết nối mạng hay không nhưng họ có vào dữ liệu trên máy tính, nhất là bên thuế, chỉ mất vài phút họ đã kiểm tra ra tôi không phải nộp thuế và chỉ hai tuần sau tôi nhận lại đủ giấy tờ, một việc tưởng như lên trời. Có lẽ khâu nào chuyển đổi số tốt thì công việc sẽ trôi chảy.

Hè vừa rồi hai cháu lại về chơi, tôi cố làm căn cước công dân gắn chip cho hai cháu, lại hộ khẩu, lại chụp ảnh, lấy vân tay. Anh công an khu vực gọi điện thoại nhiều lần có khi tới tận nhà giúp kê khai. Thủ tục nhanh hơn vì dường như các dữ liệu cư dân đã kết nối với nhau trên mạng và cũng do sức ép chuyển đổi số tầm quốc gia.

Cuối cùng các cháu chính thức là công dân có định danh điện tử của Việt Nam. Cũng chả hiểu khi nào thì họ lại hỏi hộ khẩu và cái chứng minh thư đã cắt góc nên tôi vẫn cất vào trong két.

Nếu muốn tìm lại khoảnh khắc một thời quan liêu bao cấp, du xuân trong mưa lãng đãng, khi đói bụng và ngán bánh chưng, bạn hãy tới nhà hàng ăn một bát phở không người lái, cơm nguội chan nước phở giá 25.000 đồng. Khi đó bạn sẽ hiểu bỏ đi một tư duy lỗi thời đôi khi mất nửa thế kỷ, và hiểu tại sao người bạn lại mong sổ hộ khẩu được cho vào sọt rác khi ngồi ăn ở nhà hàng kiểu mậu dịch quốc doanh.

Xuân này chắc sẽ nhiều người vui hơn vì đi làm thủ tục hành chính sẽ nhanh hơn do đất nước đang chuyển đổi số. Cuối năm dân hay dọn nhà, vứt đồ cũ, mua đồ mới. Sổ hộ khẩu thuộc về đồ cũ và rồi cũng đi vào dĩ vãng như cái sổ gạo kìm hãm đất nước. Khai tử sổ hộ khẩu để khai sinh nền tảng cho quốc gia được số hóa.

Chính phủ kiến tạo ở thế kỷ 21 của công nghệ thông tin hiện đại không thể trả lời dân bằng cung cách từ thế kỷ 20 và tư duy giấy tờ từ thế kỷ 19, nhất là xuân này đã là xuân thứ 23 của thế kỷ 21 rồi.


Tin tức liên quan

Bình luận