Khởi động nền công nghiệp xuất bản

19/10/2022 | 173 |

- Phát triển nền công nghiệp văn hóa Việt Nam, trong đó có công nghiệp xuất bản, trên chặng đường hội nhập quốc tế là nhiệm vụ đặt ra cho các đơn vị xuất bản.

Tại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành xuất bản - in và phát hành sách Việt Nam ngày 10-10, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã yêu cầu hoạt động xuất bản phải kịp thời thích ứng, chuyển đổi, kinh tế xuất bản phải trở thành ngành kinh tế - công nghệ hiện đại.

Nhu cầu và yêu cầu khởi động nền công nghiệp xuất bản đã hình thành. Vấn đề là các đơn vị xuất bản cũng như các cơ chế dành cho ngành này đến nay đã hội đủ điều kiện và sẵn sàng trở thành một nền công nghiệp hiện đại chưa?

Có rất nhiều câu hỏi đặt ra. 57 nhà xuất bản của Việt Nam đã thực sự làm một cuộc rà soát chi tiết về cơ sở vật chất, kỹ thuật công nghệ để định hướng phát triển theo tiêu chí hiện đại và đa dạng hình thức xuất bản phẩm chưa? 

Ước tính trong 2.300 cơ sở in ở Việt Nam thì tỉ lệ công ty có chức năng in văn hóa phẩm (khác với các công ty in bao bì) nhập máy móc hiện đại với công nghệ tiên tiến chiếm bao nhiêu phần trăm? 

Và trong hơn 2.000 doanh nghiệp phát hành, chúng ta xác định được bao nhiêu đơn vị bên cạnh chức năng phân phối và phát hành, còn dư địa về nguồn vốn, năng lực đầu tư khai thác tác quyền để có thể phụ trợ và làm phong phú thêm nhiều đầu sách?...

Trước hết phải bắt đầu từ chính các đơn vị làm sách. Để khởi động công nghệ, chuyển đổi số, tự thân nhà xuất bản cần chuẩn bị nguồn lực (gồm cả nhân lực và vật lực) để bắt nhịp giao dịch với các tác giả trong và ngoài nước, với các nhà xuất bản trên thế giới tổ chức bản thảo và khai thác tác quyền. 

Đó chính là khả năng ngoại ngữ, các công cụ đa phương tiện bổ trợ cho kỹ năng giao tiếp trong thế giới phẳng. Nhân lực trọng yếu tạo nên chất lượng của xuất bản phẩm chính là đội ngũ tác giả, dịch giả - người sáng tạo tác phẩm, biên tập viên - "bà đỡ" của tác phẩm. 

Làm sao cho nguồn nhân lực này bước vào dây chuyền công nghiệp, tức là sử dụng phương thức mới và công nghệ tiên tiến, nhưng vẫn tạo ra được những giá trị hiện đại hoặc bảo lưu giá trị truyền thống, cốt lõi trong các sản phẩm sách giấy, sách điện tử, sách nói…? 

Đó chính là thách thức để phát triển nền văn hóa tiên tiến mà vẫn đậm bản sắc dân tộc.

Bên cạnh biên tập viên, những kỹ thuật viên thiết kế sách là nhóm tiếp cận và ứng dụng công nghệ nhanh nhất, để lại chỉ dấu rõ nét nhất cho một sự khởi động công nghiệp xuất bản. Chuyển động đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa xuất bản phải bắt đầu từ tư duy và khát khao thật sự để xây dựng đội ngũ, chuẩn bị nguồn lực dài hơi ở từng đối tượng.

Nhưng sẽ không thể có ngành công nghiệp xuất bản hiện đại nếu chưa có những cơ chế, những tư duy quản lý "hiện đại" dành cho ngành. Cơ quan chỉ đạo xuất bản cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng chủ trương, nghị quyết riêng cho phát triển nền công nghiệp xuất bản. 

Song song đó, cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực xuất bản phải khơi thông các điểm nghẽn lâu nay của ngành bằng các nghị định, thông tư về việc đầu tư kỹ thuật - công nghệ. 

Một ví dụ về giải phóng năng lượng, kích thích sáng tạo, tạo thêm nguồn thu chính đáng cho nhà xuất bản là rất cần khảo sát, bổ sung điều kiện quảng cáo trên các ấn phẩm (mà Luật xuất bản trong nhiều năm dài không cho phép thực hiện quảng cáo trên sách).

Khi có thêm động lực và cơ chế cho xuất bản, những bước đi của ngành xuất bản nói chung và của các đơn vị xuất bản nói riêng, hướng tới một nền công nghiệp sẽ có lộ trình và cụ thể hơn. Muốn nền kinh tế xuất bản trở thành ngành kinh tế - công nghệ hiện đại thì phải bắt đầu từ mỗi đơn vị xuất bản và cả cơ quan quản lý, xem đây là sự nghiệp chung chứ không của riêng ai.


Tin tức liên quan

Bình luận