Khởi nghiệp từ tình yêu dành cho con

05/04/2022 | 255 |

TTO - Có thể hình dung Self Hiil là học viện huấn luyện trực tuyến về trí thông minh nội tâm (spiritual intelligence-based coaching), giúp mọi người phát triển bản thân nhanh và hiệu quả.

Là gương mặt nữ nổi bật năm 2021 của chương trình truyền hình thực tế về khởi nghiệp S.T và có gần 800.000 kết quả tìm kiếm trên Google, bạn Nguyễn Thùy Liên (CEO học viện trực tuyến Self Hiil) cho biết hành trình startup với nữ giới luôn đầy thử thách, chông gai lẫn nước mắt.

Không ngừng hoàn thiện

"Ý tưởng thành lập startup trên đến từ sự thôi thúc âm ỉ khi tôi trở thành một người mẹ. Tôi luôn thấy con mình và những đứa trẻ khác như những thiên thần, và các con xứng đáng được mãi sống trong tình yêu thương trọn vẹn. Nhưng để được như vậy, chúng ta "cần có cả một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ" như câu ngạn ngữ châu Phi. 

Chúng tôi thành lập Self Hiil với sứ mệnh kiến tạo một môi trường an lành, đầy tình thương yêu cho trẻ nhỏ. Nói cách khác, chúng tôi hướng đến việc giúp chính bản thân phụ huynh được hạnh phúc và có năng lực huấn luyện con cái cũng thành người trưởng thành và hạnh phúc", gương mặt cựu sinh viên ĐH Ngoại thương TP.HCM chia sẻ.

Một số điểm nhấn của Self Hiil là học viên tự học trên phần mềm được thiết kế sẵn, được thực hành đều đặn mỗi ngày, được tương tác (ẩn danh) và thảo luận mở...

Tuy nhận được nhiều lời khen ngợi, xuất hiện dày đặc trên truyền thông lẫn nhận khoản đầu tư sau khi góp mặt trên kênh truyền hình quốc gia vào tháng 6-2021, Thùy Liên không giấu việc đây là lần khởi nghiệp thứ hai của bạn.

"Tôi từng khởi nghiệp ở độ tuổi 22 và nhận ra rằng bản thân startup một cách tự phát, còn thiếu hiểu biết nên không đạt được thành công như kỳ vọng. Lần này quay trở lại con đường khởi nghiệp, tôi ở trong tâm thế của một người mẹ có hai con nên mọi thứ đã chuẩn bị kỹ lưỡng hơn", Thùy Liên chia sẻ. 

Cụ thể, bạn cho biết ngoài việc trang bị hiểu biết về viễn cảnh và cách thức phát triển khác nhau giữa hai hình thức khởi nghiệp công nghệ (startup) và lập nghiệp, bạn còn đăng ký học thạc sĩ giáo dục và liên tục trau dồi năng lực lãnh đạo theo chiều sâu. 

Song song đó, bạn và các cộng sự liên tục trau dồi kiến thức, tham gia nhiều cuộc thi, vườn ươm và chương trình tăng tốc khởi nghiệp... để startup trở nên hoàn thiện hơn mỗi ngày.

Các sáng lập viên Nguyễn Thùy Liên (đứng) và Phan Quý Anh của Self Hiil trao đổi công việc cùng nhau - Ảnh: D.ĐỨC

Sẽ "không đánh mất chính mình" vì quỹ

Khi được hỏi về việc startup có nên hướng đến gọi quỹ đầu tư bằng mọi giá khi "điểm cộng" là sẽ có thêm nguồn lực hỗ trợ tài chính lẫn truyền thông, dễ tăng tốc nhưng cũng sẽ có những "điểm trừ" đi kèm, Thùy Liên và Phan Quý Anh - đồng sáng lập Self Hiil - đều nhận định: "Chúng tôi nghĩ việc startup đi cùng nhà đầu tư cũng giống như một cuộc hôn nhân, để hạnh phúc thì cả hai phải tương trợ nhau và không làm đánh mất chính mình. 

Nếu quỹ vào mà thay đổi sứ mệnh, tầm nhìn thì chúng tôi sẽ lựa chọn không hợp tác. Thật ra đã xác định đi theo hướng giáo dục thì chúng tôi biết rất khó để nhận được đầu tư từ các quỹ, cho dù có nhận được thì cũng rất khó để giữ được "chất" giáo dục vì quỹ có nhu cầu thoái vốn một phần hoặc tất cả trong vòng 3 - 7 năm, trong khi đầu tư vào giáo dục một cách nghiêm túc thì 7 - 10 năm là tối thiểu".

Chính vì vậy, Self Hiil hiện xác định quỹ không phải là con đường gọi vốn duy nhất, nếu không tìm được quỹ chia sẻ sứ mệnh thì sẽ biến những người chia sẻ sứ mệnh với mình, học viên... thành nhà đầu tư.

Và với cả hai bạn thì không tồn tại khái niệm thất bại trong đầu, tất cả chỉ là có những việc chưa làm xong hoặc có thể làm tốt hơn.

"Chẳng hạn nếu nói về một sự kiện mà chúng tôi chưa tối ưu được chính là sự xuất hiện và gọi vốn thành công trên một chương trình truyền hình thực tế lớn. Hiệu ứng sau chương trình là rất nhiều người biết đến, liên hệ nhưng chúng tôi lại chưa đủ nguồn lực để cung cấp dịch vụ, chỉ có thể chuyển đổi rất ít trong số họ thành khách hàng của mình. 

Việc chưa tận dụng tốt đòn bẩy truyền thông vô cùng giá trị khiến cho chúng tôi tiếc. Nhưng nhìn kỹ lại thì chúng tôi nhận ra mình đã đến với chương trình hơi sớm, khi sản phẩm chưa định hình rõ nét, quy trình bán hàng chưa tối ưu... nên nếu "cố đấm ăn xôi" thì sẽ hại nhiều hơn lợi. 

Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi tự tin mình sẽ tận dụng hiệu quả cơ hội. Chúng tôi học được bài học về "đúng thời điểm" qua sự kiện trên", Liên khẳng định.

Self Hiil hiện xác định quỹ không phải là con đường gọi vốn duy nhất - Ảnh: HẢI TRIỀU

Lan tỏa cảm hứng khởi nghiệp

Nhằm tạo sân chơi ý nghĩa, khích lệ tinh thần cho các startup cả nước, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM tổ chức chuỗi sự kiện Tuổi Trẻ Golf Tournament for Startup 2022.

Đây cũng là hoạt động nhằm kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Sẽ có khoảng 25 - 30 câu chuyện khởi nghiệp nổi bật được chọn để giới thiệu trên báo Tuổi Trẻ (online hoặc báo giấy, truyền hình Tuổi Trẻ, fanpage…) trong tháng 3-2022. Diễn đàn "Cảm hứng khởi nghiệp" sẽ là nơi cho các bạn trẻ, bạn đọc quan tâm đến lĩnh vực này chia sẻ những ý tưởng khởi nghiệp.

Ngoài việc được vinh danh trên mặt báo, những câu chuyện khởi nghiệp trên sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư cũng như quảng bá hình ảnh đến với công chúng.

Ban tổ chức cũng sẽ chọn một số startup tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị như: Công ty CP PFEC Hòn Ngọc Viễn Đông, Hưng Thịnh Land, Tân Hiệp Phát, An Hòa...

Các startup, nhóm bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp hay và có tính thực tế cao, hoặc bạn đọc có các câu chuyện thiết thực phía sau những chân dung khởi nghiệp, từ hôm nay có thể gửi bài viết tự giới thiệu, những câu hỏi liên quan về địa chỉ email: golfforstartup@tuoitre.com.vn.


Tin tức liên quan

Bình luận