Lại là nút thắt cơ chế

05/01/2023 | 140 |

Tại hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ diễn ra vào ngày 26-11-2022, vấn đề “nút thắt” giao thông đã được Thủ tướng và các bộ trưởng xem như một trong những vấn đề cấp bách cần giải quyết để giải phóng năng lực phát triển cho một vùng được Thủ tướng Phạm Minh Chính mô tả là “có tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh rất rõ”.

Đáng lo là cái “nút thắt” này đang có nguy cơ trở nên trầm trọng hơn. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết “dự báo đến năm 2030 cho thấy vùng Đông Nam bộ có nhu cầu vận tải vượt xa so với năng lực đáp ứng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện tại”. Điều đáng nói là nguyên nhân không phải tại thiếu vốn đầu tư để phát triển đường sá, mà do một nút thắt khác, đó là cơ chế. Thủ tướng Phạm Minh Chính coi đây là mâu thuẫn lớn nhất khi tiềm năng phát triển của vùng rất lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp.

Đây cũng là vấn đề nóng được thảo luận tại buổi làm việc của Thủ tướng với TPHCM về nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội diễn ra sau đó một ngày. Tại đây, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi đã kiến nghị Thủ tướng và các bộ liên quan tháo gỡ khó khăn cho các dự án giao thông trọng điểm ở thành phố.

Đáng chú ý là nhiều kiến nghị của TPHCM xem ra khá đơn giản, chẳng hạn như “kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ thành phố hoàn tất thủ tục, trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương điều chỉnh thời gian thực hiện dự án metro số 1 hoàn thành vào cuối quí 4-2023”; hoặc với dự án metro số 2 là “kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh thời gian hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2030”, nhưng “sau nhiều kết luận chỉ đạo, giao việc nhưng đến nay chưa tháo gỡ dứt điểm”.

Cơ chế là các quy định và luật lệ được đặt ra nhằm phục vụ cho công tác quản lý. Mục tiêu tối hậu của cơ chế là tạo ra hành lang pháp lý để hỗ trợ cho phát triển. Một khi cơ chế không hỗ trợ được cho phát triển, mà trở thành chướng ngại kìm hãm sự phát triển, thì cơ chế đó không nên tồn tại nữa.

Tại buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với TPHCM, vấn đề cơ chế chính sách đặc thù mới cho TPHCM thay thế cho Nghị quyết 54 của Quốc hội cũng đã được TPHCM nêu ra như một trong những giải pháp để tháo gỡ vướng mắc cho thành phố.

Đây là đề xuất rất đáng lưu ý, vì với một khu vực có “tiềm năng khác biệt” thì cũng phải có cơ chế khác biệt để khơi thông tiềm năng đó. Vì vậy, nên chăng, khi thiết kế cơ chế chính sách đặc thù mới, cần dành cho TPHCM quyền tự quyết nhiều hơn và cao hơn, và trong chừng mực nào đó cần mở rộng cơ chế đặc thù này ra toàn vùng Đông Nam bộ để các địa phương có thể chủ động phối hợp giải quyết những vấn đề mang tính liên vùng. Như vậy, vai trò các bộ chuyên ngành cũng cần thay đổi từ là người phê duyệt, đề xuất lên Chính phủ phê duyệt, thành đơn vị cố vấn và phản biện để hỗ trợ cho TPHCM và các tỉnh.

TPHCM và các tỉnh vùng Đông Nam bộ đóng vai trò là động lực phát triển của cả nước, nếu đầu tàu bị trì kéo thì nền kinh tế Việt Nam cũng bị trì trệ. Thế nên, những nút thắt đối với TPHCM nói riêng và vùng Đông Nam bộ nói chung cũng chính là nút thắt của cả nền kinh tế.


Tin tức liên quan

Bình luận