Làm đủ việc để nuôi đam mê dạy học

23/09/2022 | 186 |

Bán hàng ngoài giờ, đi đá bóng "thuê", "chạy show" rèn chữ đẹp... là những việc mà các thầy cô trẻ lựa chọn để "lấy ngắn nuôi dài" trong bối cảnh thu nhập những ngày đầu vào nghề giáo chưa đủ sống.

Điểm chung của các thầy cô là đều có sự đam mê với nghề dạy học và nỗ lực để vượt qua thử thách trước mắt về kinh tế.

Lương thấp hơn thử việc

T. - 25 tuổi, ngụ xã Tân Nhựt (huyện Bình Chánh, TP.HCM) - hiện là giáo viên tiếng Anh tại một trường THCS trong huyện. Tốt nghiệp Trường ĐH Sài Gòn chuyên ngành ngôn ngữ Anh (thương mại - du lịch) vào đúng năm 2020 thì dịch COVID-19 đến khiến thị trường du lịch gần như "đóng băng", T. đành lòng chuyển hướng, nộp hồ sơ vào giảng dạy tại trường công. Do có bằng TESOL (chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh quốc tế), T. được nhận làm giáo viên thỉnh giảng tại trường vùng ven này của TP.HCM.

T. cho biết từ năm 2020 đến nay ăn lương theo tiết, mỗi tiết 80.000 đồng. Trong năm đầu tiên về trường, T. dạy hai lớp, 10 tiết/tuần, tức được 800.000 đồng/tuần. Mỗi tháng bốn tuần là được 3,2 triệu đồng. Thêm một số khoảng tiền trong những tiết hỗ trợ giáo viên tiếng Anh nước ngoài, tổng cộng mỗi tháng trung bình T. nhận được khoảng 6 triệu đồng.

"Hiện giờ mình thấy nhiều nơi tuyển thực tập sinh đã trả lương hơn mức này. Mình đang hoàn thành chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm để trở thành giáo viên chính thức. Mà như vậy thì năm đầu tiên mình sẽ nhận lương theo mức tập sự, 30% lương cơ bản, chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng" - T. kể.

Để giảm gánh nặng kinh tế, T. chủ động nghĩ một vài cách kiếm tiền. Sau năm đầu tiên đi dạy, T. kết nối với một người bạn thân nhà có nuôi yến tại huyện Cần Giờ. T. được bạn hỗ trợ lấy hàng về bán kiếm thêm thu nhập. 

"Thu nhập thấp nên bọn mình sẽ phải tìm cách xoay xở. Có bạn của mình là giáo viên dạy vẽ cho một trường tiểu học ở Long An thì bán online thêm các dụng cụ vẽ. Một bạn dạy thể dục thì làm thêm huấn luyện viên ở các sân đá phủi, có khi đi đá "thuê" cho một số giải phong trào" - T. kể.

Trong khi đó, H. (25 tuổi) - nữ giáo viên tại một trường tiểu học ở quận Bình Tân - chọn cách "chạy show" để có thêm thu nhập. "Thu nhập tất tần tật các khoản ở trường chỉ khoảng 5-6 triệu đồng mỗi tháng, nên thời gian rảnh tôi làm gia sư cho một số học sinh vào buổi tối. Tôi cũng nhận rèn chữ đẹp tại nhà cho các em nhỏ, thường đang học những lớp mẫu giáo lớn" - H. nói.

Khi có đam mê

Phạm Nguyễn Trung Nghĩa (25 tuổi, quê Tiền Giang) - cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), đang là giáo viên cho một trung tâm kỹ năng sống tại TP.HCM - cho rằng hầu hết những bạn trẻ khi theo đuổi nghề giáo đều là những người có tâm huyết rất lớn. 

Đó là niềm yêu thích làm việc với thế hệ trẻ, thích truyền thụ kiến thức, những cái hay, cái đẹp cho đàn em. Khi đã thực sự đam mê, họ có thể sẵn sàng đương đầu với những thách thức, trong đó có kinh tế, và thường tìm cách này cách khác để duy trì được nghề đi dạy.

Theo Nguyễn Nhân Trí (25 tuổi), giáo viên Trường THPT chuyên Hùng Vương (Bình Dương), cái nhìn của xã hội đóng một trong những vai trò quyết định để thu hút những người thầy trẻ gắn bó với nghề sư phạm. 

Trí lý giải "cái nhìn của xã hội" ở đây trước hết đến từ phía phụ huynh và học sinh. Khi cha mẹ và các em không coi trọng người thầy - có thể thấy một vài trường hợp chửi bới, hành hung thầy cô giáo được đăng tải trên mạng xã hội gần đây - sẽ khiến một số bạn trẻ theo nghề sư phạm cảm nhận nghề này không chỉ "bèo bọt" về vật chất mà còn cả tinh thần.

Trí nhớ lại trước khi chọn theo ngành sư phạm, nhiều người cũng đã can ngăn vì cảnh báo trước viễn cảnh sẽ "nghèo". Sau 3 năm ra trường, Trí tâm sự một phần dạy môn toán và được nhà trường tạo điều kiện nên kinh tế cũng tương đối ổn định.

"Theo mình, vai trò của các lãnh đạo nhà trường rất quan trọng để hỗ trợ cho các giáo viên trẻ. Mình có bạn làm giáo viên dạy sử ở một tỉnh miền Trung. Nhà trường biết rằng môn sử không thể dạy thêm trong khi lương sinh viên mới ra trường lại thấp nên linh hoạt sắp xếp cho bạn ít tiết hơn, giảm một số công việc sổ sách để bạn có thêm thời gian. Bạn này tận dụng những lúc rảnh rỗi này làm thêm cho một nhà sách nên có thêm được một phần thu nhập" - Trí kể.

Cần tạo điều kiện cho người trẻ

Ông Huỳnh Thanh Phú - hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM) - cho rằng hiện tại một số quy định của ngành giáo dục đang nghiêng về phía "bảo vệ" các giáo viên lớn tuổi hơn là tạo điều kiện cho các thầy cô trẻ tuổi.

Theo ông Phú, trước hết cần có những cơ chế để người trẻ có thể "cạnh tranh" một cách công bằng hơn với các thầy cô khác, đặc biệt là với những người mà theo ông Phú là "không có tài năng, chỉ dạy để chờ ngày nghỉ hưu".

Bên cạnh đó, lãnh đạo trường cần có "nghệ thuật" triển khai để các giáo viên trẻ và giáo viên lớn tuổi có thể nâng đỡ nhau trong công việc. Có thể linh hoạt để sổ sách không là nỗi ám ảnh. Hay những buổi dự giờ sẽ không là "nỗi sợ" của một số bạn trẻ khi phải chịu cảnh "vạch lá tìm sâu" từ một số giáo viên thâm niên.


Tin tức liên quan

Bình luận