Làm nông hiện đại thì nông dân phải có tri thức
Thường khi nói đến những điều “thuận chiều”, gần như đương nhiên, thì dễ nhận được sự đồng tình hơn những gợi mở, đề xuất mang tính “khác chiều”, “ngược chiều” hay “nghịch chiều”. Nói đến vai trò, tầm quan trọng của “nền kinh tế tri thức”, thì không có gì cần bàn luận, nhưng nói đến “nông dân có tri thức” hay tạm gọi là “tri thức hóa” người nông dân thì lại nổi lên nhiều ý kiến xôn xao.
Đấy cũng là lẽ thường tình. Ở một đất nước gắn với nền văn minh lúa nước, bao đời nông dân được mặc định với hình ảnh “tay lấm chân bùn”, “bán mặt cho đất, bán lưng cho giời”, nghĩa là chỉ gắn với lao động thể chất, và có thể nhờ vào “cần cù bù thông minh”, thì đâu nhất thiết phải cần đến tri thức?
“Tri thức hóa nông dân” là để hướng đến nền nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tri thức. Trong ảnh: phun thuốc bằng máy bay không người lái tại Long An. Ảnh: N.K
Tri thức, theo định nghĩa chung, bao gồm, những kiến thức, thông tin, sự hiểu biết, hay kỹ năng có được thông qua trải nghiệm, giáo dục hay tự học hỏi. Trong tiếng Việt, cả “tri” lẫn “thức” đều có nghĩa là “biết”, là “sự hiểu biết”. Nghề nông bao đời nay chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền từ đời này sang đời khác. Kinh nghiệm là vốn quý được tích lũy trong quá trình sản xuất nông nghiệp, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh. Càng có nhiều kinh nghiệm càng hạn chế rủi ro, càng tạo ra sản lượng nhiều hơn, năng suất cao hơn. Có ý kiến phát biểu đầy tự hào: “Nông dân nước mình kinh nghiệm chẳng thua ai trên thế giới này!” hoặc: “Nông dân Việt Nam mở mắt ra là đã biết trồng lúa rồi!”. Giàu kinh nghiệm như vậy nhưng vì sao năng suất lao động trong khu vực nông nghiệp lại thấp hơn nhiều so với các đất nước khác?
Thế giới đang vận hành theo những chữ “biến”: biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng. Đây là những thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp và đội ngũ nông dân. Trong bối cảnh đó, mỗi người đang hối hả tìm kiếm, cập nhật tri thức mới, kỹ năng mới, để làm giàu trí tuệ của mình, để nghĩ sâu hơn, nhìn xa hơn, trông rộng hơn.
Với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tốc độ thay đổi nhanh hơn, liên tục hơn, cái mới ra đời chưa kịp định hình, đã có cái mới hơn xuất hiện. Những phát kiến có thể biến điều không thể thành điều có thể. Nền kinh tế tri thức dẫn đến dòng chảy những thiết bị “thông minh” tích hợp đa tính năng, len lỏi vào mọi ngõ ngách đời sống kinh tế – xã hội. Sự kết nối giao lưu, giao thương trong thế giới phẳng mở ra cơ hội tiếp cận bình đẳng cho mỗi người. Thế giới đang vận hành theo những chữ “biến”: biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng. Đây là những thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp và đội ngũ nông dân. Trong bối cảnh đó, mỗi người đang hối hả tìm kiếm, cập nhật tri thức mới, kỹ năng mới, để làm giàu trí tuệ của mình, để nghĩ sâu hơn, nhìn xa hơn, trông rộng hơn.
Những thay đổi trên yêu cầu mỗi người không thể mãi bằng lòng với kinh nghiệm, sự cần cù, với cách nghĩ, cách làm quen thuộc. Và người nông dân cũng không ngoại lệ. Kinh nghiệm bản thân là có giới hạn, nhưng tri thức, sự tìm tòi, học hỏi luôn luôn vô hạn. Kinh nghiệm có thể giúp cải thiện năng suất, nhưng tri thức vừa có thể gia tăng hiệu năng, năng suất, vừa tiết giảm chi phí, tối ưu quy trình. Kinh nghiệm có thể đối phó nhất thời với những biến động cục bộ trong phạm vi hẹp, ngắn hạn, mang tính thời điểm, nhưng tri thức tường tận về quy luật vận động của thị trường sẽ giúp chủ động thích ứng với những thay đổi trên diện rộng, có sức tác động lâu dài.
“Tri thức hóa nông dân” là để hướng đến nền nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tri thức. Đó là cập nhật, nâng cao tri thức cho nông dân để tiếp cận giá trị những mô hình nông nghiệp hiện đại: công nghệ, sinh thái, tuần hoàn, chính xác, hữu cơ,…
“Tri thức hóa nông dân” là để hướng đến nền nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tri thức. Đó là cập nhật, nâng cao tri thức cho nông dân để tiếp cận giá trị những mô hình nông nghiệp hiện đại: công nghệ, sinh thái, tuần hoàn, chính xác, hữu cơ,… Đó là đào tạo, cập nhật kiến thức cho nông dân về khoa học kỹ thuật, công nghệ, quy luật thị trường, phương thức bán hàng, ký kết hợp đồng sản xuất – tiêu thụ,… Đó là giới thiệu, huấn luyện kỹ năng làm nông tận dụng sức mạnh công nghệ để tạo ra năng suất lao động cao hơn, của cải nhiều hơn, trên cùng một đơn vị diện tích, một đại lượng thời gian. Đó là hướng dẫn cách thức cập nhật, tra cứu, tìm kiếm thông tin, rồi chủ động xử lý, phân tích để tự mình đưa ra quyết định phù hợp nhất.
Một tín hiệu vui, khi ý tưởng “tri thức hóa nông dân” vừa được đưa ra, dù phần nào vẫn còn hoài nghi về mục tiêu, cân phân về nguồn lực, cách thức tổ chức thực hiện, nhưng ít nhiều đã có ý kiến đồng thuận, cổ vũ, đóng góp mang tính xây dựng. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học tâm huyết, nhiều viện trường, tổ chức xã hội mong muốn đồng hành để hiện thực hóa ý tưởng này. Tất cả đều hiểu rằng, không có nông dân thông minh thì sẽ không có nền nông nghiệp thông minh, không có nông dân trí thức thì sẽ không có nền nông nghiệp tri thức, không có nông dân chuyên nghiệp thì sẽ không có nền nông nghiệp chuyên nghiệp. Thông minh, tri thức, chuyên nghiệp là điều kiện để chuyển đổi mô hình nông nghiệp đất nước tiếp cận và bắt kịp xu thế của thế giới.
Từ ý tưởng tới thực thi còn nhiều phần việc phải làm. Trước hết là hoàn thiện ý tưởng, tiếp theo là tìm kiếm câu trả lời xác đáng cho những câu hỏi được đặt ra. Đối tượng tri thức hóa là ai? Nội dung tri thức hóa là gì, đề cương, tài liệu, giáo trình được biên soạn như thế nào? Cấp độ tri thức hóa như thế nào để phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng nhóm nông dân? Đội ngũ hỗ trợ, đồng hành là những ai? Đâu là trách nhiệm của từng cấp, từng ngành trong khu vực công? Làm cách nào để huy động sức mạnh của xã hội cùng tham gia? Thời gian đạt được mục tiêu là bao lâu? Dựa trên công cụ, phương pháp nào để đo lường? Rồi có rơi vào cái bẫy của những đề án đào tạo chất lượng cao tốn kém ngân sách mà không đạt mục tiêu kỳ vọng không? Còn đó kế hoạch hành động cụ thể cần được xác lập. Tuy nhiên, chưa ra ngõ, đừng sợ mưa rơi. Triển khai bất cứ điều gì mới, đều có thể dẫn đến thành công hoặc thất bại, nhưng không xắn tay vào thực hiện dù là việc nhỏ nhất, xem như thất bại hoàn toàn. Khi ấy, những lời cảm thán cứ rơi vào vòng lẩn quẩn: Vì sao nông nghiệp nước mình luôn bị lời nguyền “được mùa mất giá”? Vì sao nông dân nước mình vẫn nghèo, vẫn khó? Vì sao dòng người bỏ làng dắt díu nhau hướng về đô thị vẫn tiếp diễn,…?
“Kỳ thực trên mảnh đất này vốn làm gì có đường, người ta đi mãi mà thành đường thôi”. Con đường “tri thức hóa nông dân” cũng chưa có tiền lệ. Tất cả mới bắt đầu từ ý tưởng và chúng ta cùng nhau tiến những bước chân đầu tiên. Mỗi bước chân tiếp nối sẽ rút ngắn hành trình đến mục tiêu. Và mỗi người nông dân, mỗi người tham gia đồng hành cùng nhắc nhau rằng: “Đường dài, đường dài không ngại bước chân”, “vui hát vang đường xa thấy gần, muôn người chung một lòng quyết tâm”.
Xem thêm