Làm sao để họ tồn tại trong nguy khốn
(KTSG) - Khi xảy ra bất cứ tình trạng xã hội bất thường nào, như chiến tranh, thiên tai, khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh,... luôn có một số lượng người đông đảo được gọi là tầng lớp yếu thế chịu tác động mạnh nhất, họ không chỉ đói, rét, thậm chí bị bỏ rơi. Họ là những người thuộc tầng lớp sống dưới đáy xã hội, là những người lao động tự do.
(KTSG) - Khi xảy ra bất cứ tình trạng xã hội bất thường nào, như chiến tranh, thiên tai, khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh,... luôn có một số lượng người đông đảo được gọi là tầng lớp yếu thế chịu tác động mạnh nhất, họ không chỉ đói, rét, thậm chí bị bỏ rơi. Họ là những người thuộc tầng lớp sống dưới đáy xã hội, là những người lao động tự do. Ngoài việc tầng lớp người yếu thế không có công việc ổn định và thu nhập bấp bênh, không nơi cư trú ra thì họ có hai điểm được coi là dễ bị bẻ gãy nhất trước bất kỳ một biến động xã hội nào. Thứ nhất, họ không hiện diện ở trong bất cứ một tổ chức nào, do vậy khi có một chính sách hỗ trợ nào đó ban hành là họ bị lọt ra ngoài. Thứ hai là họ không có “vốn xã hội” (social capital), nói một cách khác là mạng lưới xã hội (social network) quanh họ rất mỏng hoặc gần như bằng 0. Một người dân thành phố khi gặp sự cố, họ có thể bấu víu vào các đoàn thể xã hội, tổ chức hành chính, cơ quan, đơn vị sản xuất, và gia đình, dòng họ, bạn bè,... Còn người lao động nhập cư tự do vốn “thân cô thế cô” từ các tỉnh thành đến, nên không tổ chức xã hội nào phải có trách nhiệm với họ, họ hoàn toàn không có bà con họ hàng nơi phố thị để bấu víu, chính vì thế họ được gọi là “lao động tự do” hay “thợ đụng” tức là đụng gì làm nấy, đụng gì nhặt nấy (ve chai), đụng gì ăn nấy (ăn xin), không có sự lựa chọn nào cả, thậm chí khi đường cùng dính vào “tín dụng đen”, “xã hội đen” là tàn đời. Rất nhiều chính thể và thiết chế dựa trên lý thuyết, được gọi là “Bàn tay vô hình” của nhà kinh tế học nổi tiếng Adam Smith, để ứng xử với nhóm đối tượng này, đại thể là mọi chuyện dù lộn xộn đến mấy rồi sẽ tự nó ổn định trở lại như có một bàn tay vô hình nào đó điều khiển, chẳng hạn ngập nước, kẹt xe kiểu gì rốt cục thì ai cũng về nhà nấy. Nhiều nhà chính trị lấy lý thuyết này làm chủ đạo cho hành động của mình trong các cơn khủng hoảng kinh tế, và ngay trong dịch bệnh thì luôn cho rằng rồi ai cũng có cách của mình. Lý thuyết này phần nào có lý, nhưng trong trò chơi này người dân yếu thế chịu tổn thương nhiều nhất. Vậy làm thế nào để họ đỡ tổn thương hơn trong đại dịch, trong khi nguồn lực nhà nước có hạn, và cả trong trường hợp Nhà nước có tiền thì chưa chắc đã có giọt mưa nào đến họ vì Nhà nước không thể với bàn tay đến từng số phận bé nhỏ được. Trong trường hợp này người ta cần đến mô hình xã hội cộng đồng. Trong mô hình này, sẽ có một lực lượng tham gia giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh mà chính phủ không thể phủ kín được và cũng không thể can thiệp sâu được vào từng trường hợp cụ thể. Lực lượng này bao gồm: các đoàn thể tôn giáo, tổ chức phi chính phủ (NGO), tổ chức thiện nguyện và các phong trào tự hình thành theo bối cảnh. Ở hầu hết các nước, trong lúc khắc phục hậu quả của động đất, bão lũ, hạn hán, cháy nổ, dịch bệnh, di cư cưỡng bức thì các tổ chức phi chính phủ đảm nhiệm một trọng trách rất lớn. Đây là tổ chức khá bài bản, tương đối chặt chẽ, có kinh nghiệm và mạng lưới quốc tế rộng lớn, nhân lực đông được đào tạo chuyên nghiệp cho nên thường khi có sự cố bất thường là họ đến rất sớm, hỗ trợ người dân có hiệu quả. Họ nhận tài trợ từ các quỹ quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) và các doanh nghiệp xã hội địa phương. Một nguồn lực khác là các tổ chức tôn giáo với hệ thống nhà thờ, nhà chùa, thánh thất và các hội đoàn, cộng đồng của họ. Đây là những tổ chức rất mạnh, bài bản không chỉ về tài chính mà chủ yếu là về tổ chức. Khi có hỏa hoạn, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế thì các thiết chế tôn giáo này có những cách thức hỗ trợ hiệu quả cho những người yếu thế. Một ví dụ có thể nêu ra ở đây là nhà thờ Tân Sa Châu ở phường 2, quận Tân Bình đã có sáng kiến ATM lướt, nhả ra từ ống dài hơn 3 mét cho người dân nhận hai túi gạo và thực phẩm. Các tổ chức từ thiện có đăng ký hoạt động. Những tổ chức như vậy có thể kể đến như quán cơm Nụ cười, cơm 2.000, các đơn vị trong các hiệp hội nghề nghiệp. Và cuối cùng là các hoạt động từ thiện của cá nhân, hộ gia đình, nhóm bạn bùng cháy lên trong thời gian ngắn và nguồn lực chính là từ bản thân của họ, đôi khi có sự hỗ trợ ít nhiều từ chỗ này hay chỗ khác. Họ hoạt động trên tinh thần “có nhiêu, chơi nhiêu”, khá linh hoạt về thời gian và phương thức hoạt động. Có thể kể đến như ATM gạo, tủ lạnh cộng đồng, hoặc nhóm bạn hùn nhau nấu cơm xong ra ngã ba ngã tư phát cho mọi người với cái bảng viết vội trên miếng bìa các tông, được vài bữa đuối sức, hết nguồn thì thôi. Một cách thức khác nữa được thực hiện khá thành công ở các nước phát triển, đó là sự kết hợp giữa chính phủ và tổ chức xã hội, tức là nguồn tài chính của chính phủ, còn người triển khai trong thực tế thì là các tổ chức phi nhà nước. Một ví dụ điển hình nhất là những người vô gia cư ở một số nước nhận phiếu lương thực do nhà thờ phát ra, hàng ngày họ đến nhận khẩu phần ăn và chỗ ngủ vào buổi tối, kể cả khi chữa bệnh, về hình thức thì là của nhà thờ hay một câu lạc bộ, nhưng nguồn tài chính là từ chính quyền thành phố. TPHCM hoàn toàn có thể rót kinh phí cứu trợ trong đợt dịch này cho dân qua các quán cơm nụ cười, cơm 2.000, và các điểm phát lương thực ở nhà thờ, chùa. Nhưng làm được điều này chính quyền phải có lòng tin nơi dân. Nếu kể ra thì còn nhiều hình thức đa dạng khác nữa. Nhưng có một điều người ta nhận thấy là nguồn lực trong dân rất lớn, có thể “góp gió thành bão”, “tích tiểu thành đại”. Nếu Nhà nước có cơ chế tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho dân thì việc phủ kín một địa bàn, len lỏi đến từng gầm cầu, vỉa hè, chìa tay ra đến từng người nghèo khó nhất là điều hoàn toàn làm được. Trở lại với bối cảnh dịch bệnh hiện nay, nếu trung ương, chính quyền các tỉnh thành, trong đó có chính quyền TPHCM chỉ cần đưa ra các yêu cầu kỹ thuật bắt buộc, còn để cho dân linh hoạt, sáng tạo thì chắc tuần qua thành phố không rơi vào cảnh thiếu rau xanh trầm trọng, các hoạt động cứu trợ thiện nguyện ngoài đường phố không bị đứt gãy, các siêu thị không bị rơi vào quá tải trong khi phục vụ chỉ được một lượng người rất ít. Nhà nước đặt lòng tin vào người dân và các lực lượng phi chính thức sẽ thấy họ có muôn vàn cách lấp vào chỗ trống mà Nhà nước không thể với tới được. Đó là tinh thần mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói “Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Chuyện là có một chị, nhà sản xuất bánh mì, đứng trong nhà thò cây sáo dài thượt ra ngoài, ở đầu treo hai cái bánh mì không giá 3.000 đồng cho người mua bị phạt 3 triệu đồng. Sau hơn một tuần, lực lượng tuần tra di động thu được hơn 8 tỉ đồng tiền phạt bà con ra đường “không có lý do chính đáng”. Mục đích của thanh tra là nhắc nhở bà con biết tự bảo vệ mình chứ không phải thu tiền phạt được bao nhiêu. Hơn thế nữa, trong khi TPHCM mong muốn giao đến tận tay người cần cứu trợ - là lao động tự do - số tiền 50.000 đồng/ngày mà một lần vi phạm bị phạt vài ba triệu đồng thì quả thật không chỉ đánh vào túi tiền mà còn gây ra sự ức chế không đáng có trong lúc cả thành phố đang như một nồi áp suất không có van thoát hơi. |
Xem thêm