Lo bữa ăn cho 'vùng đỏ': Cần huy động tiểu thương
TTO - Tại TP.HCM, lực lượng lo phục vụ vấn đề 'cơm nước' hằng ngày cho dân ước tính khoảng 35.000 người, bình quân một người phục vụ hơn 300 nhân khẩu. Một chuyện khá khó khăn.
Người dân mua thực phẩm qua vách ngăn chống giọt bắn được lắp tại các gian hàng ở chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10, TP.HCM) vào sáng 18-8 - Ảnh: NHẬT THỊNH
Tiểu thương với kinh nghiệm và những "mối lái" truyền thống của họ có thể xem là một "tài sản" cần được xem trọng để duy trì chuỗi lưu thông hàng hóa lâu dài, cung ứng thực phẩm cho vùng dịch.
Tìm nguồn thực phẩm, lo thịt lo rau và phân phối cho dân, có ai rành rẽ bằng những tiểu thương bao năm trong nghề? Sao không tạo điều kiện cho họ chung tay lo thực phẩm cho dân hằng ngày, nhất là khi nhiều người trong số họ đang trong những ngày dài thất nghiệp?
Giãn cách xã hội đã kéo dài nhiều tháng, nhiều địa phương đã linh động thay đổi nhiều cách để thích ứng thực tế. Ban đầu là sự ngăn cách giữa các địa phương có dịch và không có dịch. Đến lúc người dân ở nhiều tỉnh thành không còn được ra ngoài để đi chợ. Vấn đề an sinh xã hội, lo cung ứng nhu yếu phẩm để người dân yên tâm nghiêm túc ở nhà trở thành một trọng điểm để giải quyết gần như song song với vấn đề tập trung vào y tế.
Tại TP.HCM, lực lượng lo phục vụ vấn đề "cơm nước" hằng ngày cho dân ước tính khoảng 35.000 người, bình quân một người phục vụ hơn 300 nhân khẩu. Một chuyện khá khó khăn, một kịch bản đã được tính toán chi li, có sự hỗ trợ lớn từ quân đội và mọi thứ đang ổn hơn mỗi ngày.
Tuy nhiên, với các tỉnh như Long An, khi thực hiện chỉ thị 16 tăng cường trên toàn địa bàn, cần phải có sự tính toán kỹ lưỡng hơn trong việc tổ chức và phân phát thực phẩm. Theo kế hoạch "đi chợ giúp dân" hiện nay, các lực lượng địa phương thêm một nhiệm vụ khá khó khăn, phải tổ chức thêm các đoàn, tổ thay thế nhiệm vụ của các chợ hay chuỗi cửa hàng cung ứng thực phẩm truyền thống. Việc các nhóm hội, đoàn thể viên chức được huy động trong một xã, phường, thị trấn để giúp cho khoảng 2.000 hộ dân đủ nhu yếu phẩm hằng ngày có thể dễ xảy ra quá tải.
Ai có thể lo từng lạng thịt, ký cá, hay ghi nhận và phân bổ nhanh hàng trăm lượt hàng lặt vặt những bó rau, dăm ba trái ớt cho dân? Không ai làm tốt hơn tiểu thương. Việc phân chia đơn hàng nhỏ lẻ và thanh toán nhanh gọn là một nghiệp vụ thương mại mà các tiểu thương có thể đáp ứng ngay trong thời gian này. Đằng sau đó còn nỗi lo lắng hơn là chuỗi lưu thông lương thực từ đồng ra tới chợ hằng ngày đang bị đứt gãy. Và chính tiểu thương đang rất khó khăn vì thất nghiệp.
Khi người dân hoàn toàn "đóng cửa", mạng lưới cung ứng thực phẩm hằng ngày từ lối xóm cho đến từng hẻm phố đều đã bị ngưng trệ. Những cửa hàng, siêu thị vốn làm nhiệm vụ cung ứng hàng hóa để lực lượng địa phương nhận giao cho người dân, nay hoặc không đủ nhân lực, hoặc nhân lực không đủ điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch đang đóng cửa dần.
Trong khi đó, những mắt xích mới trong kế hoạch triển khai cung ứng hàng hóa mới dù gồm cả hệ thống chính trị địa phương, cũng sẽ khó mà đảm đương nhiệm vụ "mối lái", điều quan trọng để duy trì cả một chuỗi cung ứng từ đồng ra tới chợ.
Đã có rất nhiều lời kêu gọi các nhân viên y tế về hưu và tư nhân tham gia vào việc chống dịch thì nay, có lẽ cũng cần xem xét đến việc kêu gọi tiểu thương tham gia vào việc cung ứng thực phẩm. Các tiểu thương có thể giúp mỗi xã, phường, thị trấn trong việc cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân.
Cần ưu tiên tiêm ngừa, tạo điều kiện cho họ tham gia như một thành phần chống dịch. Đây sẽ là một phương án thiết thực trong việc huy động sức dân, góp phần giảm tải cho lực lượng viên chức vốn đã gồng mình nhiều tháng qua.
Bên cạnh đó, các huyện, thị xã, thành phố chỉ cần bố trí thêm các xe lưu động để hỗ trợ lực lượng tiểu thương trong việc tổ chức thu gom, sơ chế và cung ứng nhu yếu phẩm hằng ngày. Công tác an sinh sẽ có thể lâu bền hơn trong những ngày giãn cách sắp tới.
Cũng nên mở ra cơ hội để tiểu thương tham gia cung ứng (bán hàng giao tận nhà) ở các khu dân cư. Bằng kinh nghiệm của mình, họ sẽ tổ chức và phân phối hàng hóa lưu thông tốt, kết nối chuỗi cung ứng thực phẩm từ đồng ruộng cho đến bàn ăn.
Trước mắt là đảm bảo cung ứng hàng hóa về các đô thị lớn trong công cuộc chống dịch lâu dài, sau là sẽ giữ được nhịp để dễ dàng phục hồi sản xuất chuỗi thực phẩm sau dịch trở nên dễ dàng hơn.
Xem thêm