Meta: xu hướng công nghệ tương lai

30/11/2021 | 275 |

TTO - Hôm 28-10, tỉ phú Mark Zuckerberg công bố đổi tên Công ty Facebook thành Meta Platforms Inc., hay đơn giản là Meta. "Theo thời gian, tôi hy vọng công ty mình sẽ được coi là một công ty metaverse", ông chủ Facebook nói.

Nhà sáng lập Facebook cho rằng cái tên mới mở ra những cơ hội phát triển khác cho Công ty Facebook và tiến xa hơn nữa ngoài lĩnh vực kinh doanh "lõi" hiện nay của họ dựa trên nền tảng mạng xã hội cùng tên. Công ty Meta sẽ gồm các ứng dụng Facebook, Instagram, Messenger, WhatsApp và Công ty kính thực tế ảo Oculus.

Chúng tôi tin metaverse sẽ là bước tiếp theo của Internet di động.

Ông Mark Zuckerberg phát biểu vào hôm 28-10.

Thay đổi chiến lược

Yahoo Finance có định nghĩa tương đối dễ hiểu về metaverse (vũ trụ ảo). Đó là một loạt các thế giới ảo liên kết với nhau, cho phép người dùng tương tác với các vật thể số hóa và các avatar (đại diện của một người trên Internet). 

Việc ông Zuckerberg công bố đổi tên cho thấy chiến lược phát triển trong thập niên tới của Facebook sẽ nhằm tập trung vào vũ trụ ảo thay vì mạng xã hội.

Vị doanh nhân 37 tuổi đã dành hầu hết thời gian của năm qua để tập trung cho sự chuyển đổi quan trọng này. Năm ngoái, Facebook đã triển khai thử nghiệm 2 trong số các dự án metaverse của họ là Horizon World và Horizon Workrooms. 

"Chúng ta sẽ có thể cảm giác về sự hiện diện của mình giống hệt như ta đang có mặt tại đó với mọi người, bất kể khoảng cách xa xôi thế nào", ông Zuckerberg giới thiệu về vũ trụ ảo tại hội nghị thường niên Connect vào ngày 28-10 của Facebook. Zuckerberg kỳ vọng vũ trụ ảo này sẽ đạt một tỉ người dùng trong thập niên tới.

Hẳn nhiên lúc này vẫn còn đang "trứng nước", song các công ty như Facebook hy vọng nó sẽ trở thành một phiên bản mới của Internet. Người ta có thể tiếp cận vũ trụ ảo qua các thiết bị kính thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR), hoặc một thiết bị cơ bản như laptop hay smartphone. Meta trình làng lần đầu mô hình kính VR có tên Cambria có khả năng bộc lộ các biểu hiện cảm xúc trên khuôn mặt của người dùng trong các thế giới ảo, và mẫu kính đầu tiên áp dụng hoàn toàn công nghệ AR của họ.

Để kiểm soát tốt hơn "số phận" của Facebook

Việc Facebook công bố đổi tên công ty ngay giữa tâm bão khủng hoảng vì đối mặt với hàng loạt cáo buộc của các nhân viên cũ, trong đó đáng kể nhất là cô Frances Haugen với các cuộc điều trần tố cáo trước Thượng viện Mỹ và Quốc hội Anh, cũng khiến dư luận nảy sinh nhiều đồn đoán.

Giới quan sát cho rằng quyết định chuyển hướng, tập trung nhiều hơn vào metaverse là một phần trong chiến lược của Facebook nhằm kiểm soát tốt hơn "số phận" của họ. Hiện Facebook vẫn đang lệ thuộc vào thiết bị phần cứng của các công ty khác, như điện thoại iPhone của Apple hay thiết bị Android của Google, để có thể tiếp cận khách hàng. Do đó nếu có thể phát triển được phần cứng của mình và tạo ra một bộ sưu tập phần mềm mới, Facebook sẽ giảm thiểu được nguy cơ bị các bên thứ ba can thiệp vào việc kinh doanh của họ.

Một ví dụ dễ thấy nhất cho điều này là gần đây Facebook đã không vui khi Apple nâng cấp hệ điều hành iOS với các tính năng chặn bớt việc cấp quyền truy cập dữ liệu người dùng của Facebook. Trong kết quả báo cáo doanh thu quý 3 năm nay, Facebook thừa nhận tính năng bảo vệ quyền riêng tư mới của Apple đã là "làn gió ngược" với nguồn thu chính từ quảng cáo số của họ.

Metaverse kiếm tiền ra sao?

Nếu metaverse vận hành đúng như những mô tả và kỳ vọng của ông chủ Facebook, nền tảng này sẽ cho phép người dùng tùy chỉnh avatar cũng như tự do tô vẽ, bài trí các không gian số bằng hình ảnh, video, sách vở. Mọi người có thể mời bạn bè "tới nhà chơi" online, hay hai người có thể cùng ngồi nghe hòa nhạc với nhau dù thực tế đang ở hai đầu thế giới. Và dĩ nhiên các cuộc hội họp, học hành online cũng trở nên sống động, hiệu quả nhiều hơn nữa so với hiện nay.

Dù vậy, ông Zuckerberg thừa nhận để vũ trụ ảo đạt tới "trình độ" đó, Meta còn một chặng đường dài nỗ lực. "Cách tốt nhất để hiểu metaverse là bạn hãy trực tiếp trải nghiệm nó" - ông nói, song cũng thừa nhận "lúc này nó vẫn chưa hoàn toàn tồn tại".

Tỉ phú Zuckerberg nói công ty ông sẽ dành 150 triệu USD để phát triển các ứng dụng mới, game và các chương trình trải nghiệm sâu trong metaverse. Về đại thể, những người ủng hộ vũ trụ ảo, trong đó có Facebook, vẫn luôn cho rằng sẽ không một công ty nào có thể độc quyền sở hữu hay vận hành vũ trụ ảo. Tuy nhiên, việc chủ động đón đầu xu thế sẽ giúp Facebook có cơ hội giành vị trí dẫn đầu trong không gian đó.

Ngoài Facebook, tập đoàn chuyên phát triển bộ xử lý đồ họa và công nghệ chipset Nvidia cũng đã bỏ nhiều tiền của cho dự án Omniverse. Các công ty như Amazon, Disney cũng rất quan tâm tới metaverse. Trong khi đó, Tập đoàn Microsoft chọn đầu tư theo hướng phát triển nó thành một phương tiện để nâng chất các cuộc hội họp từ xa. Nhà sản xuất game online Roblox đã khởi động một dự án metaverse độc lập cho phép các game thủ tự tạo ra và làm chủ luôn thế giới game của chính họ.

Các dự án chỉ vừa bắt đầu, và ông chủ Facebook cũng nói sẽ nỗ lực cung cấp dịch vụ giá rẻ hoặc miễn phí. Vậy nguồn thu của metaverse do Meta phát triển sẽ đến từ đâu? Theo Đài DW (Đức), tầm nhìn của của họ sẽ là bán hàng.

Trong báo cáo doanh thu quý 2 năm nay, ông Zuckerberg nhấn mạnh họ sẽ không tập trung vào việc bán các thiết bị VR kiểu như kính Oculus nữa. Thay vào đó, tầm nhìn của ông hướng tới "một nền kinh tế số rất lớn" sẽ mở ra ngay bên trong vũ trụ ảo đang gầy dựng."Tôi nghĩ hàng hóa số và các nhà sáng tạo nội dung sẽ bùng nổ thông qua việc mọi người thể hiện mình qua avartar, qua quần áo số, qua hàng hóa số, qua các ứng dụng họ có và mang theo từ nơi này đến nơi khác", Zuckerberg nói.

Chia sẻ tầm nhìn này, ông Vishal Shah, người phụ trách các sản phẩm metaverse của Facebook, cũng cho rằng: "Thương mại sẽ là một phần lớn của metaverse. Quý vị sẽ bán cả các sản phẩm vật lý lẫn các sản phẩm số hóa ở đó".

Từng có một Meta thất bại

Không rõ trước khi chọn tên Meta cho Công ty Facebook, ông Mark Zuckerberg đã biết từng có một công ty tên như vậy ra đời và đã… chết hay không. Đáng chú ý hơn, theo Hãng tin Quartz, Meta đó cũng từng là một công ty metaverse đình đám, thành lập năm 2013 trước khi Facebook thâu tóm Công ty thiết bị VR Oculus (2014) và bắt đầu theo đuổi chiến dịch metaverse một cách nghiêm túc.

Công ty Meta đó khởi đầu nhỏ nhưng sau 5 năm đã trở thành một tên tuổi về AR ở thung lũng Silicon. Công ty này do doanh nhân Meron Gribetz sáng lập, tích lũy được nguồn vốn 73 triệu USD và có hợp tác với các công ty lớn, trong đó có hãng máy tính Dell.

Tuy nhiên sau khi không sống nổi trước sức ép cạnh tranh của ông lớn Microsoft năm 2018, tới đầu năm 2019 công ty này dần suy thoái và đóng cửa. Hiện tại, trang web của họ ở địa chỉ www.metavision.com chỉ còn lại hình ảnh logo.


Tin tức liên quan

Bình luận