Một Singapore thu nhỏ: tại sao không?

16/09/2022 | 203 |

Ngày 26-8, tại cuộc làm việc với UBND quận 1, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã gợi ý quận 1 cần chủ động nghiên cứu, học tập Singapore trong việc ứng xử với khu trung tâm sao cho khu vực này trở thành nơi có hoạt động kinh tế sầm uất.

Sầm uất nhưng đảm bảo trật tự, vệ sinh, an toàn và cả công bằng nữa.

Mục tiêu biến khu vực trung tâm 930ha thành một Singapore là điều phải tính đến, nhưng trước mắt cần tập trung cho khu vực các phố đi bộ bao gồm Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Lợi, quảng trường Quách Thị Trang là hoàn toàn khả thi, bởi sau khi hoàn trả mặt bằng thì khu này trở nên đẹp và thông thoáng hơn.

Tuy nhiên ông Mãi còn băn khoăn khi khu vực này mỗi ngày thu hút hàng trăm ngàn người, có thể cả triệu khách thì làm sao vẫn đảm bảo vệ sinh môi trường, trật tự và sau nữa là sự tham gia của kinh tế vỉa hè. 

Ông Mãi cho rằng quận 1 hoàn toàn có thể thiết kế bãi đậu xe nổi nhiều tầng, tự động hóa, vừa tiết kiệm đất lại chứa được nhiều xe. Hoàn toàn có lý khi ông nói quận 1 cần sử dụng triệt để IT vào việc quản lý hành vi của mọi người trong khu vực trung tâm. 

Một trung tâm điều hành thông minh (big data) phục vụ riêng cho khu vực này là hoàn toàn hợp lý. 

Qua hàng trăm camera, hàng ngàn cảm biến (nhiệt, âm thanh) trung tâm sẽ phát hiện các trường hợp xả rác, đậu xe không đúng nơi quy định, cháy nổ, trộm cắp, hành vi không đúng thuần phong mỹ tục...

Trong khi đó, để cho những người hoạt động ở khu vực trung tâm này chấp hành nghiêm các quy định thì TP cần phải có những quy định rất rõ ràng, chi tiết được công bố bằng hai thứ tiếng Việt và Anh. 

Bất cứ một hình thức chế tài nào được thực thi ở Singapore đều được công bố rộng rãi trước 3 tháng cho tất cả dân chúng và du khách biết và đến giờ G là đồng loạt thi hành rất nghiêm khắc, chẳng hạn búng tàn thuốc, vứt vỏ kẹo phạt 300 SGD, nhổ nước bọt ở nơi công cộng có thể bị phạt 1.000 SGD; đùa giỡn trên đường phố vô tình gây ùn tắc giao thông sẽ bị phạt 5.000 SGD...

Một điều nữa cần nói đến là ở khu trung tâm này, liệu người buôn bán hàng rong có được xuất hiện? 

Trước đây, ở Hà Nội và TP.HCM có một quan điểm giống nhau là đẩy người buôn bán hàng rong ra xa, mấy năm gần đây TP.HCM có chủ trương xắp xếp cho người bán hàng ở một số điểm cố định như công viên Bạch Tùng Diệp, đường Nguyễn Văn Chiêm nhưng kết quả mang lại rất khiêm tốn và số lượng người được kinh doanh rất ít. 

Cần học tập Singapore và Bangkok, như người bán hàng rong ở trong ô vuông hạn định, luân chuyển theo ngày giờ, thực hiện các quy định về trang phục, dụng cụ thiết bị hành nghề, tuân thủ triệt để các quy tắc vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm... 

Chính các xe, gánh bán hàng rong thực phẩm, đồ lưu niệm, hoa tươi... có khi lại góp phần tạo ra sự "bất ngờ không đoán định" làm cho phố phường Sài Gòn trở nên sống động, hấp dẫn và đáng yêu.

Tới đây khu vực trung tâm không chỉ có phần trên mặt đất mà còn hàng ngàn mét vuông dưới ngầm, do vậy việc nghiên cứu tạo ra một không gian tương tự như Singapore là điều cần được tiến hành sớm và đó là công việc của các nhà kinh tế - xã hội - văn hóa đô thị và các nhà quản trị xã hội.


Tin tức liên quan

Bình luận