Mưa 3 ngày bằng cả năm

08/09/2021 | 299 |

TTO - Ít nhất 12 người chết dưới đường tàu điện ngầm, gần 200.000 người phải sơ tán đến nơi an toàn do nước lũ tại Hà Nam - tỉnh miền trung Trung Quốc, nằm bên bờ sông Hoàng Hà, tính đến ngày 21-7.

"Nước dâng đến ngang ngực tôi, tôi rất sợ, nhưng điều đáng sợ nhất không phải là nước mà là dưỡng khí cạn dần trong toa tàu, đến thở cũng khó khăn" - một người Trung Quốc viết lại trải nghiệm kinh hoàng trong toa tàu điện ngập nước ở Trịnh Châu.

Nguy cơ vỡ đập

Các video trên mạng xã hội cho thấy các toa tàu điện ngầm ở Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, bị ngập nước đến 1/3, nước đến ngang hông nhiều hành khách cao lớn, một số người phải đứng trên ghế trong khi những người khác đứng bám chặt tay vịn. 

Dưới đường ray tàu điện và ở trạm tàu, nước chảy cuồn cuộn. Hàng trăm hành khách được lực lượng cứu hộ giải thoát từ nóc toa, từng người một.

Tỉnh Hà Nam, với 94 triệu cư dân sinh sống, đã phát ra cảnh báo thời tiết ở mức cao nhất trong bối cảnh nhiều đập nước bị nứt, kè sông bị vỡ do mưa lớn trên toàn tỉnh.

Trước đó, từ 17-7 đến cuối ngày 20-7, lượng mưa 617,1mm đã trút xuống Trịnh Châu - thành phố hơn 10 triệu dân. Mưa ba ngày nhưng gần bằng lượng mưa trung bình hằng năm ở nơi này là 640,8mm. 

Cuộc sống của hàng triệu người dân ở Hà Nam bị đảo lộn do mưa lớn bất thường. Một số con sông ở lưu vực sông Hoàng Hà nước dâng cao nhanh chóng. Đường sá ở hàng chục thành phố ven sông bị ngập lụt.

Đáng lo hơn, mực nước ở 16 hồ thủy lợi dâng lên mức báo động. Ngập lụt làm hư hại mùa màng, nông sản ngoài đồng ước tính lên đến 11 triệu USD. Dịch vụ đường sắt ngừng hoạt động, các chuyến bay bị hủy. Nhiều trường học và bệnh viện bị cô lập do nước lũ. Có tin nhiều trẻ em bị kẹt ở trường mẫu giáo từ hôm 20-7.

Nhân Dân nhật báo đưa tin Bệnh viện Trịnh Châu với hơn 7.000 giường bị mất điện hoàn toàn, cả nguồn điện dự phòng cũng bị cắt khiến bệnh viện phải chạy đua tìm cách chuyển khoảng 600 bệnh nhân nặng đến các cơ sở khác. Thiệt hại về người và tài sản dự báo sẽ rất nặng nề.

Trong đêm 20-7, chính quyền Hà Nam thông báo mưa và nước lớn đã gây ra vết nứt 20m ở đập Yihetan, thành phố Lạc Dương, phía tây Trịnh Châu - nơi có khoảng 7 triệu dân sinh sống. Đập nước này có nguy cơ "vỡ bất cứ lúc nào" và bờ kè sông bị đe dọa. Hồ thủy lợi Guojiazui cũng có vết nứt.

Khắc phục tạm thời hay lâu dài

Lũ trong mùa mưa làm xáo trộn cuộc sống, hư hại mùa màng, nhà cửa ở Trung Quốc đã trở nên tồi tệ hơn trong vài chục năm qua. Có nhiều lý do giải thích hiện tượng thời tiết cực đoan này. Biến đổi khí hậu và sự can thiệp của con người có thể là nguyên nhân chính kích hoạt các trận mưa lớn, dài kỷ lục, gây lũ lụt nghiêm trọng ở nhiều nơi.

Về nguyên nhân do con người, theo kênh truyền hình Channel News Asia, thay đổi mục đích sử dụng đất do sự phát triển của các thành phố đã làm tăng chi phí thiệt hại do lũ lụt. 

Việc xây tràn lan các đập nước và đê kè đã cắt đứt kết nối giữa các dòng sông và hệ thống hồ lân cận, qua đó làm thay đổi điều kiện tự nhiên ở vùng rốn lũ. Những dòng sông và hệ thống hồ này vốn có chức năng hấp thụ nước mưa trong mùa hè.

Nguyên nhân còn lại là do biến đổi khí hậu. Mặc dù không nhà khoa học nào khẳng định thiên tai cực đoan cụ thể là do biến đổi khí hậu trực tiếp gây ra, nhưng tình trạng Trái đất nóng lên làm tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan là điều đã được Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (IPCC) cảnh báo.

Về giải pháp lâu dài, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình yêu cầu các cơ quan chức năng tìm những bài toán để ứng phó với lũ lụt hiệu quả hơn. Cụ thể là cải thiện hệ thống cảnh báo và dự báo sớm thiên tai như mưa, bão, lốc xoáy, lở đất..., đồng thời đẩy mạnh nỗ lực quản lý giao thông và thực hiện các biện pháp phòng chống lũ lụt, tìm không gian thoát nước.

Hơn nữa, Trung Quốc cần đầu tư cho các mục tiêu kiểm soát hậu quả của biến đổi khí hậu, cụ thể là cắt giảm phát thải. Mới đây, theo Đài BBC, đặc phái viên về khí hậu của Mỹ là ông John Kerry đã kêu gọi Trung Quốc tăng tốc và mức độ của các nỗ lực cắt giảm phát thải khí CO2.

Trung Quốc đã cam kết lộ trình để hạ mức phát thải từ năm 2030, nhưng trong tư cách là động lực lớn nhất của biến đổi khí hậu, mục tiêu này vẫn là chưa đủ. 

Trường hợp nếu Trung Quốc không cắt giảm đủ lượng phát thải, mục tiêu toàn cầu trong việc giữ nhiệt độ tăng dưới 1,5 độ C vào năm 2100 so với thời kỳ tiền công nghiệp (tạm xác định là khoảng năm 1850 - 1900) "về cơ bản là không thể".

Hiện Trái đất đã tăng 1,2 độ C và đã chứng kiến những hậu quả tàn khốc mà gần đây là lũ lụt khiến gần 200 người chết ở châu Âu và nắng nóng bất thường ở Bắc Mỹ. Trung Quốc có thể tham vọng hơn với các mục tiêu tự đề xuất trong 10 năm tới và dĩ nhiên các nền kinh tế khác cũng vậy.

Ông Tập: Lũ lụt cực kỳ nghiêm trọng

Ngày 21-7, Tân Hoa xã đưa tin Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xác nhận tình hình lũ lụt ở tỉnh Hà Nam là "cực kỳ nghiêm trọng" và các biện pháp kiểm soát lũ đang ở "giai đoạn thử thách quan trọng".

Ông Tập yêu cầu các cấp chính quyền ưu tiên đảm bảo an toàn và tài sản của người dân, thực hiện cẩn thận và nghiêm túc các biện pháp phòng chống lũ lụt và cứu trợ thiên tai.

Các nhà khí tượng cho biết mưa lớn ở tỉnh Hà Nam là kỷ lục kể từ khi các số liệu được ghi nhận cách đây 60 năm và là hiện tượng hiếm đến mức chỉ xảy ra một lần trong 1.000 năm. Quân đội đã được điều động để tham gia ứng phó khẩn cấp nhằm điều tiết lũ.


Tin tức liên quan

Bình luận