Mục tiêu của chuyển đổi số vẫn phải là hiệu quả kinh doanh

01/08/2022 | 204 |

(KTSG) – Chuyển đổi số không phải là công nghệ đi trước, ứng dụng để tránh lỗi thời. Số hóa cuối cùng để giải bài toán kinh doanh, mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp.

Bắt đầu từ tầm nhìn lãnh đạo

Trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, thuật ngữ số hóa/chuyển đổi số trở thành từ khóa phổ biến và mối quan tâm của nhiều doanh nghiệp. Một doanh nghiệp 200 nhân sự trong ngành vật liệu xây dựng thử ứng dụng công nghệ để đổi mới nhưng không nhận được sự hưởng ứng của nhân viên. Dù kết quả kinh doanh vẫn tốt, lãnh đạo doanh nghiệp lo lắng mình không kịp đổi mới sẽ tụt hậu.

Mối băn khoăn được vị này tới xin tư vấn tại hội thảo “Mong đợi và năng lực cho chuyển đổi số, làm sao để không lỗi nhịp?”, do Skale – hệ sinh thái giải pháp nhân lực số hàng đầu châu Á – kết hợp Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Saigon Times Club và Le & Associates tổ chức ngày 23-6-2022.

Chuyển đổi số là một xu hướng nhưng không nên đi theo phong trào, theo ông Trần Lệ Nguyên, Phó chủ tịch Tập đoàn KIDO. Mục tiêu của việc số hóa mới quan trọng. Điều này đòi hỏi tư duy của người lãnh đạo hiểu mục tiêu của chuyển đổi số để làm gì, thay đổi gì trong tương lai hay cắt giảm chi phí?

Ông Nguyên cho rằng cốt lõi vẫn là bài toán hiệu quả kinh doanh. Doanh nghiệp cực đoan quá với chuyển đổi số sẽ dẫn đến đầu tư dàn trải, sai với quy mô, kéo theo tốn kém về nguồn lực, thời gian nhưng không đạt hiệu quả.

Thiếu quan tâm chăm chút đến trải nghiệm nhân viên là một trong những lý do khiến quá trình chuyển đổi số lỗi nhịp…

Từng là giám đốc chuyển đổi số hóa Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), nay là thành viên hội đồng quản trị doanh nghiệp này, bà Trần Phương Ngọc Thảo cho hay, chuyển đổi số không phải là nâng cấp công nghệ mà là chuyển đổi mô hình kinh doanh, thay đổi cách làm và chuyển đổi con người.

Theo bà Thảo, công thức thành công của chuyển đổi số đi từ nhận thức và sự hiểu biết của người lãnh đạo. “Lãnh đạo cần nắm bắt những xu thế mới, nhận định được ảnh hưởng của nó tới doanh nghiệp và môi trường cạnh tranh trong tương lai. Từ đó, họ hiểu được các cơ hội, nắm bắt những rủi ro nếu không chuyển đổi số và đưa ra lựa chọn ưu tiên thực hiện. Khi đã lựa chọn phải mạnh dạn đầu tư đúng mức, đúng quy mô và đúng cách”, bà Thảo phân tích. Chuyển đổi số là quá trình công nghệ và kinh doanh phải nói cùng ngôn ngữ.

“Chuyển đổi số hiệu quả là khi chúng ta “nội soi” được doanh nghiệp và đưa ra những chiến lược đúng đắn. Công nghệ hiệu quả là khi chúng ta định lượng tốt giá trị nhân lực, thấy được bộ phận nào tốt và bộ phận nào yếu kém để đưa ra những giải pháp tốt nhất. Mục tiêu cuối cùng vẫn là hiệu quả kinh doanh”, nhà sáng lập KIDO nhận định. Chuyển đổi số không phải điều xa vời với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông Nguyên cho biết có nhiều mô hình chi phí thấp phù hợp với các doanh nghiệp này.

Lối mòn suy nghĩ chuyển đổi số là công nghệ đi trước tạo ra một rào cản rất lớn. Ông Trương Bình Nguyên, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Skale, cũng cho rằng chuyển đổi tư duy của lãnh đạo mới là quan trọng. Họ cần xem đây như việc làm chiến lược vẫn thực hiện lâu nay. Điều quan trọng là người lãnh đạo cảm thấy sẵn sàng và không sợ những cái mới. Khi có chiến lược tốt mới tính đến năng lực của nhân sự. Khi đó, quá trình này trở nên nhẹ nhàng hơn.

Làm sao để không lỗi nhịp?

Nguyên lý là như vậy, thực tế triển khai không đơn giản. Bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Giải pháp nhân lực Le & Associates (L&A), cho biết lý do chính khiến các doanh nghiệp thất bại khi ứng dụng công nghệ là thiếu năng lực triển khai và thiếu công nghệ quản trị nhân lực chỉn chu và thiếu hiểu biết về công nghệ. Xây dựng khung năng lực cốt lõi và lãnh đạo là bí quyết quan trọng cho thành công của quá trình số hóa của doanh nghiệp.

Các yếu tố về mặt con người và năng lực cho nhân sự tổ chức được nhấn mạnh trong các mô hình số hóa. Với cốt lõi chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả kinh doanh, bà Trần Phương Ngọc Thảo phân tích chuyển đổi số phải giải quyết nhu cầu thị trường và xử lý được các “nỗi đau” của doanh nghiệp. Người hiểu được thị trường chính là đội ngũ nhân viên trực tiếp kinh doanh. Để hiểu được “nỗi đau” và quy trình của doanh nghiệp chưa đáp ứng ở đâu không có cách nào khác ngoài lắng nghe đội ngũ.

“Chuyển đổi số với con người được ví như chân trái và chân phải. Điều đó có nghĩa khi chúng ta bước một bước về mặt thay đổi công nghệ thì cũng phải kéo nhân sự đi theo một bước. Khi đội ngũ nhân sự được nâng tầm, họ sẽ đưa ra những yêu cầu mới và doanh nghiệp lại tiếp tục đầu tư. Theo tiến trình này chuyển đổi số sẽ lan tỏa theo mô hình kim tự tháp từ lãnh đạo tới từng nhân viên”, bà Thảo nói.

Chia sẻ kinh nghiệm từ quá trình số hóa của công ty gia đình trong ngành sản xuất, ông Đặng Hoàng Nam, Trưởng ban đầu tư, quản lý phát triển kinh doanh thị trường quốc tế Bestmix, cho biết người phụ trách phải đưa ra thông điệp giúp tất cả bộ phận cảm nhận quá trình số hóa đang giúp công việc của họ hiệu quả hơn. Nhịp lỗi thường xảy ra trong quá trình chuyển đổi ngôn ngữ giữa các cấp, từ chiến lược tới thực thi.

Những bước số hóa cần có sự chuyển biến nhẹ nhàng. Bestmix bắt đầu bằng phần mềm hỗ trợ tương đối thân thiện và không gây nên gánh nặng cho nhân sự để họ nhanh chóng đáp ứng và vận hành nhanh nhất. Lãnh đạo phải cùng làm việc để thiết kế quy trình và chứng minh được sự khác biệt mà công nghệ mang lại và nâng tầm nhân sự bằng các phần mềm đơn giản.

Cùng chung quan điểm, bà Thảo cho rằng thiếu quan tâm chăm chút đến trải nghiệm nhân viên là một trong những lý do khiến quá trình chuyển đổi số lỗi nhịp. “Nếu doanh nghiệp đầu tư một hệ thống quá phức tạp và kém thân thiện, nhân viên không muốn tìm tòi học hỏi và phát huy nó. Thậm chí, những người có năng lực và gắn bó lâu cũng sẽ rời công ty vì quy trình phức tạp”, lãnh đạo PNJ nói.


Tin tức liên quan

Bình luận