Mỹ sẽ giúp Việt Nam đánh bại COVID-19
TTO - Mỹ cam kết đánh bại dịch bệnh COVID-19 và chúng tôi sẽ sử dụng tất cả công cụ hiện có để đạt mục tiêu này ở Việt Nam cũng như trên khắp thế giới. Công cụ tốt nhất chính là các loại vắc xin an toàn và hiệu quả.
Thứ bảy tuần trước (2-10), tôi tự hào khi thấy thêm 1,5 triệu liều vắc xin Pfizer về đến Việt Nam. Lô vắc xin này được vận chuyển trực tiếp từ nhà máy sản xuất vắc xin Pfizer ở Kalamazoo, bang Michigan đến Việt Nam thông qua Cơ chế COVAX.
Với lô viện trợ vắc xin mới nhất, Mỹ đã cung cấp tổng cộng 7,5 triệu liều vắc xin cho Việt Nam thông qua Cơ chế COVAX. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Mỹ viện trợ cho Việt Nam 111 tủ lạnh âm sâu để bảo quản vắc xin ở 63 tỉnh thành.
Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) hỗ trợ Việt Nam chống dịch COVID-19 thông qua các hỗ trợ kỹ thuật và cung ứng hệ thống oxy cho các bệnh nhân COVID-19 nguy kịch.
Ngoài ra, USAID cung cấp 1 triệu USD cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan ở các cộng đồng dễ bị tổn thương.
Tất cả những hỗ trợ nêu trên đều nhằm mục đích giúp tăng cường hệ thống y tế của Việt Nam, qua đó giúp Việt Nam có thể đối phó hiệu quả hơn với cuộc khủng hoảng hiện tại, đồng thời nâng cao năng lực phát hiện, phản ứng và chống chọi các đại dịch trong tương lai.
Mỹ và Việt Nam đã hợp tác trong lĩnh vực y tế 3 thập kỷ qua, bao gồm các hỗ trợ dành cho Việt Nam chống HIV/AIDS, bệnh lao, cũng như tăng cường năng lực an ninh y tế toàn cầu cho Việt Nam.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam cuối tháng 8 vừa qua, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris dự lễ khai trương văn phòng CDC Mỹ tại khu vực Đông Nam Á, qua đó nhấn mạnh cam kết của Mỹ về cải thiện sức khỏe cho người dân khu vực này.
Văn phòng này có sứ mệnh giúp nâng cao năng lực phản ứng nhanh chóng và hiệu quả đối với các căn bệnh xuyên biên giới. Để văn phòng này hoạt động hiệu quả cần nỗ lực chung của tất cả các bên.
Mỹ cam kết chấm dứt đại dịch COVID-19 ở Mỹ, Việt Nam và trên khắp thế giới. Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ thêm vắc xin khắp toàn cầu khi nguồn cung có sẵn.
Trong phát biểu tại Liên Hiệp Quốc vào tháng 9, Tổng thống Joe Biden thông báo Mỹ sẽ viện trợ thêm nửa tỉ liều vắc xin Pfizer cho các quốc gia trên khắp thế giới, với các chuyến hàng viện trợ đầu tiên bắt đầu vào tháng 1-2022.
Cam kết viện trợ mới nhất của Tổng thống Biden nâng tổng số vắc xin Mỹ cam kết tặng thế giới lên đến 1,1 tỉ liều.
Chúng tôi không chia sẻ vắc xin COVID-19 để giành lấy sự thiên vị hay nhượng bộ nào từ các nước và cũng không có sự ràng buộc nào. Chúng tôi tặng vắc xin chỉ với mục tiêu duy nhất là cứu lấy nhiều mạng sống trên khắp thế giới, bảo đảm một tương lai khỏe mạnh cho nước Việt Nam hùng mạnh, độc lập và thịnh vượng.
Khi nào Mỹ tặng hết 1,1 tỉ liều vắc xin?
Tại hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về COVID-19 hôm 22-9, Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ sẽ nâng cam kết viện trợ vắc xin cho thế giới lên hơn 1,1 tỉ liều.
Vậy khi nào Mỹ sẽ giao hết 1,1 tỉ liều vắc xin này? Theo kế hoạch được Nhà Trắng thông báo, Mỹ dự kiến sẽ tài trợ khoảng 200 triệu liều trong năm nay và chuyển thêm hơn 800 triệu liều trước tháng 9-2022.
Dù Nhà Trắng không nêu rõ những quốc gia nào sẽ nhận được vắc xin, song giám đốc điều hành Lực lượng chuyên trách COVID-19 thuộc Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) Jeremy Konyndyk cho biết các quốc gia đã đăng ký với chương trình phân phối vắc xin công bằng COVAX sẽ được ưu tiên.
Theo số liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ, Washington đến nay đã chuyển được 172 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 cho hơn 100 quốc gia, tương đương 15% số vắc xin đã cam kết. Dù dẫn đầu về số lượng vắc xin tài trợ, Mỹ lại đứng sau về tỉ lệ vắc xin đã giao theo cam kết so với các nước như Trung Quốc (46%), Nhật (30%).
Đề cập về sản xuất vắc xin, Tổng thống Biden cho biết nhóm quốc gia thuộc Bộ tứ Kim cương (Mỹ, Ấn Độ, Nhật và Úc) có thể giúp sản xuất ít nhất 1 tỉ liều vắc xin ở Ấn Độ để cung cấp cho toàn cầu vào cuối năm 2022.
Ấn Độ dự kiến xuất khẩu lại vắc xin từ tháng 10-2021. Ngoài ra, Mỹ cũng thông báo lập quan hệ đối tác vắc xin với châu Âu để mở rộng chương trình tiêm ngừa toàn cầu.
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng việc tài trợ là không đủ để giải quyết sự thiếu hụt vắc xin. “Nếu Mỹ muốn trở thành kho vũ khí vắc xin, chúng ta phải xuất khẩu chứ không chỉ viện trợ” - Krishna Udayakumar, nhà sáng lập Trung tâm đổi mới y tế toàn cầu thuộc Đại học Duke, Mỹ, nói với tờ Wall Street Journal.
Xem thêm