Nghĩ về học sinh phải cách ly ngày tết

08/02/2021 | 350 |

TTO - Với các em học sinh đang phải cách ly, tết bây giờ là nhận tin mình và các bạn an toàn. Tết là được trở về ở bên với những người thân.

 

 

Nghĩ về học sinh phải cách ly ngày tết - Ảnh 1.

Lực lượng công an thiết lập rào chắn tại khu cách ly Trường tiểu học Xuân Phương - Ảnh: PHẠM TUẤN

Trong không khí tết đang về, ai cũng hối hả hoàn thành nốt công việc và háo hức đón tết, chúng ta thấy xót xa khi nghĩ đến 118 em học sinh, phụ huynh Trường tiểu học Xuân Phương đang bị cách ly tại trường, học sinh Trường tiểu học Ban Mai, Trường THCS Dịch Vọng phải cách ly tại nhà vì có phụ huynh - học sinh mắc COVID-19, nhiều trường THPT khác tại Hà Nội có học sinh tham dự ngày hội trải nghiệm cũng đang phải cách ly F1, F2...

Tới đây có thể sẽ còn nhiều nữa những trường hợp học sinh sẽ phải đón một cái tết thật khác biệt, khác với thông lệ, giảm du xuân, giảm gặp gỡ và phải đương đầu đối mặt với một số suy nghĩ lo lắng về sự an toàn của bản thân cũng như những người khác.

Theo các nhà nghiên cứu dự báo, mọi việc sẽ diễn ra khá thuận lợi trong vòng một tuần đầu khi thực hiện cách ly. Những áp lực và khó khăn sẽ xuất hiện nhiều hơn từ sau 7 ngày và lên cao trào sau 14 ngày khi sức chịu đựng tâm lý của cả học sinh, phụ huynh và thầy cô giáo đã tới ngưỡng. 

Lúc đó lại vào thời điểm những ngày đầu năm, mọi gia đình trên khắp đất nước họp mặt, đoàn viên bên nhau.

Đây là thời điểm dự báo sẽ xuất hiện ở các học sinh những biểu hiện hành vi thiếu kiểm soát, mè nheo, gây sự, từ chối làm theo hướng dẫn, cảm giác bồn chồn, không thể tập trung hoặc đau mỏi cơ thể.

Đây là thời điểm thầy cô và cha mẹ cũng bắt đầu đuối sức, sẽ cách xa hơn về cảm xúc với các em, sẽ có nhiều hơn những khoảnh khắc xao lãng khỏi các vai trò của mình, thậm chí phản ứng mang tính cáu giận, mất bình tĩnh nhiều hơn.

Đây là thời điểm các học sinh, thầy cô và phụ huynh sẽ cần rất nhiều sự hỗ trợ tinh thần. Họ cần được làm bận rộn đầu óc bằng tình thân, bằng cảm xúc yêu thương, bằng những lời động viên tích cực.

Các em sẽ cần được hỗ trợ để duy trì một lịch trình lành mạnh hằng ngày. Cần những lời nói truyền cảm hứng để không cảm thấy mình thiếu may mắn. Cần động viên vì hành động tự cách ly của các em đang giúp ích cho cộng đồng. Cần được hướng dẫn một số cách thức thư giãn, kiểm soát cảm xúc lo âu, tức giận, sợ hãi. 

Cần được làm bận rộn đầu óc bằng những công việc có ý nghĩa hằng ngày, những thực nghiệm vui nhộn, những hoạt động sáng tạo mang tính giáo dục. Cần cảm nhận được mình vẫn kết nối trong các mối quan hệ yêu thương và sẻ chia của cả cộng đồng.

Dân tộc ta có truyền thống "một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ". Dẫu những ngày cận tết công việc ai cũng bộn bề, lo toan sắm sửa, có lẽ cũng cần dừng lại một chút để suy ngẫm về tết của chúng ta và tết của các em học sinh đang phải cách ly. 

Với các em học sinh đang phải cách ly, tết bây giờ là nhận tin mình và các bạn an toàn. Tết là được trở về ở bên với những người thân. Tết là cảm nhận được sự quan tâm và yêu thương của mọi người với mình. Tết là khi chúng ta đã hoàn toàn chiến thắng đợt dịch này.

Trong những thời điểm khó khăn, mỗi hành động nhỏ mang thông điệp yêu thương sẽ có giá trị tinh thần rất lớn. 

Qua từng hành động giúp đỡ, sẻ chia, thông cảm, cha mẹ và người lớn cũng đang giáo dục cho con cái và thế hệ trẻ về ý nghĩa bản nguyên nhất của tết. Tết là bình an - tết là tình thân - tết là đoàn viên. Tết sẽ vui hơn khi thoát khỏi những cạm bẫy hào nhoáng của văn hóa tiêu dùng. Tết sẽ tự do hơn khi bớt đi những thủ tục rườm rà hay lo toan vật chất. 

Tết sẽ hạnh phúc hơn khi làm được những việc ý nghĩa cho cộng đồng. Đây chính là khởi sự cho việc con cái chúng ta sau này lớn lên mới nhận ra rằng "khi chúng ta hành động giúp đỡ người khác, chúng ta lại đang giúp đỡ nhiều nhất cho chính mình".


Tin tức liên quan

Bình luận