'Ngoại giao cây tre Việt Nam' được thế giới nhìn nhận
Các hoạt động đối ngoại sôi nổi và hiệu quả của Việt Nam trong năm 2023 đã tạo nên một vị thế mới cho đất nước trên trường quốc tế.
Nhân Hội nghị Ngoại giao thứ 32 đang diễn ra, Tuổi Trẻ đã trò chuyện với ông Bùi Thế Giang - nguyên phó trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, nguyên vụ trưởng Vụ Đối ngoại nhân dân, vụ trưởng Vụ Tây Âu - Bắc Mỹ, Ban Đối ngoại Trung ương.
Sức mạnh tập thể của cây tre Việt Nam
Ông Bùi Thế Giang - Ảnh: DANH KHANG
* Trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao thứ 32, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhắc đến trường phái "ngoại giao cây tre" Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về điều này?
- Cây tre, đặc điểm của cây tre, vai trò và vị trí của cây tre trong tư duy nói chung của người Việt và tư duy đối ngoại nói riêng không phải bây giờ mới có. Hình tượng cây tre luôn được xem là tiêu biểu, gắn liền với người Việt Nam.
Vì lẽ đó, việc Tổng bí thư nêu khái niệm "ngoại giao cây tre Việt Nam", nhất là trong Hội nghị Đối ngoại đầu tiên năm 2021 và mới đây là Hội nghị Ngoại giao thứ 32 ngày 19-12 là một sự tổng kết lại, nâng lên thành tầm lý luận.
Đặt trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, tôi cho rằng việc nhấn mạnh một lần nữa trường phái "ngoại giao cây tre" của Việt Nam là điều rất chính xác.
Nói về cây tre, tôi cho rằng có hai điều luôn cần phải nhắc đến. Đầu tiên là sự mềm dẻo, bền bỉ, dai dẳng của loại cây này như nhiều người hay nghĩ đến đầu tiên. Nhưng đồng thời điều cũng rất quan trọng nữa tạo nên sức mạnh của cây tre chính là tính tập thể.
Một cây tre khi đứng riêng cũng dẻo dai hơn thật so với các loại cây khác, nhưng khi là một tập thể, một bụi tre, rặng tre hay vườn tre lại có sức mạnh lớn vô cùng, chặt chẽ và vững chắc vô cùng.
* Các hoạt động ngoại giao, đối ngoại sôi động của Việt Nam trong năm 2023 đã tác động như thế nào đến hình ảnh đất nước trên quốc tế, thưa ông?
- Từ những năm 1990, chúng ta đã liên tục triển khai chủ động, tích cực và hiệu quả các hoạt động đối ngoại. Tuy nhiên, tôi rất tán thành với nhận xét năm 2023 là năm để lại dấu ấn nổi bật của Việt Nam trong đối ngoại. Có lẽ chúng ta nằm trong số ít những nước có các hoạt động đối ngoại sôi động trong năm nay, cả đoàn ra lẫn đoàn vào.
Đã có những chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử như của Tổng bí thư - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hay Tổng thống Mỹ Joe Biden. Với ông Tập Cận Bình, Việt Nam là nước thứ tư ông ấy đến trong năm nay nhưng phần lớn các nước khác đều kết hợp hoạt động đa phương.
Những hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong năm 2023 đã xây dựng được hình ảnh, vị thế của đất nước trên quốc tế. Chúng ta không tự vỗ ngực công nhận mà các nước khác đã thấy được điều đó. Điều đó càng củng cố thêm sự tự tin của Việt Nam trong việc triển khai.
Trong các hoạt động đối ngoại của mình, Việt Nam luôn suy nghĩ, tìm cách cân bằng và hài hòa lợi ích của quốc gia - dân tộc với lợi ích của đối tác, vì chúng ta hiểu mình là một nước tầm trung và phát triển sau nhiều nước, nếu chỉ chăm chăm lợi ích của mình thì không dễ "chơi được" với ai.
Có thể khẳng định năm 2023 này Việt Nam đã có các hoạt động ngoại giao, đối ngoại cân bằng và khách quan, hiệu quả với tất cả các nước ở mọi quy mô, với cả nước phát triển lẫn đang phát triển.
Việt Nam có lập trường rõ ràng
* "Ngoại giao cây tre" đã giúp Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong bối cảnh phức tạp và khó lường của thế giới. Tuy nhiên, một vài ý kiến cho rằng quan điểm của Việt Nam là chưa rõ ràng. Ông nghĩ sao về điều này?
- Thế nào là chưa rõ ràng? Ở đây tôi muốn đề cập cách nói của thế giới là "không chọn bên". Khi trao đổi với ASEAN trong tư cách là một tổ chức khu vực hay với từng nước thành viên ASEAN, các nước lớn đều nói họ không yêu cầu, không bắt ép các nước này phải chọn bên.
Vậy có phải đó là sự không rõ ràng? Không hề, họ rất rõ ràng là đằng khác. Bản chất của họ khi đặt vấn đề là rất rõ ràng và quan điểm của các nước, trong đó có Việt Nam, là không chọn bên, cũng thể hiện rõ ràng.
Tôi nhớ cách đây chỉ vài ngày, tôi có đọc bài viết trên tờ Thời báo Đài Bắc ca ngợi "ngoại giao cây tre" của Việt Nam và phân tích vì sao các nước lại "ve vãn" Việt Nam. Rõ ràng sức ảnh hưởng từ trường phái ngoại giao của chúng ta, cùng việc Tổng bí thư đưa hình ảnh cây tre vào ngành ngoại giao, đối ngoại và nâng lên thành tầm lý luận đã tác động đến rất nhiều người trên thế giới. Nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới đã tìm hiểu và đưa ra nhận xét theo tôi là rất khách quan.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nhiều lần khẳng định Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa. Đó cũng là biểu thị cho "ngoại giao cây tre". Chúng ta chọn chính nghĩa, chọn lẽ phải, chọn lợi ích quốc gia - dân tộc.
Như văn kiện Đại hội XIII của Đảng vừa qua đã nêu rõ chúng ta không chọn theo đuổi lợi ích quốc gia - dân tộc một chiều, cực đoan. Chúng ta vẫn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc là cao nhất nhưng trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế, trên cơ sở bình đẳng, hợp tác và cùng có lợi. Đó là những điều kiện rõ ràng.
Cho nên tôi khẳng định trường phái ngoại giao cây tre Việt Nam, lập trường của chúng ta là rất rõ ràng, minh bạch và có điều kiện hẳn hoi.
Chủ tịch nước phong hàm đại sứ cho 20 nhà ngoại giao
Chiều 20-12, đoàn trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã đến báo cáo Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Phủ chủ tịch. Chủ tịch nước khẳng định trong thành tựu chung của đất nước năm 2023, đối ngoại và ngoại giao là một điểm sáng tiêu biểu.
Ông đề nghị các trưởng cơ quan đại diện tại nước ngoài tăng cường quan hệ chính trị với các nước, hợp tác kinh tế là trọng tâm và khai mở các tiềm năng đột phá với tinh thần tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước đã trao quyết định phong hàm đại sứ cho 20 người là lãnh đạo Bộ Ngoại giao, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Xem thêm