Người phố tăng gia rau xanh
TTO - Dịch giã căng thẳng, rau quả khan hiếm, khó mua khiến nhiều người TP.HCM hiếm khi trồng trọt lại trở nên giỏi tăng gia và biết tận dụng từng mét vuông để trồng trọt cải thiện bữa ăn...
Ngày trước mỗi lần trời mưa gió, việc đầu tiên là đi lấy quần áo phơi vào. Còn bây giờ cứ thấy chuyển trời là chạy ra che chắn cho vườn rau nhỏ của mình trước.
Chị Lê Nguyễn Thúy Quyên
Bắt kịp xu hướng "tự cung tự cấp" này, các dịch vụ cung cấp hạt giống, vật tư nông nghiệp đua nhau bán online, phục vụ "cơn khát" trồng rau của người dân.
Ùn ùn làm "nông dân" thành phố
Vừa chuẩn bị mấy bịch hạt giống để chốt đơn cho khách đặt qua mạng, anh Lê Hữu Duy, chủ một "nông trại" tại quận Gò Vấp, cho biết từ lúc Sài Gòn bùng dịch kèm chỉ thị 15, 16, rồi 16 tăng cường, cửa hàng của anh đắt khách hẳn.
Shop của anh Duy hầu như bán tất tần tật mọi thứ đáp ứng nhu cầu trồng rau sạch tại nhà như rau ăn lá, cây ăn trái, rau gia vị, hoa. Ngoài hạt giống, nhiều shop nông nghiệp như anh còn chiều lòng "thượng đế" bằng cách bán luôn phân bón hữu cơ, túi trồng cây, lưới leo giàn, cuốc xẻng, bình xịt, chậu, và nhận trang trí vườn, hướng dẫn tận tình kỹ thuật cho người mới tập trồng.
Chẳng hạn cách gieo hạt, tưới nước và bón phân theo đặc điểm của từng loại rau, rồi theo dõi sâu bệnh, thời gian thu hoạch cây ăn trái và rau ăn lá...
Anh Duy cho biết nhu cầu làm vườn ở TP.HCM hiện đang tăng đáng kể trong tháng 6 và tháng 7, số lượng hạt giống rau và hoa anh bán ra tăng 60% so với thời điểm chưa bùng dịch.
"Các loại rau để nấu canh, rau làm gia vị bán ra rất nhiều. Khách của tôi đủ mọi lứa tuổi, trẻ hay trung niên gì cũng có nhưng phần lớn tầm 30 - 40 tuổi. Có khá nhiều khách trẻ do trồng xong thấy năng suất nên quay lại mua tiếp. Họ chủ yếu trồng các loại rau dễ trồng và nhanh thu hoạch.
Dịch giã này người ta ở nhà nhiều nên muốn tự trồng để có rau sạch ăn, nhất là hiện khó mua ở các siêu thị do phải xếp hàng chờ lâu, vô tới thì cũng hết trơn. Thêm nữa là trồng rau, hoa cũng giúp xả stress vì không thể ra đường, hoặc giảm căng thẳng khi nhìn thành quả của mình lớn lên từng ngày" - ông chủ trẻ Hữu Duy cười nói. Đồng thời cho biết do nắm bắt được "trend" này nên nhiều shop bán hạt giống ở thành phố đã ra đời, cung cấp đa dạng chủng loại cho khách tha hồ lựa chọn.
Giãn cách xã hội khiến không thể bán tại cửa hàng, nhiều shop nông nghiệp chuyển sang bán online trên các nền tảng Facebook, Zalo, sàn thương mại điện tử, trong đó có "nông trại" của chị Ngô Thị Quỳnh Nghi (quận Bình Thạnh).
Chị Nghi cho biết ban đầu rất lo lắng tạm ngưng giao dịch tại cửa hàng sẽ ảnh hưởng doanh thu, song sau đó chị bất ngờ khi đơn hàng online "nổ" liên tiếp. Từ hạt giống cho đến dụng cụ rồi đất trồng, phân bón, món nào chị cũng nhanh chóng bán hết. Có những đợt chị phải tạm thông báo ngưng nhận đơn vì hàng chưa về kịp.
"Trước đây rất hiếm khách mua online, nhưng khi thành phố giãn cách, số đơn hàng đã tăng lên 15 - 20 đơn mỗi ngày. Đơn nào cũng lớn, khách mua cả hạt giống, chậu trồng, khay ươm giống, đất, phân bón. Có những ngày tôi bán hơn 100 khay trồng. Đây là số lượng lớn nhất trong 6 năm qua kể từ lúc tôi mở tiệm, hơn cả số hàng trước đây bán tại chỗ và bán qua mạng" - chị Nghi vui vẻ chia sẻ.
Thời điểm hiện tại, do các shipper chỉ được giao nhu yếu phẩm và thực phẩm nên chị Nghi đã hạn chế nhận đơn hàng, tuy nhiên số đơn vẫn không có dấu hiệu giảm.
Chị Minh Ngọc trồng đủ rau ăn cho cả nhà - Ảnh: DIỆU QUÍ
Tiện lợi, hợp túi tiền
Theo anh Duy, mô hình trồng rau tại nhà hiện có hai hình thức: trồng thổ canh và trồng thủy canh. Phương thức trồng thổ canh được nhiều người chọn hơn vì chi phí ban đầu rẻ, lại không đòi hỏi kỹ thuật cao như thủy canh.
Việc đầu tư trồng rau tại nhà không quá tốn kém, tùy theo diện tích vườn hay sân thượng, bancông. Các dụng cụ phục vụ trồng rau cũng được thiết kế theo hướng gọn, nhẹ, tiết kiệm diện tích, phù hợp với không gian đô thị.
Ở cửa hàng của anh Duy, túi trồng rau hai lớp có giá 4.000 - 7.000 đồng/túi, lưới leo giàn 64.000 - 105.000 đồng/tấm, cuốc xẻng 4 trong 1 giá 60.000 đồng/bộ, phân trùn quế 30.000 đồng/bao, phân bò hữu cơ 19.000 đồng/bao, dưỡng hoa lâu tàn 5.000 đồng/hộp. Hạt giống các loại được chia sẵn theo gói, giá gốc từ 8.000 - 30.000 đồng/gói tùy loại và hiện giảm trên các sàn thương mại điện tử.
Anh Duy chia sẻ thêm: "Tôi nghĩ trong tương lai, xu hướng trồng rau củ quả tại nhà sẽ tăng mạnh hậu đại dịch. Người dân thấy được lợi ích từ việc trồng rau sạch tại nhà, đợt dịch này khiến nhiều người thạo trồng hơn. Những ai chưa quen làm cũng không cần lo lắng vì các dịch vụ từ cung cấp vật tư đến thiết kế trang trại trên sân thượng đang nở rộ, đáp ứng mọi nhu cầu khách hàng".
Giàn khổ qua chị Minh Ngọc trồng tươi tốt trên sân thượng - Ảnh: DIỆU QUÍ
Niềm vui được ăn rau mình trồng
Sống ở căn hộ chung cư nên diện tích trồng rau của chị Lê Nguyễn Thúy Quyên (ngụ quận 7) chỉ vỏn vẹn là bancông 6m². Tận dụng khoảng trống ít ỏi, chị trồng đậu côve, đậu biếc, ớt, rau ngò, hành lá và rau húng, mỗi loại một ít.
Những ngày chưa bùng dịch, chị Quyên đến các cửa hàng bán hạt giống gần nhà để mua. Song từ khi hạn chế đi lại, chị chuyển sang mua online trên các sàn thương mại điện tử, giá cả không chênh lệch, chỉ thêm phí vận chuyển.
"Các shop hạt giống cũng bán đa dạng hơn các loại rau củ và tăng cường bán hàng trên nhiều kênh để người mua có thể dễ dàng mua được" - chị cho hay.
Trước đây, chị Quyên chỉ trồng cây cảnh, chưa từng trồng rau nên giờ mỗi khi mua các dụng cụ, chị nhờ shop tư vấn cách sử dụng, sau đó tham khảo thêm trên mạng để biết cách chăm cây phát triển.
Nhìn thành quả nông nghiệp của mình lớn lên từng ngày, chị Quyên vui vì có thêm ít rau sạch tự trồng trong bối cảnh rau củ tăng giá, khan hiếm khó mua. "Tôi chọn những loại dễ trồng và thường hay ăn, nhanh thu hoạch như hành lá, ngò gai, ngò rí. Thời điểm này do làm việc ở nhà nên có nhiều thời gian chăm sóc rau.
Nhiều bạn bè tôi cũng làm "nông dân sân thượng" mùa dịch này, vừa có thêm rau dùng thời buổi dịch giã, lại có thể ngắm để giải tỏa căng thẳng khi ở nhà nhiều ngày. Trong bữa cơm có đĩa rau luộc hay tô canh nấu từ rau mình trồng, cảm giác hạnh phúc lắm" - chị Quyên tâm sự rất hào hứng khi thấy những hạt giống mình gieo từng ngày nảy mầm.
Chị cũng nói thêm hiện tại do giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 nghiêm ngặt, chị không mua thêm hạt giống từ các cửa hàng nữa, mà tận dụng trồng từ chính các rau củ đã mua về sử dụng làm thực phẩm như hành lá, rau húng, làm giá đỗ từ đậu xanh...
Trồng rau tại nhà dễ thôi
"Hồi trước tôi có bao giờ biết mày mò đất cát, trồng cây trái gì đâu. Vậy mà từ khi sửa sang nhà, có cái sân thượng vài chục mét vuông, tôi đã trở thành nông dân thứ thiệt. Chỉ sau vài tháng, rau trồng gần đủ cho cả nhà 5 người ăn" - chị Nguyễn Thị Minh Ngọc, nhà ở 4/9 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Q.1, cho biết.
Trên sân thượng nhà chị Ngọc hiện nay có gần 20 loại rau, quả, kể cả những "đặc sản" được cho là nhiều dược chất không dễ mua bây giờ như lá mơ, ngải cứu, sung, rau má... Không cần phải mua rau mà chị còn ship tặng thêm cho người thân.
"Tôi chỉ mua đất, mua phân bò, tro trấu một lần đầu, sau đó tận dụng các thứ hữu cơ thải bỏ khi nấu ăn để bón tưới lại cây" - chị Ngọc kể mình tận dụng nước rửa thịt cá tưới gốc cây rất tốt, rồi bã trà, cà phê, vỏ trứng, thân rau, vỏ trái cây đều có thể ủ thành phân cực kỳ hiệu quả.
Xem thêm