Nhận tiền để đưa ra ‘lời khuyên’

05/01/2023 | 137 |

Tháng 6-2021, cô Kim Kardashian, một nhân vật nổi tiếng lên Instagram, viết mấy dòng để quảng bá cho một đồng tiền mã hóa do EthereumMax bán ra và được trả công đến 250.000 đô la. Nhưng chỉ hơn một năm sau, cô này chịu nộp phạt cho Ủy ban Chứng khoán Mỹ đến 1,26 triệu đô la để khỏi bị kiện về tội nhận tiền để quảng cáo cho một sản phẩm tài chính mà không nói rõ đây là quảng cáo.

Lúc đó cô chỉ nói khơi khơi với hàng triệu người theo dõi cô trên Instagram: “Đây không phải là lời khuyên tài chính mà chỉ là chia sẻ những gì bạn bè tôi mới nói với tôi về đồng tiền EthereumMax…”.

Những người nổi tiếng như diễn viên, ca sĩ hay thậm chí những người có hàng triệu hay hàng chục triệu người theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội thường có cách kiếm tiền rất dễ dàng. Họ chỉ cần chụp hình đang sử dụng một sản phẩm nào đó, thả vài dòng khen ngợi là đã có thể nhận được từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đô la tiền công quảng cáo, khỏi cần thông qua một tờ báo hay một kênh truyền hình như ngày xưa.

Chỉ có điều luật của Mỹ nói rõ, họ phải ghi ngay ở đầu, đây là quảng cáo hay đây là nội dung tài trợ. Ai không ghi rõ như thế có thể bị phạt gấp cả chục lần số tiền nhận được.

Mỹ phạt được vì có luật – Việt Nam thì chưa. Ở Việt Nam, các diễn viên điện ảnh, ca sĩ, nghệ sĩ hài, kể cả những người được mệnh danh là KOL (người dẫn dắt dư luận xã hội) quảng bá đủ thứ sản phẩm, từ thuốc chữa bệnh trào ngược dạ dày, thấp khớp đến thuốc diệt chuột, diệt gián mà không hề ghi “đây là quảng cáo”. Người nào sợ người hâm mộ chê cười thì có thể nửa úp nửa mở nói rằng buộc phải quảng cáo kiếm tiền, mong thông cảm.

Nguy hiểm nhất là những hình thức khuyên dùng đối với các loại thực phẩm chức năng, rõ ràng không phải là thuốc nhưng bị tô vẽ thành thần dược trị dứt bệnh. Người dân bình thường, tin vào quảng cáo trên đài truyền hình một thì càng tin vào những mẩu chuyện xem như “chia sẻ” từ người họ quen mặt quen tên từ lâu, mức độ tin cậy tăng nhiều lần.

Ở Việt Nam cũng có giai đoạn rộ lên những người nổi tiếng quảng bá đủ loại tiền mã hóa y như bên Mỹ với cô Kim Kardashian hay diễn viên điện ảnh Matt Damon, Reese Witherspoon… Sau khi những đồng tiền này sụp đổ, họ chỉ xin lỗi qua loa hay chỉ xóa nội dung và không hề bị phạt gì cả. Gần đây có cả hiện tượng quảng bá cho tử vi, bói toán.

Nay dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) có thể lấp đầy khoảng trống này khi quy định một trong các hành vi bị cấm: “Sử dụng hoặc lợi dụng hình ảnh, lời khuyên, khuyến nghị của người có ảnh hưởng, có uy tín nhằm xúc tiến thương mại hoặc khuyến khích người tiêu dùng mua, sử dụng sản phẩm, dịch vụ, mà không thông báo trước cho người tiêu dùng đây là các nội dung được tài trợ”.

Nói cách khác, sau khi luật sửa đổi được thông qua và có hiệu lực, những người có ảnh hưởng, có uy tín nhận tiền để quảng cáo mà không nói rõ đây là quảng cáo sẽ bị chế tài.

Vẫn còn nhiều việc phải làm như định nghĩa thế nào là người có ảnh hưởng, chế tài như thế nào, các hình thức tài trợ nào là bị cấm… nhưng quy định như luật là một bước tiến nhằm thật sự bảo vệ người tiêu dùng trước các ma trận “lời khuyên” của những người nổi tiếng.

Chưa cần bàn đến việc “khuyên” đúng hay “khuyên” sai, một khi nói rõ tôi có nhận tiền để “khuyên” quý vị cũng đã phần nào giúp người tiêu dùng tỉnh táo nhận biết đúng sai.


Tin tức liên quan

Bình luận