Những cầu vồng chữ nghĩa
Có một ngày cơn mưa ký ức tràn về ào ạt, rồi nắng hửng, trong trang viết của Thục Linh hiện lên những cầu vồng.
(Đọc Những con mắt ký ức của Thục Linh)
Chỉ biết lặng ngắm, ngẩn ngơ và khó thốt nên lời. Vẻ tráng lệ của cầu vồng trời hút cái nhìn của ta. Nét long lanh của cầu vồng chữ làm mắt ta rớm lệ. Ta loay hoay gọi tên nó, Những con mắt ký ức (NXB Văn Học), bằng cái tên của ta bởi trong ta cũng rào rạt những mầm xanh tuổi dại.
Người thơ Thục Linh đã hơn một lần thấu hiểu tình huống tương chiếu này, trong khi bồi hồi mở và tần ngần khép cánh cổng khu vườn thơm của mình.
Đó là một tương chiếu kép. Với bên trong một mình ta (phải không Mắt Nhỏ?) và với bên ngoài, những ai luôn chăm chú hân thưởng vẻ đẹp trần gian. Với hôm qua, mạch nước ngầm trong vắt. Và với hôm nay nắng cháy trên đầu.
Trong không gian tương chiếu này, Mắt là nhân vật chính. Vì sao là Mắt? Đi trên lối mòn của chữ, ta có thể dùng Kỷ niệm (tuổi thơ). Quen với tư duy sinh thái, ta có thể chọn Giọt sương (ký ức). Nhưng phải chăng kỷ niệm thì khuôn định và ít nhiều tĩnh tại, Giọt sương thì long lanh trong lắng đọng, còn Mắt thì sống động và luôn kiếm tìm?
Một tĩnh đã thành động, một sự kiện trở thành thân xác, một bên ngoài trở thành bên trong, một đối tượng đã thành chủ thể. Khi ký ức đã hóa thân thành mắt nhìn thì ký ức không chìm khuất trong sương mù quá khứ, ký ức có mặt hôm nay, và thế là chú bé không bao giờ rời bỏ người đàn ông đã lớn.
Bốn mươi ba đoản văn này, nhỏ nhoi mà lấp lánh, thoáng nhẹ mà lay tỉnh, là bốn mươi ba Nhiên khúc (Nature song) bảng lảng chất thơ. Chúng chảy theo con suối văn chương có tự ngàn xưa, in bóng dáng nhiều khuôn mặt mà ta yêu mến: Rabindranath Tagore, Juan Ramón Jiménez, Antoine de Saint-Exupéry…, khiêm nhường góp vào một đường nét Việt.
Sẽ khó quên những lời thủ thỉ này: "Nó muốn gửi lời chào, một lời chào khác biệt đến từ một kẻ mơ hồ thấy mình khác biệt. Ta thương sự khác biệt ấy biết bao nhiêu" (Thằng chăn bò, tr.34). "Ta và ngươi là những bóng ma nhé Mắt nhỏ, quá giang về tươi xanh, quá giang về hạnh phúc, quá giang về sự thấu hiểu thế giới này, rồi chẳng để làm gì cả, chỉ để biến mất" (Ma, tr.112)
Đọc Những con mắt ký ức, lòng tự hỏi: Đôi chân nhỏ nào đã thẩn thơ trên mảnh đất quê nhà Phan Rang? Đôi mắt non tơ nào đã háo hức ngắm nhìn thế giới quanh mình?
Trái tim nào đã chan chứa niềm thương và biết ơn? Phải chăng ân sủng của đất trời đã rót vào một lần rồi trở thành mãi mãi, nuôi dưỡng và soi sáng hồn ai?
Xin nhìn vào con mắt ấy một lần, để nhận ra rằng: Mưa lành sẽ tưới tắm đất hạn; hương đất đai cỏ cây quê xứ sẽ nuôi dưỡng hồn người; những cánh hoa bồ công anh sẽ bay vào mênh mông với đôi môi của gió; và màu xanh bất tuyệt trong đôi mắt sẽ làm lòng ta trẻ mãi, tràn đầy hy vọng…
Xem thêm