'Nổi điên' với con
TTO - Nhiều cha mẹ mặc dù trang bị "đầy mình" kiến thức nhưng trong quá trình nuôi dạy con vẫn xung đột dữ dội với con chỉ vì những cảm xúc tiêu cực. Có nhiều bậc cha mẹ cảm thấy ân hận sau khi "nổi điên" với con, nhưng kịch bản cứ thế tái diễn.
Dự tính "chị chăm em" nên đợi khi bé Bơ được 7 tuổi vợ chồng chị Huyền (quận Bình Thạnh, TP.HCM) mới có thêm cu Tin. Tính già hóa non, giờ đây họ "sắp điên" khi hằng ngày phải "chiến đấu" với hai đứa con "nổi loạn".
"Chuyện gì không vừa ý là con giãy nẩy, khóc la, có khi còn đánh lại ba mẹ", chị Huyền kể về cu Tin.
Bé Bơ (10 tuổi) cũng hay lướt TikTok, ngồi học bài nhưng chat với bạn. Dạo gần đây Bơ còn lấy đồ xài không cất lại, bàn học lộn xộn, ở dơ... Chị Huyền kể có khi chuyện nhỏ xíu mà Bơ cứ làm dữ lên, lại còn hay cãi lý và chỉ trích cha mẹ. "Ngày nào tôi cũng phải la mắng hai đứa", chị thú nhận.
Cha mẹ cần chịu trách nhiệm với những cảm xúc tiêu cực của chính mình, và quản lý cảm xúc là kỹ năng cần học và rèn mới có.
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy
"Món quà" trên tay cha mẹ
Không riêng gì chị Huyền, nhiều cha mẹ cũng thường xuyên "nổi điên", dẫn tới la mắng và thậm chí đánh con, từ đó khoảng cách với con ngày càng xa mà bầu không khí gia đình cũng ngột ngạt. Khi chuyên viên tâm lý hỏi điều gì khiến họ "nổi điên", các cha mẹ thường kể dông dài về các tình huống con gây khó chịu cho mình. Nhưng tựu trung chỉ vài lý do: con cãi lời, con không làm theo yêu cầu hoặc hướng dẫn của cha mẹ, con lớn tiếng hoặc hỗn hào với cha mẹ...
Về các lý do trên, tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân phân tích: "Nhiều cha mẹ nghĩ rằng con do mình sinh ra, nuôi lớn và hiện vẫn phụ thuộc mình nhiều mặt, lại còn nhỏ tuổi, thiếu kiến thức và trải nghiệm cuộc sống nên con cần vâng lời cha mẹ. Chính nhu cầu khẳng định vị thế "bề trên bảo bọc con" khiến cha mẹ dễ có xu hướng áp đặt, ra lệnh con và cũng dễ tức giận khi con hành xử không như họ mong muốn".
Còn theo tiến sĩ Phạm Thị Thúy, tuy con cái gây tác động xấu đến cha mẹ nhưng thái độ của cha mẹ đối với sự việc là của... cha mẹ, từ đó có cảm xúc tích cực hoặc tiêu cực. Để minh họa, bà Thúy kể câu chuyện: Có chàng trai nọ đến trước mặt nhà thông thái la hét, chửi mắng thậm tệ nhưng ông ấy vẫn điềm nhiên. Đến lúc anh này mệt đừ, nhà thông thái mới nói: "Nếu ai đó trao cho cậu món quà mà cậu không nhận thì nó vẫn còn trên tay ai?". Đương nhiên là trên tay của người trao rồi.
Thạc sĩ Hoàng Thanh Linh, giám đốc Chương trình phát triển kỹ năng Thành Nhân, liệt kê một số cảm xúc tiêu cực phổ biến: lo lắng, sợ hãi, cáu gắt, tức giận... Theo ông Linh, cảm xúc tiêu cực gây ra hậu quả lớn hơn ta vẫn nghĩ bởi không chỉ gây hại sức khỏe thể chất mà tùy mức độ còn khiến ta căng thẳng, mất tập trung, mất động lực sống, hành xử bạo lực, lạm dụng chất, giết người, tự sát... và phá vỡ các mối quan hệ xung quanh mà đặc biệt là với con cái.
Làm "người mẫu" của con
Tại chuyên đề "Về nhà học con", một người mẹ kể từng tức giận khi con quyết liệt phản đối chuyện cấm con đi chơi. Ông Quân gợi ý: "Cảm xúc dựa trên suy nghĩ, chị thử suy nghĩ khác đi: mình cần đồng hành để dạy con chứ không cần thể hiện uy quyền cha mẹ, và đúng là con có quyền vui chơi". Khi đó, thay vì "nổi điên" thì mẹ sẽ trao đổi với con về nội dung và thời lượng vui chơi giải trí sao cho hữu ích, phù hợp. Còn nếu chưa làm được vậy, theo ông Quân, người mẹ cần tạm tách rời khỏi tình huống để tránh có hành vi tiêu cực với con.
Trong một buổi huấn luyện, ông Linh bày trò "chia hình" theo mức độ phức tạp tăng dần. Đến lượt thứ tư, tấm hình vuông vức và chỉ cần gạch các đường song song là chia thành bảy phần bằng nhau nhưng học viên cứ loay hoay. Rõ ràng, có khi chuyện rất đơn giản nhưng ta cứ nghĩ phức tạp.
Ngoài ra, kinh nghiệm sống cũng khiến ta bị "đóng khuôn" trong nhìn nhận sự việc. Theo ông Linh, suy nghĩ "đơn giản hóa" và "ngoài khuôn khổ" có thể giúp triển nở các cảm xúc tích cực.
"Chị thấy được gì vậy?" - ông Linh vừa đặt câu hỏi vừa đưa bức tranh vào sát mặt một người mẹ. Dù cố hết sức nhưng chị này chẳng thấy gì rõ ràng. Nhưng khi bước lùi về phía sau, chị dễ dàng mô tả nội dung bức tranh. Ông Linh giải thích phương pháp tư duy S.O.S: Trước tiên là bước lùi (Stand back), tiếp theo là quan sát (Observe) các suy nghĩ của mình và cuối cùng là "lái" (Steer) tâm trí để chủ động tạo ra các suy nghĩ tích cực, từ đó có cảm xúc và hành vi tích cực.
Còn theo ông Quân, việc quản lý không tốt cảm xúc của mình có thể phá hủy thành quả dạy con mà cha mẹ mong đợi. Ông nhắn gửi: "Cha mẹ cần hơn hẳn con về kỹ năng này, để quá trình đồng hành với con không bị đứt gãy mà con cũng có hình mẫu để noi theo".
Xem thêm