Sài Gòn
TTO - Trước những ngày Sài Gòn có quyết định tháo dỡ dần các hàng rào phong tỏa cứng, người viết đã có một cuộc dạo quanh nhìn lại hình ảnh thành phố.
Những biến dạng khó quên
Những đại lộ trung tâm vắng vẻ. Những cửa hiệu trung tâm đóng kín. Nhiều mảng tường cỏ rêu loang nham nhở. Các bảng hiệu phủ xanh dây leo sau hơn bốn tháng không sáng đèn. Sự gỉ sét đang lan đi trên những cửa khóa nhiều ngày không được mở.
Gây sững sờ đến chết lặng khi trước mặt tôi là khoảng sân lát đá của Bưu điện thành phố - nơi hằng ngày có đông người qua lại, chụp ảnh lưu niệm - bây giờ, đám cỏ dại đã lên xanh. Bạn có thể giật mình bởi một tiếng đập cánh chim bồ câu trên khoảng không trống vắng của nhà thờ Đức Bà.
Cạnh đó, đường sách Nguyễn Văn Bình vẫn chìm trong không khí tịch lặng. Hàng me hằng ngày cho bóng mát con lộ thanh nhã và duyên dáng nhất Sài Gòn đổ bóng rũ buồn trên những kiôt im ỉm đóng.
Đi vào các khu dân cư trung tâm ở quận 1, quận 3 là một hình ảnh Sài Gòn biến dạng nhiều hơn. Hẻm - đặc thù của cuộc sống văn hóa lối sống của cư dân bao đời - đã thay đổi. Thay cho cảnh đi lại mua bán, hỏi han, tiếng rao, người xe qua lại... là chốt chặn, các rào làm bằng nhiều chất liệu từ thùng xốp, kẽm gai, trụ bêtông dựng lên... chia vụn theo từng đơn vị phong tỏa.
Và cái cảnh bên ngoài các anh shipper gọi, bên trong cư dân đến nhận hàng, hai bên giao dịch bằng cách vói tay qua các ô nhỏ đầy gai sắc bén sẽ là nỗi ám ảnh khó quên về thời kỳ này.
Quả thật, điều khó ngờ nhất đã xảy ra với Sài Gòn trong hơn 160 ngày đã qua, khiến cuộc sống mỗi thị dân bị đảo chiều. Nhìn lại, hoàn toàn có thể hiểu rằng những sang chấn đó không chỉ đến từ virus của đại dịch mà còn đến từ những tác nhân khác. Sẽ cần một khoảng lùi nữa mới có thể soi tỏ tường tận rồi rút tỉa kinh nghiệm xương máu cho hậu sinh.
Hồi phục "cảnh trí tinh thần"
Khi thành phố thận trọng mở cửa, chúng ta đừng quên rằng cả nước đã có gần 20.000 người đã mãi mãi không còn trở lại nhịp đời quen thuộc nữa. Mất mát và sang chấn còn thức đâu đó trong tâm trí bạn bè, đồng nghiệp, gia đình, con cái họ.
Thời gian qua, tin tức về những cái chết của con người chóng vánh tới nỗi ta chưa kịp quen với từng sự vắng mặt. Vậy thì bây giờ, khi nối lại những tương tác xã hội, chắc chắn cảm giác hẫng hụt mất mát sẽ rõ ràng hơn, buộc ta phải tin rằng những người ra đi đang cần ở những kẻ sống sót một năng lực thích ứng và bước về phía trước.
Một bình thường mới khác thường. Sài Gòn vui vì những giới tuyến tạm bợ và thủ công "vùng xanh, vùng đỏ" ngăn cách được tháo gỡ dần, nghĩa là vơi đi một phần tâm lý nặng nề.
Sài Gòn sẽ ít biến dạng hơn, khi cuộc sống phố xá trở về với xe cộ ngược xuôi, các con đường cửa hiệu thôi hiu quạnh. Nhưng cũng cần hiểu rằng những động thái nhích dần đến bình thường mới đang được cân đo, điều chỉnh, thích ứng từng li trên các biểu đồ chỉ số còn nhảy múa phức tạp.
Một bình thường mới đúng nghĩa bất định, khi mà "mở cửa bền vững" là một khái niệm chưa thể có lời giải xác quyết. Trong những bệnh viện dã chiến, các bác sĩ, nhân viên y tế vẫn quay cuồng với phận sự cứu người trở nặng, chưa được phép thư giãn nghỉ ngơi ngày nào.
Nguồn nhân lực y tế, tình nguyện viên các địa phương từ Bắc chí Nam dành cho Sài Gòn vẫn chưa an tâm kéo vali rời đi. Các bệnh viện dã chiến vẫn còn đó, trong những kịch bản rình rập, sẵn sàng cho các trạng huống bất thường có thể xảy đến.
Nhiều trường học vẫn còn được dùng làm khu cách ly điều trị bệnh tập trung. Trong mỗi gia đình, cha mẹ dù đã chích ngừa đủ hai liều vắc xin vẫn phải nhắc nhở nhau giữ gìn để không trở thành ký chủ mang virus về nhà cho con cái, cha mẹ già...
Nhìn rộng ra đời sống kinh doanh, những chủ công ty sống còn sau một đợt sóng khủng khiếp của dịch bệnh, trụ lại trên một thương trường vừa vắng bóng hơn 80.000 doanh nghiệp (tính từ đầu năm tới nay) thì vẫn hàng giờ cố níu giữ niềm tin vào nguồn nhân lực vốn đã thu hẹp hết mức có thể.
"Người còn thì của còn". Nhưng thâm tâm ai cũng hiểu rằng để hồi phục như cũ thì không thể ngày một ngày hai, thậm chí phải mất một thời gian rất dài cho việc kiện toàn lại bộ máy, tổ chức lại nguyên liệu sản xuất, hàn gắn lại thị trường dịch vụ...
Cần phải đối diện với điều này: tuy mở cửa từng bước nhưng sức khỏe của nền kinh tế vẫn chưa thoát được hoàn toàn khỏi trận "đại sang chấn" làm nên các hiệu ứng domino đầy khốc liệt.
Nhưng người còn thì của còn. Của cải ở đây chính là phần tài sản nhân lực làm nên sức mạnh của mỗi doanh nghiệp. Nói một cách phổ quát, câu nói ấy giúp mỗi người quay lại với trọng tâm con người; lấy sự sống, văn hóa tái thiết và khao khát hàn gắn, thịnh vượng muôn thuở của con người làm cốt lõi. Điều đó sẽ làm nên sức sống tinh thần của một thành phố sau những ngày tháng chao đảo khó khăn.
Thành phố cần được chăm sóc trở lại từ nội lực văn hóa mạnh mẽ. Những con đường, lòng hẻm đang chờ được tháo gỡ hoàn toàn khỏi các giới tuyến, chốt chặn. Những cửa nhà cần được gỡ bảng phong tỏa trong một tư duy và văn hóa tiếp cận dịch bệnh khác đi.
Những bờ dây leo dại trên các hộp đèn cửa hiệu, những tường rêu, những khoảng sân đầy cỏ cần được quét tước, dọn dẹp; không gian sinh hoạt cộng đồng ngoài trời được chăm chút và kiểm soát bằng những ý hướng sáng sủa. Những cư dân của thành phố cần được trao lại niềm tin sau những ngày thúc thủ trong biết bao xáo trộn, âu lo và tai ương mất mát.
Cảnh trí văn hóa khỏe mạnh trong tinh thần mỗi thị dân cũng là thứ kháng thể cần thiết cho một cuộc hồi sinh của cộng đồng và thành phố.
Xem thêm