Số hóa nông nghiệp ở Việt Nam đang tới đâu?

05/01/2023 | 360 |

Chuyển đổi số trong nông nghiệp không thể là quyết định nóng vội và nửa vời, bởi đó là quá trình lâu dài và bền bỉ trong nhiều năm liền. Quá trình này cần được xây dựng từng bước một với từng mục tiêu cụ thể.

Lộ trình số hóa của Happy Vegi

Tháng 9-2022, vườn rau 5.000 mét vuông gần sân bay Tân Sơn Nhất của thương hiệu rau Happy Vegi thuộc Công ty Hương Đất đóng cửa, trả mặt bằng. Vườn rau có diện tích nhỏ nhất của Hương Đất cũng hoàn thành sứ mệnh: Mô hình chuyển đổi số cho chuỗi sáu vườn rau hữu cơ của Hương Đất ở TPHCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đắk Nông, Kontum và Phú Yên.

Giám đốc Nguyễn Thị Quỳnh Viên của Hương Đất tình cờ “bén duyên” với nghề nông từ năm 2010 khi theo đuổi một đề tài nghiên cứu khoa học. Nhưng mãi đến năm 2017, bà và các cộng sự tại Hương Đất mới bắt đầu nghĩ đến số hóa quá trình canh tác tại các vườn. “Đó là khi chúng tôi nhận ra canh tác như trước đây khó có thể phát triển hơn nữa. Đầu tiên chúng tôi đưa nhật ký đồng ruộng lên ứng dụng, nhưng việc nhập liệu hoàn toàn do một nhân viên nhập từ các bản giấy của công nhân trong vườn nộp. Người tiêu dùng có thể đọc được các thông tin sau khi quét mã QR trên sản phẩm”, Giám đốc Hương Đất chia sẻ tại diễn đàn kinh doanh Mekong Connect 2022 diễn ra ở Cần Thơ tuần rồi.

Nhưng bước đi đầu tiên đó không thể đáp ứng nhu cầu quản trị sản xuất trong tương lai của Hương Đất như lập kế hoạch sản xuất, quản lý và giám sát… Hương Đất phải số hóa đến 50 quy trình. Mãi đến ba tháng sau, mọi việc mới nhuần nhuyễn. Doanh số sau giai đoạn hai tăng gấp tám lần, nhưng đến lúc này khâu vận chuyển lại là vấn đề mới.

Quãng đường đưa rau từ vườn về TPHCM dài nhất là hơn 600 cây số, chở xe mất hơn 14 tiếng đồng hồ rồi. Hương Đất đặt mục tiêu là từ lúc nhận đơn đến khi rau có mặt trên kệ siêu thị, bảo đảm tươi ngon là 24 tiếng.

Số hóa đã giúp giảm thời gian các khâu điều phối, thu hoạch, kiểm tra chất lượng, đóng gói và vận chuyển còn 20 tiếng, vượt bốn tiếng so với dự định ban đầu. Đào tạo nhân viên thông qua ứng dụng và quy trình quản lý tài chính là những công việc sau đó. “Xem như hiện chúng tôi đã hoàn tất số hóa 100% quy trình sản xuất của doanh nghiệp”, nữ giám đốc nói.

Bền chí và lâu dài

Câu chuyện của doanh nghiệp nhỏ này cũng cho thấy thách thức lớn của nền nông nghiệp Việt Nam. “Đầu tiên, chuyển đổi số là bài toán có quá nhiều biến số, mỗi tham số có biến động thì cách giải và đáp án là khác nhau. Kế đến là tư duy của người làm nông”, theo lối giải thích của bà Quỳnh Viên.

Chi phí mới là biến số mà không phải ai cũng dám đối đầu, đặc biệt là nông dân và doanh nghiệp nhỏ. Bà Quỳnh Viên kể ban đầu Hương Đất phải thuê chuyên viên công nghệ bên ngoài, nhưng sau hai năm thì phải nhờ cậy người quen là chuyên viên của FPT.

“Nói thật, chúng tôi không thể trả lương theo ngày hay theo tháng cho kỹ sư lập trình cao cấp một thời gian dài. Nếu không nhận tài trợ khoảng 1 tỉ đồng từ một dự án số hóa trong nông nghiệp tại Việt Nam của Úc năm 2020, thì công cuộc số hóa của Hương Đất không suôn sẻ”, nữ giám đốc trao đổi với Kinh tế Sài Gòn.

Cho đến giờ, Hương Đất có khoảng 30 loại rau hữu cơ thương hiệu Happy Vegi bán cho các cửa hàng và hệ thống siêu thị như Emart, Aeon, CoopXta, Go, TopsMarket, Big C… Hương Đất vẫn dùng từ “vườn rau” thay cho “trang trại rau” bởi diện tích của các vườn vẫn tính bằng mét vuông, chứ chưa đến héc ta. Vườn rau mới đóng cửa gần Tân Sơn Nhất và vườn ở Bà Rịa – Vũng Tàu có cùng diện tích 5.000 mét vuông. Lớn hơn thì có diện tích 10.000 – 18.000 mét vuông mỗi vườn, và lớn nhất là vườn ở Măng Cành, Kon Tum có diện tích 42.000 mét vuông.

Nền nông nghiệp Việt Nam vẫn mang tính nhỏ lẻ với 70% số trang trại có diện tích dưới 2 héc ta. Việt Nam có những cánh đồng nhỏ nhất trên thế giới với diện tích trung bình chỉ 0,4 héc ta – tức nhỉnh chút so với vườn rau nhỏ nhất của Hương Đất. Số nông dân có sức làm và chịu làm như Hương Đất có được mấy người?

Chính sách cho nền nông nghiệp mới

Tại Mekong Connect 2022, Đồng Tháp được nhắc đến là nơi “đi sớm hơn so với các địa phương khác trong chuyển đổi số ngành nông nghiệp”. Trong nhiều năm qua, tỉnh đã phối hợp với công ty Rynan Technologies trong kế hoạch ba bước: số hóa dữ liệu, số hóa quy trình và quản lý số. Hiện mọi việc đang ở bước hai. Rynan đã xây dựng các ứng dụng kiểm soát sâu rầy, đo độ phèn, độ mặn… Đầu năm 2023, công nghệ quản lý nước lũ sẽ được tích hợp.

Số hóa là chặng đường phải đi bởi đó là một phần trong nền nông nghiệp công nghệ cao mà Việt Nam đang lên kế hoạch theo đuổi. Nhưng lộ trình này chắc chắn là con đường chông gai bởi nông nghiệp công nghệ cao không chỉ đơn giản là chỉ xây dựng các app rồi xong. Đó là sự tổng hợp của nhiều yếu tố như công nghệ Internet vạn vật (IoT), block chain, công nghệ sinh học, di truyền, phân tích hệ gen, nuôi cấy mô…

Việt Nam hiện có 12 khu vực được quy hoạch để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trong quá trình soạn nghị định hỗ trợ vốn và lãi suất cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và vùng hẻo lánh.

Các công ty thực hiện chuyển giao công nghệ cao, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và phát triển thị trường sẽ được ngân sách nhà nước cấp nhiều nhất là 1,5 tỉ đồng mỗi lĩnh vực. Mỗi dự án đầu tư chăn nuôi như trâu, bò, heo, cừu cũng có thể được cấp 10 tỉ đồng.

Với mức hỗ trợ khiêm tốn như vậy, khó lòng nông dân hay doanh nghiệp kiên trì theo đuổi chuyển đổi số như Hương Đất – như lời thừa nhận của bà Quỳnh Viên.

Xét tổng thể, Lâm Đồng được xem là địa phương dẫn đầu cả nước về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhưng hiện vẫn còn gặp nhiều trở ngại, đặc biệt là việc kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.

Lâm Đồng đã chỉ ra các nguyên nhân như chi phí đầu tư lớn, cần diện tích đất lớn, dự báo thị trường chưa sát, giá thành sản xuất còn cao… Mà sâu hơn, các thành tố này lại là hệ quả của công tác quản lý nhà nước về trật tự nông nghiệp, quản lý quy hoạch chưa bảo đảm, dẫn đến tình trạng phát triển tự phát, thiếu tôn trọng quy định về sở hữu trí tuệ.

Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cần phải phát huy mối liên hệ hỗ tương giữa nông dân, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và nhà đầu tư. “Ngay cả với nền nông nghiệp hiện đại của Israel cũng cần đến vốn đầu tư nước ngoài và con số này lên đến 50%”, cựu Đại sứ Israel tại Việt Nam Nadav Eshcar phát biểu tại Mekong Connect 2019.

Công nghệ cao “made in Vietnam”

Tại Mekong Connect năm nay, Tiến sĩ Lương Việt Quốc của RealTime Robotics (RTR) nói công ty ông chế tạo drone quốc phòng và giám sát an ninh cho thị trường Mỹ. Ông cho biết RTR sẽ tập trung làm drone nông nghiệp, cụ thể là khám bệnh và chữa bệnh cho cây trồng.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Uyên – hiện giảng dạy tại Đại học Quốc tế – cho biết nhóm của ông từng dùng drone để chữa bệnh cho 1.000 héc ta chuối của một trang trại ở Việt Nam chỉ trong một đêm. Doanh nghiệp này không tin rằng drone có thể định bệnh chính xác nhanh đến vậy. Tuy vậy, giá công nghệ quá cao khiến nông dân và doanh nghiệp nhỏ khó lòng kham được.

“Bởi vậy, chúng tôi nhập khẩu, học hỏi công nghệ các nước rồi về điều chỉnh lại cho phù hợp với nhu cầu trong nước. Chúng tôi thực hiện công việc R&D (nghiên cứu và phát triển) là chủ yếu”, ông nói.

Nhưng thường có rất ít các đơn hàng cụ thể như vậy. Theo yêu cầu của nhiều công ty, nhóm của Tiến sĩ Uyên đã từng dùng công nghệ quang phổ để phát hiện vải giả, rượu giả, trái cây còn dư lượng thuốc sâu. Ít doanh nghiệp quan tâm chuyện phân bón giả hay thức ăn cho cá bị giả.

Và giá bản quyền các công nghệ của ông hiện không quá đắt. “Singapore thiếu đất nên họ trồng nấm trong các container. Một doanh nghiệp Singapore trồng nấm đã liên lạc chúng tôi vì không thể diệt được nấm có trong nước tưới. Công nghệ plasma có thể diệt được các bào tử nấm có hại trong nước, bảo đảm nước tinh khiết như nước trong phòng mổ. Họ trả tiền bản quyền 25.000 đô la Mỹ thôi nhưng giải được bài toán đau đầu về chất lượng sản phẩm và năng suất”. Và một câu hỏi mới xuất hiện: “Liệu có doanh nghiệp trồng nấm nào ở Việt Nam đủ sức chi 500-600 triệu đồng để có nước tinh khiết trồng nấm?”.


Tin tức liên quan

Bình luận