Thế giới vạn biến không có chỗ cho sự bảo thủ
(TBKTSG) - LTS: Đầu năm 2021 tới đây, TBKTSG tròn 30 năm kể từ khi thành lập (4-1-1991 - 4-1-2021). Suốt gần 30 năm qua nhóm TBKTSG luôn kiên trì với tôn chỉ mục đích được xác lập từ ngày đầu thành lập, đó là Ủng hộ và đóng góp vào tiến trình đổi mới của đất nước; Ủng hộ vô điều kiện các doanh nghiệp làm ăn chân chính và góp phần xây dựng đội ngũ doanh nhân của thời kỳ đổi mới
'Thế giới vạn biến không có chỗ cho sự bảo thủ' | |||||
(TBKTSG) - LTS: Đầu năm 2021 tới đây, TBKTSG tròn 30 năm kể từ khi thành lập (4-1-1991 - 4-1-2021). Suốt gần 30 năm qua nhóm TBKTSG luôn kiên trì với tôn chỉ mục đích được xác lập từ ngày đầu thành lập, đó là Ủng hộ và đóng góp vào tiến trình đổi mới của đất nước; Ủng hộ vô điều kiện các doanh nghiệp làm ăn chân chính và góp phần xây dựng đội ngũ doanh nhân của thời kỳ đổi mới. Nhân dịp 30 năm nhìn lại, TBKTSG thực hiện loạt bài viết về một số trong những doanh nghiệp đã trưởng thành trong thời kỳ đổi mới và sự thành công đó mang dấu ấn đậm nét của một thế hệ các doanh nhân tài năng - những doanh nhân của thời kỳ đổi mới. Đây cũng là những doanh nhân đã đồng hành và là độc giả của TBKTSG từ những ngày đầu.
TBKTSG: Hành trình của TTT cũng đã thấm thoát 29 năm. Nhìn cách nào đó, TTT sinh ra, lớn lên và trưởng thành trong giai đoạn gắn với đổi mới và mở cửa. Nhìn lại chặng đường đã qua, đâu là cột mốc kinh tế đáng nhớ tại TTT? - Ông Lê Bá Thông: Tôi nhớ một kỷ niệm tạo sự đột phá cho TTT trên thị trường trang trí nội thất, đó là vào năm 1994, tức sau khi TTT thành lập được hai năm. Nhờ chính sách mở cửa giao thương của kinh tế vĩ mô mà những doanh nhân trẻ như chúng tôi có nhiều dịp gặp gỡ những chuyên gia quốc tế vào Việt Nam. David Pidcok, một chuyên gia xây dựng và nội thất đến từ Úc, từ người thầy trở thành người bạn rồi trở thành thành viên TTT. Với sự hỗ trợ đắc lực này, TTT ký được hợp đồng trang trí nội thất văn phòng Nike và làm hài lòng khách hàng. Điều này giúp chúng tôi quyết định tập trung toàn lực cho một thị trường hoàn toàn mới đối với các công ty Việt Nam thời đó - thị trường trang trí nội thất văn phòng cao cấp. Lập tức, mọi công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật và sáng tạo ở TTT được tập trung cho lĩnh vực văn phòng để rồi nhận được hàng loạt giải thưởng quốc gia về lĩnh vực này. Như việc nghiên cứu, sản xuất và tung ra thị trường sản phẩm vách ngăn thấp thương hiệu “vách ngăn Caro” đã đem lại cho TTT huy chương vàng sản phẩm độc đáo của Việt Nam. Hay nhiều giải thưởng khác về thiết kế và thi công dự án văn phòng cao cấp; những giải thưởng dành cho hai quyển sách “Không gian kiến trúc thực & ảo (I và II)”... TTT đã nhanh chóng trở thành thương hiệu hàng đầu Việt Nam về các giải pháp văn phòng. TBKTSG: Nhưng sau đó người ta vẫn thấy TTT cung cấp nhiều giải pháp nội thất cho phân khúc khách sạn, nhà hàng. Điều gì đã xảy ra trong chiến lược phát triển của công ty? - Thị trường bất động sản luôn đi trước. Khi cơ hội đến với các nhà đầu tư bất động sản khách sạn thì sẽ kéo theo cơ hội cho các công ty xây dựng và trang trí nội thất. TTT không có lý do từ chối một thị trường nóng, nhất là khi đã thực sự lớn mạnh và được khách hàng tin cậy. Sau 10 năm đầu tiên, chúng tôi quay lại thị trường khách sạn với một tâm thế khác, đó là đã sẵn sàng cạnh tranh trực tiếp với những đối thủ hàng đầu. Thực tế khi tấn công vào thị trường khách sạn, chúng tôi liên tiếp nhận được các hợp đồng doanh số lớn từ các thương hiệu nổi tiếng như Sheraton, Hilton, New World, Caravelle, Pullman, Novotel..., không chỉ ở thị trường trong nước mà cả ở nước ngoài. TBKTSG: Nhưng trong chiều dài gần ba thập niên, con đường dành cho TTT đâu chỉ có hoa hồng? - Chắc chắn. Trong ba thập niên vừa qua và cùng với độ mở của nền kinh tế từng thời kỳ, tất cả chúng ta đều phải trải qua ít nhất ba cuộc khủng hoảng kinh tế lớn vào năm 1997, 2008-2011, và nay là cuộc khủng hoảng dịch Covid-19. Như hầu hết doanh nghiệp trong mạng lưới giao thương, TTT đâu tránh nổi những cơn “lốc xoáy”. Tuy vậy, thị trường nội thất văn phòng có điểm đặc biệt và cũng rất thú vị, đó là khi kinh tế càng biến động thì nó càng... chộn rộn. Ở những thời điểm kinh tế phát triển, các thương hiệu sẽ gia tăng đầu tư cho bộ mặt văn phòng để qua đó thể hiện đẳng cấp, khuếch trương thanh thế. Còn gặp lúc kinh tế khủng hoảng, sẽ có nhiều đơn vị buộc phải thu hẹp quy mô, kéo theo một chuỗi hoạt động dịch vụ phục vụ cho nhu cầu chuyển đổi văn phòng - từ lớn sang nhỏ, từ “sang chảnh” sang “liệu cơm gắp mắm”. Và như vậy, chúng tôi vẫn có việc làm. Tất nhiên, vào những thời điểm khó khăn, có những lúc doanh số của công ty tụt rất thấp.
TBKTSG: TTT đã vượt qua khủng hoảng như thế nào? - Chúng tôi quan niệm ở bất cứ giai đoạn nào, dù là vào lúc cực thịnh, bạn vẫn luôn cần cái nhìn điềm tĩnh và dài hạn cùng những dự báo và hoạch định chiến lược. Với kinh nghiệm chống đỡ từ hai cuộc khủng hoảng trước, từ cách nay năm năm, TTT đã có sự chuẩn bị để trở lại thị trường văn phòng và sau đó là một bước đi táo bạo. Đó là việc mua lại toàn bộ Công ty Sài Gòn Xanh, một đối thủ trực tiếp trong lĩnh vực nội thất văn phòng. Rồi khủng hoảng dịch Covid-19 nổ ra. Thực tế là từ đầu năm tới nay, với việc có được Sài Gòn Xanh và sự hoạt động hết công suất của bộ phận R&D (nghiên cứu - phát triển), TTT có doanh số thu về để củng cố niềm tin và nỗ lực vượt qua đợt khủng hoảng nặng nề nhất trong lịch sử 29 năm hoạt động. TBKTSG: Khi khủng hoảng kinh tế, ngoài yếu tố thị trường suy giảm thì việc chuỗi cung ứng bị rối loạn, đứt gãy đã khiến các doanh nghiệp thêm lao đao. TTT vốn có những mối quan hệ tốt đẹp với đối tác, bạn hàng, khách hàng, điều này có ý nghĩa ra sao? - Chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ là một chuỗi mắt xích mà nếu ở đó bạn xây dựng được những mối quan hệ lớn hơn là quan hệ làm ăn thuần túy, như một mối thâm tình, hay một tình bằng hữu chẳng hạn, bạn sẽ thấy “ta và chúng ta” mạnh mẽ hơn rất nhiều. Tôi xin ví dụ về mối quan hệ giữa TTT với các thầu phụ. Chúng tôi không coi thầu phụ đơn thuần là thầu phụ mà đó chính là những “chiến hữu”. Đã là chiến hữu thì vinh quang cùng hưởng, gian khổ cùng chia. Trong khủng hoảng dịch Covid lần này, hội đồng quản trị (HĐQT) công ty đã nhất trí ban hành một chính sách cam kết - dù khó khăn vẫn trả tiền đầy đủ và đúng hạn cho thầu phụ. Chúng tôi thậm chí chấp nhận chi phí lãi vay - điều mà trước nay hiếm khi TTT chịu làm, bởi chúng tôi biết trong những giai đoạn cực kỳ khó khăn như thế này, việc cam kết như vậy có ý nghĩa rất đặc biệt, ngoài giúp đảm bảo cuộc sống cho đội ngũ thầu thợ và gia đình của họ, chúng tôi không chỉ giữ được đối tác mà còn có thể cùng với họ xây dựng mối quan hệ sống chết ở chặng đường tương lai. TBKTSG: Từ cuối năm ngoái, thế hệ lãnh đạo công ty trong suốt ba thập niên qua đã lần lượt chuyển giao công việc cho những người trẻ 7X-8X. Với nhiều công ty, đây là cả quá trình thử thách cam go. Việc này ở TTT diễn ra như thế nào? - Có nhiều đồng nghiệp tỏ ra bất ngờ với quyết định giao vị trí CEO cho giám đốc công ty con Sài Gòn Xanh - mới từ bên ngoài về. Họ cho rằng vị trí quan trọng đó nên giao cho người “100% thuộc về TTT” theo nghĩa là người gốc từ công ty, từng sát cánh huynh đệ, từng trung thành chiến đấu. Nhưng HĐQT TTT không bị bó buộc vào nếp nghĩ. Chúng tôi dựa trên thực tế đào tạo, niềm tin vào con người và sự thể hiện năng lực của họ trong công việc chung. May mắn là văn hóa phân quyền ở TTT đã được hình thành ngay từ những ngày đầu và được duy trì trong suốt quá trình phát triển nên chúng tôi coi việc trao quyền là một thực tiễn tất yếu. Mặt khác, một trong những giá trị cốt lõi giúp TTT gặt hái thành công suốt thời gian qua đó là luôn tiên phong trong công nghệ. TTT luôn nghiên cứu, học hỏi, tiếp cận, ứng dụng những công nghệ mới nhất trong quản lý nguyên vật liệu, quản lý mối quan hệ, quản trị dự án, quản trị doanh nghiệp và sẽ luôn như vậy. Chúng tôi có niềm tin mãnh liệt là một khi chọn đúng và tiên phong ứng dụng công nghệ thì... không sợ “chết”! Cũng chính vì vậy mà chúng tôi tin vào lớp trẻ. Bởi tin vào lớp trẻ thì sẽ nhìn thấy những con đường mới, sẽ ứng dụng những công nghệ mới nhanh chóng, dễ dàng hơn.
|
Xem thêm