Thủ tướng giao nhiệm vụ ổn định kinh tế
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký chỉ thị số 15 ngày 16-9 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình mới.
Chỉ thị đánh giá dù trong bối cảnh khó khăn nhưng kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Moody's nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam với triển vọng "ổn định"; S&P nâng xếp hạng lên "BB+"; Fitch xếp hạng BB với triển vọng "tích cực". Nikkei Asia nâng hạng chỉ số phục hồi COVID-19 của Việt Nam lên thứ 2 thế giới.
Chủ động ổn định kinh tế vĩ mô
Tuy vậy, nhận định tình hình thế giới còn phức tạp khó lường do xung đột chính trị, nguy cơ suy thoái kinh tế, tình hình trong nước chịu áp lực lạm phát, tỉ giá, chi phí sản xuất kinh doanh gia tăng; nhu cầu các thị trường xuất khẩu truyền thống thu hẹp; thiên tai, dịch bệnh diễn biến khó lường...
Vì vậy, việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là yêu cầu vừa mang tính cấp bách vừa có ý nghĩa chiến lược. Thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm.
Bảo đảm an ninh, an toàn về tiền tệ, tín dụng, tài chính, nợ công, lương thực, năng lượng, thông tin. Nỗ lực, quyết tâm hành động cao nhất để thích ứng linh hoạt, hiệu quả với bối cảnh, tình hình mới.
Chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm người đứng đầu.
Thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch COVID-19, sẵn sàng ứng phó với các dịch bệnh mới; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Giao nhiệm vụ cụ thể từng bộ ngành
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân tích, đánh giá, dự báo tình hình thế giới, trong nước, kịp thời tham mưu giải pháp, đối sách phù hợp.
Khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ đề án về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững.
Theo dõi, đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; phân bổ vốn tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, không phân tán, dàn trải; xây dựng và hoàn thiện quy định của Luật quy hoạch.
Bộ Tài chính thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả với chính sách tiền tệ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, bảo đảm an ninh, an toàn tài chính quốc gia; quản lý chặt chẽ nợ công.
Theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, kịp thời nghiên cứu, đề xuất các giải pháp điều hành giá, các chính sách về thuế, phí và các chính sách khác, góp phần ổn định giá cả, giảm chi phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ người dân trong trường hợp cần thiết và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.
Tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để thị trường phát triển ổn định, lành mạnh, an toàn, hiệu quả.
Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả, nhất là về tỉ giá, lãi suất, tín dụng, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả với chính sách tài khóa.
Bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn hệ thống tín dụng, ngân hàng, khẩn trương xử lý ngân hàng yếu kém; tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, cùng chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp; hướng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên.
Thủ tướng giao các bộ trưởng, chủ tịch UBND các địa phương chủ động thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, tăng cường phối hợp, theo sát diễn biến tình hình, tuyệt đối không lơ là, chủ quan. Tập trung cho các chương trình giải ngân vốn đầu tư công, phục hồi và phát triển kinh tế…
Nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Bộ Công Thương và các bộ ngành khác được yêu cầu theo dõi sát diễn biến cung cầu, tình hình thị trường các mặt hàng thiết yếu, nhất là mặt hàng xăng, dầu; kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các hành vi đầu cơ, tích trữ, nâng giá, có giải pháp không để đứt gãy nguồn cung...
Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng, đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, giảm phát thải.
Đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là xuất khẩu chính ngạch gắn với tái cơ cấu ngành hàng và xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam. Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và nguồn cung lương thực, thực phẩm...
Hoàn thiện các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực bất động sản, khẩn trương hoàn thiện để trình Quốc hội Luật nhà ở (sửa đổi), Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi)...
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng. Bảo đảm vật liệu xây dựng (đất, đá, cát...) đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của các dự án, có giải pháp chống ùn tắc giao thông…
Xem thêm