'Tôi 20': Cứ làm đi
"Tôi 20 - Twenties" - cuộc thi nhằm tìm kiếm và hỗ trợ hiện thực hóa những ý tưởng dự án xã hội, hướng tới phát triển bền vững dành cho người trẻ tuổi từ 15 tới 30 - vừa trở lại sau vài năm tạm ngưng.
Tuổi Trẻ trò chuyện với Hà Duy - thủ lĩnh mùa đầu tiên và Nguyễn Ngọc Ánh - từng là tác giả của dự án thắng cuộc, nay là trưởng ban tổ chức "Tôi 20 - Twenties" 2023.
Chúng tôi được khích lệ
* Nhiều người biết Hà Duy từ dự án "Rừng Ơi" 10 năm trước, nó có ý nghĩa gì trong việc Hà Duy tiếp tục lựa chọn hành trình nâng đỡ những ước mơ của người trẻ?
- Hà Duy: Trong chuyến đi thám hiểm rừng nhiệt đới nguyên sinh ở Costa Rica năm 2013, tôi ấn tượng với những cánh rừng bạt ngàn. Tôi cứ suy nghĩ mãi rằng Costa Rica là một đất nước đang phát triển như Việt Nam, nhưng họ đã thành công trong việc bảo tồn và phát huy giá trị tự nhiên, tạo ra giá trị kinh tế bền vững. Trở về, tôi nghĩ mình phải làm gì đó và ý tưởng "Rừng Ơi" hình thành với mong muốn đưa học sinh vào rừng, gieo vào các em ý thức về rừng, về việc vì sao cần bảo vệ môi trường tự nhiên.
Thời đó, nhiều người trẻ như tôi đều từng nghĩ việc đi xin tiền, gây quỹ thực hiện dự án xã hội rất khó. Nhưng tôi cũng không ngờ ý tưởng của mình lại được ủng hộ nhiệt tình.
"Rừng Ơi" là dự án cho tôi nhiều trải nghiệm đẹp, và điều quan trọng là tôi và các bạn trẻ tham gia thực hiện dự án đều nhận ra rằng việc biến một ý tưởng tốt thành một chương trình thực tiễn phục vụ cộng đồng là điều những người trẻ như chúng tôi hoặc trẻ hơn chúng tôi có thể làm được. Đó là lý do "Tôi 20 -Twenties" ra đời song song với việc triển khai tiếp tục "Rừng Ơi".
* Vậy là các bạn trẻ có ý tưởng và "Tôi 20 - Twenties" giúp họ tự tin?
- Hà Duy: Trước "Tôi 20", trước cả "Rừng Ơi", tôi tham gia VietAbroader - một tổ chức kết nối các trường đại học quốc tế với sinh viên Việt Nam, đặt nền móng cho nhiều chương trình học bổng và trao đổi sinh viên, mở rộng cơ hội cho giới trẻ tiếp cận thông tin du học và nghề nghiệp. Khi đó, lúc bắt đầu tôi cũng nhiều bỡ ngỡ và chính các anh chị đi trước đã chỉ bảo, giúp tôi có những kỹ năng cần thiết.
Có những việc thoạt đầu nghĩ là khó, nhưng khi bắt tay vào làm với sự hỗ trợ của người khác, tôi mới vỡ lẽ nó không khó như mình tưởng. Chính trải nghiệm đó thôi thúc tôi phải giúp đỡ các bạn trẻ sau mình vượt qua chặng đầu khó khăn để biến ý tưởng thành hiện thực.
* Có nhiều chương trình đã được mở ra thu hút người trẻ đóng góp ý tưởng nghiên cứu khoa học hay các dự án vì cộng đồng. Điểm tương đồng và khác biệt của "Tôi 20 - Twenties" với các chương trình khác là gì?
- Nguyễn Ngọc Ánh: Khi "Tôi 20 - Twenties" mùa đầu tiên triển khai, tôi đang là sinh viên. Điều khiến tôi chú ý đến "Tôi 20 - Twenties" vì số tiền được trao cho dự án thắng cuộc không phải là phần thưởng dành cho các tác giả, mà chi cho dự án ở giai đoạn đầu. Có nghĩa việc trao giải không chỉ để vinh danh và dừng lại, mà đó mới là khởi đầu.
Cùng với kinh phí hỗ trợ, nhóm trẻ trong đội thắng cuộc sẽ được tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ về nhiều mặt từ quan hệ đối nội, đối ngoại, các kỹ năng làm việc nhóm, xử lý khó khăn phát sinh.
Khi bắt đầu một dự án, người trẻ như chúng tôi từng thiếu kinh nghiệm và sự tự tin. Nhưng với sự sát cánh của "Tôi 20", chúng tôi đã được khích lệ "cứ làm đi, đừng sợ".
Giá trị sinh ra giá trị
* Trong số những dự án thắng cuộc ở "Tôi 20 - Twenties" mùa đầu tiên, "Chèo 48h - Tôi chèo quê hương" là một dự án khá đặc biệt vì đã chạm đến cái rất khó là kéo người trẻ đến với nghệ thuật truyền thống. Các bạn đã làm thế nào khi không còn "phao cứu sinh" của "Tôi 20 - Twenties"?
- Nguyễn Ngọc Ánh: Chúng tôi là những người đăng ký dự thi đơn lẻ được ban tổ chức ghép thành đội nên người Nam, kẻ Bắc. Và tất cả đều chưa biết mình đã chọn một đề tài quá khó. Không biết nên không biết sợ. Khi đó có những khái niệm về chèo về xẩm còn chưa thể tìm thấy trên Google.
Năm đầu tiên, chúng tôi có số tiền hỗ trợ của "Tôi 20 - Twenties" và sự hỗ trợ của các nghệ sĩ, chúng tôi tổ chức được một số khóa học các bộ môn chèo, xẩm, chầu văn cho các bạn học sinh, sinh viên. Ngoài ra tổ chức được một số chương trình trải nghiệm nghệ thuật dân gian và duy trì được sang năm thứ hai.
Nhưng từ năm thứ ba, dự án thực sự gặp khó khi bắt đầu phải tự bơi. Chúng tôi phải gây quỹ, nhưng việc xin tài trợ cho dự án về nghệ thuật truyền thống rất khó. Các doanh nghiệp không nhìn thấy lợi ích và có lẽ chúng tôi chưa đủ sức để gây dựng niềm tin ở các nhà tài trợ. Chúng tôi đã phải bỏ tiền túi ra để duy trì hoạt động. Tôi nghĩ nhiều bạn trẻ tham gia các dự án cộng đồng sẽ như chúng tôi, dễ bị ngã gục trước khó khăn ở năm thứ ba.
* Nhưng vì điều gì mà đội của bạn đi tiếp?
- Nguyễn Ngọc Ánh: "Tôi 20 - Twenties" đã đưa chúng tôi, những người có chung suy nghĩ và khát vọng, đến bên nhau. Đó là sức mạnh khiến chúng tôi không muốn bỏ cuộc. Thay vì tìm nguồn tài trợ, chúng tôi nghĩ cách tự sống bằng hoạt động của mình.
Chúng tôi thu 50.000 đồng/buổi học và may mắn là rất nhiều bạn trẻ sẵn sàng bỏ tiền để được biết về nghệ thuật truyền thống, để học hát, múa, chơi nhạc cụ dân tộc. Những "diễn viên" đi ra từ dự án lại quay lại tham gia các chương trình biểu diễn, gala. Chúng tôi mở được nhiều sân khấu nhỏ cũng nhờ vào đội ngũ trẻ đó. Các buổi biểu diễn thu được tiền, của cả khách trong nước và khách du lịch nước ngoài.
Chúng tôi đã cùng nhau tổ chức hơn 20 khóa học các bộ môn chèo, xẩm, chầu văn và hơn 60 chương trình trải nghiệm. Các khóa học và sự kiện được tổ chức cả online và offline, thu hút sự tham gia của gần 500.000 học viên và khán giả trong độ tuổi từ 6 - 30 là học sinh sinh viên trong nước, du khách nước ngoài...
* Đằng sau những con số thuyết phục minh chứng cho một dự án thắng cuộc, các bạn đã thu nhận và chứng kiến thế nào về sự hình thành những giá trị gì khác?
- Hà Duy: "Tôi 20 - Twenties" trở lại vào năm nay và những bạn trẻ từng là người thắng cuộc ở mùa đầu giờ đây lại thay tôi trực tiếp tổ chức để lựa chọn và hỗ trợ các bạn trẻ hơn dấn bước vào các dự án mang lại lợi ích cho cộng đồng, cùng hướng đến sự phát triển bền vững. Đó là một điều đặc biệt.
Có những em nhỏ tham gia "Rừng Ơi" ngày nào nay đã là những người tích cực tham gia các dự án xã hội. Tôi vui khi nhìn vào các bạn trẻ đang tiếp nối công việc mình đã làm. Giá trị kế tiếp đối với những người đã tham gia "Tôi 20 - Twenties" không chỉ là kết quả của dự án mà là những thay đổi và trưởng thành trong mỗi người.
- Nguyễn Ngọc Ánh: Trải nghiệm trong những dự án mang lại lợi ích cho cộng đồng giúp tôi tìm thấy ý nghĩa trong công việc. Điều đó khiến tôi bước qua khó khăn và có nhu cầu hỗ trợ người khác có chung lựa chọn.Tôi cũng có cơ hội gặp nhiều người, nhận từ họ năng lượng tích cực. Đó là giá trị.
Tôi nghĩ việc định hình một hệ giá trị như thế nào sẽ quy định lựa chọn, khiến ta thay vì rẽ bên này thì sẽ đi lối bên kia. Cá nhân tôi thấy may mắn khi lựa chọn lối đi mà tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc.
■ Hà Duy tham gia hoạt động cộng đồng khi còn là du học sinh ở Mỹ. Năm 2013, Hà Duy phát động dự án "Rừng Ơi" với mong muốn nâng nhận thức của giới trẻ về tầm quan trọng của môi trường và tình yêu thiên nhiên. Dự án thu hút 2.000 học sinh mỗi năm. Năm 2018, Trung tâm Phát triển sáng kiến cộng đồng và môi trường tiếp nhận và vận hành dự án.
Cũng năm 2013, Duy đồng sáng lập "Tôi 20" - tổ chức các dự án vì cộng đồng Việt Nam và duy trì cho đến nay. Hà Duy cũng được biết đến là người sáng lập Race Vietnam, đồng tổ chức giải marathon phong trào chuyên nghiệp đầu tiên tại Hà Nội - Longbien Marathon. Đây là một trong bốn giải marathon lớn nhất Việt Nam, thúc đẩy phong trào chạy bộ.
■ Nguyễn Ngọc Ánh là trưởng ban tổ chức "Tôi 20 - Twenties" 2023. Cô hoạt động công tác xã hội khi còn đang là sinh viên Trường đại học Hà Nội. Năm 2014, Ngọc Ánh đồng sáng lập dự án "Chèo 48h" - dự án thắng cuộc của "Tôi 20 - Twenties", chuẩn bị bước sang năm hoạt động thứ 10. Năm 2019, Ngọc Ánh cùng các nghệ sĩ khởi động chiến dịch "Vì 1 triệu cây tre Việt", với mục tiêu trồng những cánh rừng tre phủ xanh Việt Nam.
"Tôi 20 - Twenties" với tiêu chí khả thi, ý nghĩa xã hội, lan tỏa
"Tôi 20 - Twenties" là một tổ chức phi lợi nhuận thành lập vào tháng 9-2013 và được điều hành bởi một nhóm sinh viên và du học sinh Việt Nam, nhằm tìm kiếm và hiện thực hóa những ý tưởng, dự án xã hội có sức mạnh thay đổi cộng đồng. Năm 2023, "Tôi 20 - Twenties" dự kiến thu hút khoảng 100 ý tưởng dự thi và sẽ chọn ra ba dự án theo tiêu chí: có tính khả thi, ý nghĩa xã hội và lan tỏa thông điệp tích cực. Các dự án thắng cuộc sẽ được hỗ trợ tối đa 50 triệu đồng/dự án và được hỗ trợ, đồng hành trong quá trình triển khai.
Xem thêm