Tôi nhận ra
Tôi chưa từng nghĩ mình thương ông ngoại đến vậy, cho đến khi bà ngoại mất.
Bà ngoại tôi là một người vợ, người mẹ, người bà điển hình của Việt Nam thời chiến: chồng đi bộ đội, một mình bà nuôi năm người con ăn học. Đối với con cháu, bà luôn dành một tình yêu đong đầy, dạy chúng tôi lớn lên bằng tình thương chứ không phải roi vọt, cho chúng tôi biết câu chuyện cổ tích về bà tiên có thật trên đời. Chính vì thế, tình yêu tôi dành cho bà to lớn cũng là lẽ thường tình.
Ngày bà mất, tôi tin rằng một thiên thần đã về trời. Rồi tôi thấy ông ngoại tôi khóc. Chính lúc đó tôi nhận ra mình còn một người ông để yêu thương trước khi quá muộn.
Khác với bà ngoại, ông ngoại tôi là một người nghiêm khắc. Tuổi trẻ của ông là quãng đời xa nhà bảo vệ Tổ quốc. Mẹ kể ông khó tính và quyết đoán lắm, ngày trước, việc gì ông đã quyết thì không ai có thể thay đổi được.
Ông hơi khó gần và cũng chẳng để lộ tình cảm của mình rõ rệt như bà. Nhưng từ ngày bà mất, dường như ông đã thay đổi từng chút từng chút một, hay dường như cháu con chúng tôi thời gian qua vì quá vô tình nay mới nhận ra sự quan tâm của ông với mọi người mà ngày thường không chú ý...
Mỗi sáng thức dậy, ông đun sẵn nước nóng, pha trà, pha sẵn cà phê sữa nóng thơm phức cho mọi người. Hằng ngày ông cứ lụi cụi gom đồ dơ rồi bấm máy giặt, đem phơi. Các dì thỉnh thoảng cũng trách ông, bảo ông để những việc đó cho con cháu nhưng ông cười cười rồi lại tiếp tục giặt giặt, phơi phơi.
Buổi tối khi tôi ngủ lại, tôi thấy ông vào phòng thay bóng đèn ngủ nhỏ hơn. Ông bảo: "Đèn nhỏ ánh sáng sẽ tối hơn, cháu được ngon giấc".
Mỗi lần đám giỗ, ông luôn là người đầu tiên lên thắp nhang và người cuối cùng đi xuống.
Tôi từng nghe ai đó nói rằng ông bà chính là một dấu gạch nối từ quá khứ, là sợi dây kết nối cho thế hệ đi trước và thế hệ mai sau, là người nuôi dạy chúng ta lớn bằng tình thương vô điều kiện, quả thật đúng.
Tôi thích nhất là lúc ông ngồi nhìn ngôi vườn từ căn phòng nhỏ của mình. Lúc đó, ông như một "lão tướng" đang thưởng thức và tận hưởng thành quả của mình sau bao nhiêu năm khốn khó cực nhọc vậy.
Là một người lính trải qua những cuộc chiến chống Pháp, Mỹ và biên giới Tây Nam của dân tộc, giờ đây ông ngồi đó, ngắm nhìn cuộc đời vẫn đang trôi, trân trọng những gì giản dị nhất. Tuy tấm lưng ấy có đôi phần cô đơn nhưng đằng sau sự gầy gò suy tư ấy, tôi biết rằng đó là cả một đại dương mênh mông tình thương cho con cho cháu.
Sẽ đến lúc ông đoàn tụ với bà, nhưng hiện tại, ông cháu và thành viên gia đình chúng ta cứ trân trọng những gì nhỏ bé tươi đẹp nhất đang diễn ra hằng ngày, như thế này thôi, ông nhỉ!
Xem thêm