Trăn trở trước ba vòng xoáy đi xuống của đồng bằng
Những ngày cuối năm 2022 như những nét cọ cuối cùng vẽ lên bức tranh đồng bằng sông Cửu Long. Bước chuyển mới trong nông nghiệp, thành tích mới trong xuất khẩu nông sản, tăng tốc đầu tư giao thông là những mảng màu sáng, nhưng vẫn còn gam màu xám với các “vòng xoáy” đi xuống, đòi hỏi phải nỗ lực nhiều hơn nữa để trở thành nơi đáng sống.
Không gian phát triển mới và bước chuyển nông nghiệp
Năm 2022 đánh dấu một chặng đường phát triển mới của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bằng bản quy hoạch tích hợp cấp vùng đầu tiên của cả nước được phê duyệt. Sự chuyển hướng chiến lược trong tư duy phát triển vùng, từ khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh sang “thích ứng thuận thiên”, phục hồi và tăng cường “sức khỏe” cho đồng bằng, biến thách thức thành cơ hội; lấy con người làm trung tâm, coi tài nguyên nước là cốt lõi trong suốt quá trình phát triển đang được hiện thực hóa.
Không gian phát triển vùng ngày càng sáng hơn với hình hài bốn hành lang phát triển, gồm hành lang kinh tế đô thị – công nghiệp từ Cần Thơ đến Long An; hành lang kinh tế sông Tiền – sông Hậu; hành lang kinh tế ven biển từ Long An, Cà Mau đến Kiên Giang và hành lang biên giới từ Long An đến Kiên Giang. Bốn khu vực động lực, gồm: Cần Thơ trung tâm vùng; tứ giác Cần Thơ, Long Xuyên, Cao Lãnh, Vĩnh Long; tám trung tâm đầu mối nông sản và thành phố đảo Phú Quốc đang vươn lên trở thành các cực phát triển của vùng.
Từ “vùng trũng”, bức tranh giao thông đồng bằng đang sáng hơn với các cầu vượt sông lớn, trục dọc, đường ngang, đường hành lang ven biển Đông, biển Tây, các tuyến cao tốc đã hoàn thành TPHCM – Trung Lương – Mỹ Thuận đưa vào sử dụng và đang tăng tốc để sớm về đích cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, sắp khởi công cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng.
Nhìn lại một năm trong chặng đường đã qua, “con tàu phát triển vùng” đang đi đúng hướng. Đó là các quyết sách của Quốc hội, Chính phủ về ưu tiên bố trí nguồn lực, huy động vốn đầu tư và các cơ chế chính sách đột phá phát triển vùng. Sự cam kết mạnh mẽ của các bộ, ngành trung ương, chính quyền địa phương về tăng cường liên kết đang tiếp tục tạo ra kỳ vọng mới. Phấn khởi trước mục tiêu đến năm 2030, ĐBSCL sẽ được đầu tư mới và nâng cấp khoảng 830 ki lô mét đường bộ cao tốc; khoảng 4.000 ki lô mét đường quốc lộ; 4 cảng hàng không; 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.
Năm 2022 cũng đánh dấu bước chuyển căn bản của nông nghiệp, thủy sản ĐBSCL từ sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, sang kinh tế nông nghiệp, ứng dụng tri thức và công nghệ nhiều hơn thay cho kinh nghiệm. Kết quả là các kỷ lục mới được xác lập. Xuất khẩu thủy sản cả nước sẽ cán đích với con số 11 tỉ đô la cả năm, tăng 25% so với năm 2021. Đây là mốc kỷ lục lịch sử ngành thủy sản Việt Nam sau hơn 20 năm tham gia vào thị trường thế giới. Trong đó, ĐBSCL có đóng góp quyết định gia tăng sản lượng và giá trị.
Trên bản đồ xuất khẩu thủy sản thế giới, Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 3, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy, chiếm trên 7% thị phần thế giới. Trong đó, ĐBSCL chiếm 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% lượng xuất khẩu. Hai mặt hàng chủ lực của vùng là cá tra đạt 2,187 triệu đô la Mỹ, tăng 61,9%; xuất khẩu tôm ước đạt 3,84 tỉ đô la, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu thủy sản vẫn còn đó những trăn trở của đồng bằng. Ảnh: Trung Chánh
Trái ngược với cảnh hàng ngàn xe tải ùn ứ ở các cửa khẩu phía Bắc năm 2021, nông sản Việt cuối năm nay đang rộng cửa “chính ngạch” vào các thị trường lớn, thị trường mới, vào các phân khúc cao cấp hơn. Nhiều loại trái cây ĐBSCL như sầu riêng, chuối, xoài, nhãn, thanh long giá xuất khẩu tăng gấp đôi.
Xuất khẩu gạo 11 tháng đầu năm 2022 cũng đạt trên 6,67 triệu tấn, giá trị hơn 3,23 tỉ đô la, tăng 16% về khối lượng và 6,7% về giá trị. Đặc biệt, gạo Việt đã vào được các phân khúc gạo cao cấp của thị trường Mỹ, EU. Ở các thị trường truyền thống, Philippines đã tăng nhập khẩu từ 2,9 triệu tấn lên 3,4 triệu tấn. Thị trường Trung Quốc cũng chuyển sang nhập khẩu gạo Việt với khối lượng lớn vào cuối năm. Indonesia muốn mua 500.000 tấn gạo, tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt ở phân khúc thị trường này.
Trăn trở trước “3 vòng xoáy” phát triển đồng bằng
Kỳ vọng về một diện mạo mới, phấn khởi trước bước chuyển mới trong nông nghiệp, thành tích mới trong xuất khẩu nông sản và các sản phẩm chủ lực thủy sản, trái cây, lúa gạo vùng ĐBSCL, nhưng vẫn còn nguyên đó những trăn trở.
Vùng này vẫn đang đối mặt trước nhiều tác động tiêu cực từ bên ngoài do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai, dịch bệnh, hội nhập, cạnh tranh quốc tế. Thách thức còn bị nhân lên với áp lực từ bên trong khi nhiều hoạt động kinh tế với cường độ cao ở nội vùng gây nhiều hệ lụy như ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, trong khi quản lý nhà nước còn thiếu phối hợp, thừa chồng chéo. Nhìn tổng thể, hạ tầng giao thông ĐBSCL và các cơ sở hạ tầng quan trọng khác vẫn đang vướng các điểm nghẽn. Các nút thắt lớn là thiếu vốn, thi công chậm tiến độ, đầu tư không đồng bộ theo kiểu “ngắt khúc”, thiếu kết nối, mạch máu giao thông vận tải, logistics của vùng vẫn chưa thông suốt, cần được tháo gỡ.
Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2022 nêu ra “3 vòng xoáy đi xuống” của vùng đất giàu tiềm năng này. Đó là vòng xoáy ngân sách khi đầu tư chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng. Vòng xoáy lao động, với chất lượng thấp kém, tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ chiếm 14,1%, thấp nhất trong sáu vùng kinh tế – xã hội cả nước; trong khi, tỷ lệ lao động thất nghiệp chiếm 4,05% và thiếu việc làm 4,33%, cao hơn bình quân chung cả nước là 3,2% và 3,1%. Kết quả Tổng điều tra dân số, nhà ở năm 2019 chỉ ra, trong 10 năm đã có hơn 1,3 triệu người ĐBSCL xuất cư. Và vòng xoáy cơ cấu kinh tế vùng, được cho là sự “thiên lệch” trong việc thực thi “sứ mệnh an ninh lương thực”.
Gần nửa triệu lao động phải nghỉ việc, ngừng việc, thiếu việc làm các tháng cuối năm nay do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, thiếu vốn để dồn sức sản xuất kinh doanh cuối năm phục vụ Tết; trong đó có nhiều lao động làm thuê từ nông thôn miền Tây ra thành phố, lên TPHCM và các tỉnh miền Đông. Hàng loạt người lao động phải về quê sớm hai tháng vì thiếu việc làm. Nhiều doanh nghiệp phải thực hiện sớm các đơn hàng của năm 2023, chấp nhận phát sinh chi phí lưu kho để giữ chân người lao động… đang là những chỉ dấu cho thấy các thách thức tăng trưởng trong năm sau.
Không chỉ cần nhận diện thách thức “3 vòng xoáy”, mà quan trọng hơn là chuyển nguy cơ thành thời cơ để ĐBSCL chuyển đổi sang mô hình phát triển mới theo hướng tăng giá trị, phát huy các nguồn lực tự nhiên, con người, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Vấn đề cốt lõi của ĐBSCL vẫn là định vị vùng, bố trí không gian và huy động các nguồn lực phát triển với mục tiêu đưa vùng này thành nơi đáng sống đối với người dân, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư cùng với các cộng đồng dân cư chung sống thịnh vượng và năng động để tạo ra giá trị mới.
Tầm nhìn dài hạn, mục tiêu phát triển ĐBSCL trở thành vùng đất an toàn, trù phú, thịnh vượng trong tương lai đến nhanh hay chậm đang đòi hỏi những nỗ lực vượt qua các thách thức, tận dụng thời cơ, hành động đột phá và không hối tiếc. Diện mạo tương lai đồng bằng đã được định hình rõ, cần những gam màu sáng bằng tư duy, cách tiếp cận và hành động thực tế.
Xem thêm