Trò chuyện cùng con
– Có rất nhiều tài liệu nghiên cứu, sách báo chỉ ra cách trang bị cho thế hệ công dân trẻ các kỹ năng mềm được đề cập trong phạm vi bài viết này. Mươi năm trước, những điều này có thể là rất xa lạ nhưng nay thì khác.
Đây là lúc phụ huynh cần đầu tư thời gian, công sức để tìm đọc, phân tích và rút ra cách tiếp cận, truyền đạt phù hợp nhất đối với con mình. Cuộc hành trình lớn lên cùng con cái, theo tác giả bài viết, nên bắt đầu từ lúc con còn nhỏ và từ những chuyện nhỏ nhất.
Silhouette of a young mother lovingly holding hands with her happy little child outside in front of a sunset in the sky.
Sách giáo khoa được cải cách về nội dung lẫn hình thức, nhưng chưa thể giải quyết được áp lực đè nặng lên những đứa trẻ. Bên ngoài trường học, hiện tượng lấn làn xe, vượt đèn đỏ, chen lấn khi xếp hàng mua vé, tính tiền… vẫn diễn ra. Học sinh được dạy phép lịch sự ở trường và ở nhà, nhưng khi xếp hàng đợi đến lượt ở nơi công cộng, các em bị chen lấn, cắt hàng, xô đẩy, va chạm, nghe tiếng chửi thề, bị khói thuốc phà thẳng vào người… thử hỏi bộ não non nớt của các em sẽ xử lý thông tin như thế nào? Phải nín nhịn? Phải ra mặt phản đối? Hay mình cũng nên làm như “người ta”? Ở ngưỡng cửa đại học, những sinh viên nghiêm túc vẫn đến giảng đường học tập nhưng ra trường không tránh khỏi điệp khúc bị chê “thiếu kỹ năng mềm”, đâm ra lúng túng với chính bản thân mình và thế giới xung quanh. Những câu hỏi như vậy đến nay… vẫn chưa có lời đáp.
Để tránh cho con cái bị choáng ngợp hoặc khó hiểu với cách cuộc sống đang diễn ra, cha mẹ có thể tâm sự, trò chuyện với con để bổ sung những kỹ năng mềm không được giảng dạy trong sách giáo khoa hoặc ít được đề cập ở trường học.
Chỉ cho con tư duy phản biện
Đây là kỹ năng quan trọng hàng đầu trong thời đại thông tin thật giả lẫn lộn. Dù ở trường học có phát triển kỹ năng này cho con hay không, phụ huynh cũng cần trang bị cho con cách tư duy phản biện, nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, đặt giả thiết, cách tìm nguồn tài liệu nghiên cứu uy tín, khách quan để đúc rút thông tin.
Tư duy phản biện (critical thinking) hay tư duy phân tích không có nghĩa là phản bác lại mọi kiến thức được học hay tất cả ý kiến được nghe. Tư duy này giúp mỗi người tiếp cận với vấn đề – đặc biệt là những thông tin trôi nổi trên mạng xã hội, thông tin dưới dạng tin đồn – một cách khách quan, có cái nhìn đa chiều, thói quen phân tích và cách xác định nguồn gốc thông tin. Với tư duy phản biện tốt, các bạn trẻ khi ra đời sẽ có kỹ năng chắt lọc thông tin tốt, lập luận sắc bén với đầy đủ bằng chứng và qua đó lời nói có tính thuyết phục cao, cũng như bảo vệ quan điểm của bản thân một cách logic.
Khi con còn nhỏ, phụ huynh có thể mua sách, tìm các tài liệu tốt để luyện tập tư duy phản biện cùng con từ những vấn đề nhỏ, đặt câu hỏi tại sao, như thế nào và cùng con phân tích vấn đề. Đây cũng là cách để phụ huynh gắn kết hơn với con, đồng thời rèn luyện tư duy phân tích của chính mình nếu chưa được học kỹ năng này.
Giúp con nhìn thẳng vào thực tế: cuộc sống đôi lúc bất công
Cuộc sống vốn không diễn ra như phim hoạt hình Disney. Một cô gái tốt không phải lúc nào cũng gặp được hoàng tử tốt bụng. Không phải ai cũng hành xử như được dạy dỗ ở trường lớp. Cuộc sống có nhiều áp lực từ công việc, tình cảm, tài chính. Có những người cố gắng rất nhiều nhưng không đạt được mục tiêu, và ngược lại, có những người đạt được thành công bằng cách không minh bạch. Có những doanh nghiệp chất lượng, và cũng có những hệ thống đa cấp lừa đảo. Từ trong trường học đến ngoài xã hội, luôn có những người chiếm ưu thế, và có những người thua thiệt. Mỗi gia đình cần lựa lời trò chuyện, để con hiểu rằng thế giới chứa đựng cả công bằng lẫn bất công, có điều tốt và điều xấu, và cả những “vùng xám” khó tách bạch trắng đen rõ ràng.
Việc cố gắng tạo nên một thế giới nhỏ hoàn toàn yên ổn cho các con có thể là điều gia đình cũng mong muốn; tuy nhiên, khi đối diện với thế giới thực về sau, có thể các con sẽ sốc và không biết cách ứng xử. Cha mẹ cần dùng lý trí để con mình được “nhúng mình” vào thực tế một cách tự nhiên, đúng lứa tuổi, và chừng mực. Vấn đề cốt lõi ở đây chính là làm gương cho con rèn luyện tâm tính và có phản ứng đúng mực, nhân văn bất kể hoàn cảnh ra sao. Đây là vấn đề cần sự đầu tư của cha mẹ vào bản thân mình cũng như con cái. Nếu như không may con là người sai và phải nhận hậu quả nào đó, cha mẹ cùng ngồi lại giúp con áp dụng tư duy phản biện để nhìn nhận, phân tích nguyên nhân, vạch ra cách tránh điều đó về sau. Hình thành tư duy đúng từ nhỏ sẽ giúp con có lối cư xử hợp lý trong tương lai.
Truyền đạt kiến thức kinh tế cơ bản và phương pháp quản lý tài chính cá nhân
Mỗi công dân là một mảnh ghép của xã hội và nền kinh tế đang vận hành. Tiền là phương tiện để trao đổi hàng hóa phục vụ con người. Thực tế hiện nay cho thấy, học sinh ít được dạy bài bản về cách nền kinh tế vận hành (ở mức độ cơ bản) và phương pháp quản lý tài chính cá nhân. Tuy nhiên, khi các em trưởng thành, ngoại trừ các sinh viên chọn học ngành kinh tế và/hoặc tài chính, thì các bạn khác sẽ vừa bước vào đời vừa tự rút kinh nghiệm về kinh tế, tài chính. Ngay từ khi con còn nhỏ, phụ huynh cần tìm tòi sách vở, đúc rút thông tin và giúp con mình hiểu cách nền kinh tế đang vận hành ra sao, ở mức độ cơ bản theo lứa tuổi, sử dụng các ví dụ để các em có khái niệm về nó. Các kiến thức cơ bản như tăng trưởng, GDP, lạm phát, giảm phát, lãi suất, dòng tiền… và thậm chí cổ phiếu, trái phiếu, tiền mã hóa cần được trang bị cho con từ tuổi trung học phổ thông, bởi đó là những thành phần không thể tách rời khỏi cuộc sống của các con sau này.
Bên cạnh đó, mỗi gia đình cần chỉ con cách quản lý tài chính cá nhân hiệu quả ngay từ tuổi tiểu học. Phụ huynh có thể bắt đầu bằng việc cho con một khoản tiền nhỏ, khuyến khích con chia ra làm nhiều phần khác nhau để dùng theo ý của con, và sau đó cùng con phân tích sự hợp lý hay chưa hợp lý trong cách dùng tiền của con. Khi con lớn hơn, phụ huynh có thể tạo điều kiện cho con làm việc, kể cho con nghe về cách cha mẹ làm ra tiền và chăm lo cho cuộc sống như thế nào. Mỗi gia đình, tùy hoàn cảnh, có những cách khác nhau để giúp con. Mục tiêu cuối cùng và quan trọng nhất là giúp con bước ra đời với kiến thức kinh tế, tài chính đủ để tránh những sai lầm không đáng có.
Hướng dẫn kỹ năng tự chăm sóc và quản lý bản thân
Thế giới phẳng. Việc đi du học hoặc dọn ra ở riêng từ lứa tuổi mười tám đôi mươi không còn là việc xa lạ. Chính vì vậy, kỹ năng chăm sóc bản thân là kỹ năng cần trang bị từ khi con ở tuổi tiểu học. Bắt đầu bằng việc phụ việc vặt, quét nhà, tổ chức bàn học, phòng ngủ, lặt rau, nấu các món đơn giản. Lớn hơn một chút, các con cần học cách quản lý thời gian cá nhân, cân bằng dinh dưỡng, vai trò các thành phần trong bữa ăn, cách để có vẻ ngoài chỉn chu lịch sự, việc luyện tập thân thể quan trọng ra sao…
Những kỹ năng tưởng như đơn giản này đang bị bỏ sót trong một số gia đình, nơi con em chỉ cần học giỏi và điểm số cao, hoặc học thêm kín lịch, còn lại “mọi thứ có cha mẹ lo”. Lối suy nghĩ này có thể không ảnh hưởng nhiều ở thiên niên kỷ trước, nhưng trong kỷ nguyên số, mọi thứ đã khác. Người ta có thể tìm bất kỳ thông tin gì, thậm chí học bất kỳ thứ gì trên Internet. Kiến thức có thể dễ dàng được tiếp cận từ bất kỳ nơi đâu, bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, những kỹ năng mềm phải được rèn luyện, trải nghiệm, thậm chí thử-sai trong một thời gian dài để trở thành kỹ năng của bản thân. Cha mẹ tận tay chỉ vẽ kỹ năng mềm cho con từ nhỏ, cho phép con phạm sai lầm và học hỏi từ đó, là cách tốt hơn để con tự tìm cách xoay sở khi bước ra đời, nơi mà mọi sai lầm đều phải trả giá đắt.
Mỗi gia đình là một xã hội thu nhỏ với hoàn cảnh riêng, cách tiếp cận và dạy dỗ con cái khác nhau nhưng giống nhau ở chỗ cha mẹ thường yêu quý con cái vô điều kiện. Đồng hành cùng con, trang bị kiến thức, kỹ năng cho con chính là đặc ân của người cha, người mẹ. Khi con lớn lên, đối diện với cuộc sống một cách bản lĩnh, thì cha mẹ cũng chính là những người hạnh phúc nhất. Hành trình đó bắt đầu bằng việc trò chuyện, chỉ dạy những điều nhỏ nhất cho con.
Xem thêm