Trồng và ‘xuất khẩu’ nông sản tại chỗ

26/09/2022 | 193 |

– Thay vì đưa hàng nông sản cao cấp đi một quãng đường xa vào Thái Lan, Nhật Bản đã trồng trọt nông sản của Nhật ngay tại Thái Lan để bán cho thị trường nước này. Chính phủ Nhật Bản đứng đằng sau các nỗ lực tìm kiếm các thị trường nước ngoài cho nông sản Nhật theo cách này.

Dưa lưới trồng tại trang trại Nishijima ở hat Kochi. Chính phủ Nhật Bản đang thúc đẩy việc xuất khẩu nông phẩm giá trị cao sang các nước Đông Nam Á. Hiện các doanh nghiệp Nhật Bản chọn cách tiếp cận đầu tư vào trang trại ở nước sở tại để xuất khẩu tại chỗ. Ảnh: Nikkei Asia

Các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư vào các trang trại ở Thái Lan để trồng các loại nông sản Nhật Bản có phẩm cấp cao hơn nông sản địa phương, nhưng giá lại rẻ hơn so với sản phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản. Trà xanh ở Chiang Rai, dâu tây ở Chiang Mai đang được người tiêu dùng Thái Lan ưa chuộng.

Chính phủ Nhật Bản đứng đằng sau các nỗ lực tìm kiếm các thị trường nước ngoài mới cho nông sản xuất khẩu. Mở rộng các trang trại canh tác nông sản chất lượng cao của Nhật Bản ở nước ngoài cũng là cách góp phần đẩy lùi các loại nông sản “nhái” do các trang trại ở nước khác lấy trộm giống của Nhật Bản, chẳng hạn như loại nho xanh hạt Shine Muscat nổi tiếng.

Thích hợp với khí hậu ôn đới miền Bắc

Ở Chiang Rai, phía Bắc Thái Lan, những bụi cây trà Nhật Bản mọc trên ruộng bậc thang bên sườn núi trông giống hệt như đồn điền trà ở tỉnh Shizuoka, trung tâm sản xuất loại trà xanh nổi tiếng của Nhật Bản. Maruzen Tea, hãng sản xuất và bán trà xanh có trụ sở tại Shizuoka, đang khai thác lĩnh vực mới cùng với một công ty đối tác là hãng con của hãng bia Singha lớn nhất Thái Lan.

Trong cái nắng gay gắt của ngày hè, Giám đốc điều hành Katsutoshi Furuhashi của Maruzen Tea đích thân hướng dẫn nông dân địa phương trồng và chăm sóc cây. “Hãy nhanh chóng hái lá trà sau khi gỡ bỏ lớp vải kabuse”. Ông Furuhashi đang đề cập đến các lớp phủ che phủ lá trà nhằm bảo vệ lá khỏi ánh nắng mặt trời trước khi thu hoạch. Bóng râm làm tăng vị umami trong lá và làm cho màu sắc của lá sáng hơn.

Maruzen bắt đầu trồng trà ở Thái Lan sau tai họa kép – động đất và sóng thần – ở Nhật Bản năm 2011, khiến doanh số bán hàng trong nước sụt giảm và thúc đẩy hãng tìm cách phát triển thị trường nước ngoài. Nhu cầu về trà xanh đang tăng lên ở Thái Lan, cùng với trào lưu ẩm thực Nhật Bản trở nên phổ biến hơn với người Thái. Tuy nhiên, trà xanh nhập khẩu từ Nhật Bản có giá cao gấp ba giá ở Nhật Bản do bị áp thuế cao – lên tới 90%. Maruzen đã nhìn thấy một cơ hội kinh doanh đầy hứa hẹn để sản xuất trà xanh ở Thái Lan.

Do các quy định hạn chế quyền sở hữu doanh nghiệp nước ngoài tại Thái Lan, Maruzen đã phải tìm một đối tác địa phương để mở rộng thị trường. Công ty Nhật Bản nhận thấy Singha là một đối tác tiềm năng tốt vì hãng bia này cũng sản xuất trà Trung Quốc ở Chiang Rai. Singha vốn đang gặp khó khăn trong việc kiếm tiền từ việc kinh doanh trà. Maruzen bèn thuyết phục rằng trà xanh Nhật Bản sẽ mang lại lợi nhuận. Năm 2014, liên doanh giữa hai bên được thành lập. Nhiều năm nỗ lực đã khiến liên doanh Nhật – Thái có lời. Nhưng doanh số bán trà xanh giảm một nửa khi dịch bệnh ập đến.

“Sư phụ trà” Michio Nakai quản lý trang trại trà ở Kyoto được liên doanh mời làm việc ở Chiang Rai. Ông buộc phải rời Chiang Rai trở về Kyoto do dịch Covid lan rộng. Công nhân người Thái tiếp tục chăm sóc các cánh đồng và nhà máy.

Doanh số bán hàng tăng trở lại sau khi các biện pháp phòng chống dịch được bãi bỏ, đặc biệt là loại bột trà xanh cho nhà hàng và quán cà phê. Bột trà xanh được sử dụng chủ yếu để pha trà sữa matcha – thức uống ngày càng phổ biến ở Thái Lan. Một chuỗi cà phê lớn đã bắt đầu lấy hàng trở lại, khiến nhà máy phải chạy hết công suất. Tháng 7 vừa rồi, sau khi Thái Lan bãi bỏ hầu hết các biện pháp kiểm dịch, Furuhashi và Nakai đã đến Chiang Rai để thảo luận với Singha kế hoạch mở rộng nhà máy chế biến.

Thị trường trà xanh tại Nhật Bản đang bị thu hẹp. Năm 2020, khoảng 68.000 tấn trà xanh được tiêu thụ, giảm 40% so với mức đỉnh năm 2004, theo Hiệp hội những nhà trồng trà quốc gia. Thị trường toàn cầu cho các loại trà lớn gấp 100 lần và đang tăng lên hàng năm.

Có trụ sở tại Tokyo và chuyên xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Nhật Bản, Nihon Agri giờ đây đang trồng dâu tây ở Chiang Mai, thành phố lớn nhất ở miền Bắc Thái Lan. Vì nhập khẩu dâu tây từ Nhật Bản dẫn đến chi phí vận chuyển lớn, Nihon Agri đã lựa chọn canh tác tại Thái Lan để cung cấp dâu tây Nhật Bản với giá phải chăng với người tiêu dùng Thái.

Thường thì dâu sẽ có vị chua khi trồng ở nơi khí hậu nóng. Nihon Agri đã lắp đặt hệ thống nhà kính bằng nhựa vinyl có điều hòa nhiệt độ để trồng dâu tây ở Chiang Mai và kiểm soát nhiệt độ trong nhà bằng công nghệ thông tin. Chỉ số hàm lượng đường của dâu tây trồng ở Chiang Mai thường vào khoảng 10 đến 11, thấp hơn mức trung bình từ 12 đến 13 đối với dâu tây sản xuất tại Nhật Bản nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức trung bình là 6 đối với giống dâu địa phương.

Loại dâu cao cấp nhập từ Nhật Bản có giá khoảng 400 baht, khoảng 260.000 đồng mỗi 100 gam. Dâu trồng ở Chiang Mai bán với giá 100 baht hoặc hơn chút, tuy đắt hơn nhiều so với dâu địa phương chỉ khoảng 15 baht, nhưng mức giá này vẫn phù hợp với tệp khách hàng có mức thu nhập trung bình ở Thái Lan.

Trang trại dâu của Nihon Agri ở Chiang Mai tương đối nhỏ, với diện tích 2.500 mét vuông. Nhưng công ty có kế hoạch mở rộng trang trại lên 50.000 mét vuông trong ba năm, tức 20 lần. Đây sẽ là trang trại trồng dâu tây chất lượng cao lớn nhất ở châu Á, ngoại trừ các trang trại ở Trung Quốc. Nihon Agri hiện đang đàm phán với nhiều công ty để tìm kiếm các hợp đồng hợp tác khả thi.

Vai trò của Chính phủ Nhật Bản

Chính phủ Nhật Bản đã và đang đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm và thủy sản có giá trị cao. Xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm và thủy sản của Nhật Bản trong năm 2021 đạt gần 1.163 tỉ yen (gần 8,5 tỉ đô la), không bao gồm hàng tiểu ngạch. Đây là lần đầu tiên các sản phẩm này vượt mốc 1.000 tỉ yen. Nông sản chiếm 70% tổng số, với thực phẩm chế biến như rượu và gia vị chiếm tỷ trọng lớn trong số này. Rau và trái cây lần lượt chiếm 7% và 5% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Nhật Bản do gặp nhiều rào cản như khó khăn trong vận chuyển và kiểm dịch.

Các thị trường nước ngoài lớn nhất cho xuất khẩu nông sản Nhật Bản là Trung Quốc và Hồng Kông, chiếm 19% mỗi thị trường, tiếp theo là Mỹ với 15%. Trong các nước Đông Nam Á, Việt Nam là điểm đến lớn thứ năm cho xuất khẩu nông sản của Nhật Bản, với tỷ trọng 5%, Thái Lan đứng thứ bảy với 3,8% và Singapore đứng thứ tám với 3,5%.

Ông Hiroki Taniguchi, Giám đốc Phòng Nông nghiệp thực phẩm thuộc Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại Bangkok, nói rằng Đông Nam Á là một thị trường đầy hứa hẹn cho xuất khẩu nông sản của Nhật Bản vì gần Nhật Bản và mức thu nhập đang tăng lên trong khu vực. Nhưng xuất khẩu nông sản của Nhật Bản phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Theo số liệu của Chính phủ Thái Lan, trong năm 2021 Thái Lan nhập khẩu 87.000 tấn nho tươi từ Trung Quốc, trong khi chỉ nhập hơn 25 tấn từ Nhật Bản, và gần 600 tấn dâu từ Hàn Quốc, gấp 10 lần so với Nhật Bản. Nikkei Asia nói rằng “dường như các loại trái cây có nguồn gốc từ những giống cây trồng được phát triển ở Nhật Bản”.

Tuy nhiên, ông Naito của Nihon Agri nói rằng dâu hay nho trồng ở Trung Quốc và Hàn Quốc có vẻ ngoài ngon lành nhưng hương vị không bằng hàng Nhật và giá chỉ nhỉnh hơn 30% đồ Nhật. Ông cho biết điều quan trọng là phải hạ giá bằng việc canh tác tại địa phương trong khi đẩy mạnh nỗ lực quảng bá nông sản Nhật Bản với thị trường địa phương.

Hoàng Anh Gia Lai và Thagrico cùng các doanh nghiệp Việt Nam khác đang thuê hàng ngàn héc ta đất ở Campuchia, Lào và Myanmar để trồng cây cao su, cọ dầu rồi chuyển sang trồng chuối và các loại nông sản khác. Nhưng các doanh nghiệp Việt Nam thường chú trọng đến việc xuất khẩu sang một nước thứ ba, chẳng hạn như bầu Đức với cây chuối với thị trường chính là Trung Quốc. Lúa từ các cánh đồng do doanh nghiệp Việt thuê đất canh tác tại Campuchia cũng được “tái xuất” về Việt Nam.


Tin tức liên quan

Bình luận