Trung thực để làm gì?
– Một trong những giá trị nghề nghiệp quan trọng mà tôi thường nghe nhắc đến trong các khóa đào tạo trước khi chính thức trở thành nhà tư vấn tài chính cho một tập đoàn bảo hiểm ở Singapore cách đây hai mươi năm là “Trung thực”. Nhưng nội hàm của phẩm chất này trong tiếng Anh lại khá rộng với hai thuật ngữ thường được sử dụng là “Honesty” và “Integrity”.
Với những ai đã học tiếng Anh cơ bản thì từ honesty rất dễ hiểu và dịch ngược lại sang tiếng Việt là “thật thà” hay nôm na là “có sao nói vậy”. Một nhà tư vấn tài chính “thật thà” phải giải thích tường tận và cụ thể những nội dung của một hợp đồng bảo hiểm hay liên kết đầu tư cho khách hàng tiềm năng trước khi ký. Những thuận lợi và hạn chế của các điều khoản và điều kiện trong hợp đồng phải được thông tin đầy đủ và cho phép khách hàng thời gian hợp lý để suy nghĩ và quyết định. Thuật ngữ tiếng Anh để diễn tả những bước trong quy trình này là Transparency (minh bạch) và Fairness (công bằng) nhưng với tôi sự chân thành (sincerity) mới là “vũ khí” để chinh phục khách hàng.
Hình 1: BỐN GIÁ TRỊ CỐT LÕI CỦA ĐẢNG HÀNH ĐỘNG NHÂN DÂN (PAP)
Nguồn: Trang web của PAP
Nhưng tôi hơi vất vả khi tìm hiểu về khái niệm trung thực trong “Integrity”. Từ này xuất phát từ “Integritas” trong tiếng Latinh có nghĩa là “sự toàn vẹn”; dịch ngược lại sang tiếng Việt có nghĩa là “chính trực”. Theo định nghĩa của nhiều từ điển, “Integrity” là ý thức của một cá nhân trong việc liên tục tuân thủ các giá trị và nguyên tắc đạo đức một cách nhất quán và không lay chuyển. “Integrity” đòi hỏi luôn làm điều đúng đắn, bất kể hoàn cảnh nào, thậm chí khi không ai để ý. Một số nhà phân tích còn gắn “Integrity” với lòng can đảm để luôn làm điều đúng đắn, bất kể hậu quả ra sao và sẽ không làm bất cứ điều gì để hạ thấp hoặc làm ô danh bản thân.
“Honesty” chỉ đơn giản là nói sự thật, trong khi “Integrity” là có tư cách đạo đức vững vàng và tuân thủ một loạt các nguyên tắc và đạo đức nghiêm ngặt. Chẳng hạn như một người có thể bán một sản phẩm chưa được kiểm tra kỹ lưỡng trên cơ sở rằng nó chưa được chứng minh là nguy hiểm. Tuy nhiên, với “Integrity”, người này phải thông báo cho khách hàng rằng sản phẩm chưa được thử nghiệm và nếu có khả năng sản phẩm gây hại cho khách hàng thì không nên bán.
Khi rời lĩnh vực tài chính-bảo hiểm để mở doanh nghiệp tư vấn cho riêng mình với những vai trò khác nhau, như tư vấn tiếp thị, phiên dịch, dạy học thì tôi lại hiểu “Integrity” theo góc nhìn và cách tiếp cận rộng hơn. Với tôi, đó chính là “tính chuyên nghiệp” hay “đạo đức nghề nghiệp” của một cá nhân khi làm tròn bổn phận và trách nhiệm trong chức trách mà mình được giao. Chẳng hạn như người phiên dịch phải thực hiện công việc một cách trung thực và trung thành với ngôn từ của người nói trong khả năng tốt nhất và tránh việc thảo luận, truyền đạt hay tiết lộ bất cứ thông tin cho dù không phải là bảo mật cho bất cứ ai. Một luật sư giỏi có thể đưa ra các bằng chứng giảm tội giết người (murder) chuyển thành ngộ sát (homicide) để thân chủ của mình tránh án tử hay chỉ bị chung thân hoặc mười mấy năm tù và thậm chí giúp trắng án nếu phía công tố không cung cấp đủ bằng chứng. Một nhà báo chuyên nghiệp không thể chỉ đưa tin rằng phía công an khẳng định những đối tượng giết người mà còn nên cho độc giả biết những quy định về tố tụng hình sự, thời gian tạm giam cho đến khi đưa ra xét xử, và liệu có cơ chế luật sư miễn phí (pro bono) trong trường hợp nghi phạm không có tiền thuê luật sư không.
Hình 2: BỐN NGUYÊN TẮC ĐẠO ĐỨC PHỔ QUÁT CỦA NGƯỜI LÃNH ĐẠO
Nguồn: Return on Character, The Real Reason Leaders and Their Companies Win, Fred Kiel, 2015
Nhìn lại thời gian đã qua, tôi cảm thấy rất may mắn vì đã tuân thủ được những giá trị nghề nghiệp như đã nói ở trên và đóng góp phần khiêm tốn của mình vào guồng máy kinh tế của Singapore cũng như làm một vài điều có ý nghĩa cho quê nhà. Tôi muốn nhấn mạnh hai từ “may mắn” bởi tôi đã được tận hưởng một môi trường hoạt động kinh doanh lành mạnh ở một đất nước mà “trung thực” là một trong những giá trị cốt lõi cho việc hình thành nhân cách của con người. Lẽ đương nhiên không thể không nhắc đến công lao của vị Thủ tướng lập quốc Lý Quang Diệu trong việc đưa ra định hướng và đặt nền tảng cho một thể chế chính trị lấy trung thực làm kim chỉ nam hành động. Theo Giáo sư Kishore Mahbubani, một trong những nhà tư tưởng địa chiến lược sáng giá nhất ở châu Á đã từng là Hiệu trưởng trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), văn hóa trung thực và chính trực mà ông Lý và hai đồng chí của ông trong Đảng Hành động Nhân dân (PAP) là tiến sĩ kinh tế Goh Keng Swee và nhà triết học S. Rajaratnam đã tạo ra thực sự là một món quà lớn cho Singapore. Khi tiếp quản chính quyền từ tay thực dân Anh vào năm 1959, các nhà sáng lập PAP đã có một ý thức sâu sắc về sứ mệnh thiết lập một thể chế trong sạch và đạo đức và coi việc lãnh đạo có đạo đức và liêm khiết là vấn đề cốt lõi trong chiến dịch tranh cử của mình.
Trong thời gian tham gia một dự án dịch thuật tại trường Chính sách công Lý Quang Diệu, tôi có cơ hội tiếp cận và hiểu rõ hơn về bí quyết thành công MPH – là viết tắt của ba từ Meritocracy (trọng dụng hiền tài), Pragmastism (tinh thần thực dụng) và Honesty (trung thực). Theo Giáo sư Kisshore Mahbubani, nếu các quốc gia khác trong khu vực áp dụng bí quyết này thì sẽ thành công như Singapore. “Meritocracy” có nghĩa là một quốc gia chọn những công dân tốt nhất của mình, chứ không phải người thân quen của lãnh đạo để điều hành đất nước. “Pragmatism” có nghĩa là một quốc gia không nhất thiết phải sáng tạo ra điều gì khác cái đã có sẵn. Tuy nhiên, “Honesty” là điều khó thực hiện nhất bởi tham nhũng là lý do lớn nhất khiến hầu hết các nước thuộc Thế giới thứ ba thất bại.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, trong hơn năm thập kỷ qua, Singapore đã tận dụng tốt các nguồn tài nguyên vật chất và môi trường của mình để đạt được kết quả là quốc gia có một nền kinh tế cạnh tranh, môi trường bền vững và chất lượng cuộc sống cao. Tuy nhiên, những kế hoạch tốt nhất chỉ có thể được thực hiện nếu có những điều kiện nhất định trong môi trường quốc gia được đáp ứng. Nếu không có những điều này, các kế hoạch tốt có thể không bao giờ thành công; các dự án có thể bị trật bánh hoặc quản lý kém; một thành phố có thể phát triển, nhưng theo một cách lộn xộn, làm con tin cho những thay đổi thất thường của lòng tham và tham vọng của con người. Điều kiện nền tảng cho phép các kế hoạch phát triển đô thị độc lập của Singapore đơm hoa kết trái là một nhà nước pháp quyền (rule of law) trong đó tách biệt rõ quyền lực chính trị và bộ máy hành chính công quyền. Không ai đứng trên luật pháp bất kể vị trí xã hội của mình. Đảng viên chính đảng cầm quyền PAP phải luôn gương mẫu và trung thành với những giá trị cốt lõi đúng và phù hợp với thực tiễn được nêu trong điều lệ đảng trong đó “Trung thực” được đặt ở vị trí quan trọng như trong hình 1.
Hình 3: KIM TỰ THÁP NĂNG SUẤT CÁ NHÂN
Nguồn: 10 Natural Laws of Successful Time and Life Management: Nicholas Brealey Publishing Limited 1994 và Return on Character.
Một câu hỏi thú vị là liệu những giá trị về “trung thực” có thể thực hiện được ở những nước mà môi trường kinh tế – chính trị – xã hội không lành mạnh, lừa đảo và làm ăn gian dối tràn lan không. Để trả lời câu hỏi đó, tôi xin mạo muội chia sẻ với độc giả một phần nội dung của quyển sách mang tựa đề “Return on Character: The Real Reason Leaders and Their Companies Win”, tạm dịch “Lợi nhuận trên tính cách: Lý do thực sự khiến các nhà lãnh đạo và công ty của họ giành chiến thắng”. Theo đó tác giả Fred Kiel là nhà sáng lập hãng tư vấn lãnh đạo doanh nghiệp KRW International và các cộng sự đã bắt đầu công trình nghiên cứu về tính cách lãnh đạo bằng cách sàng lọc kho lưu trữ cổ điển của nhà nhân chủng học Donald Brown về khoảng 500 hành vi và đặc điểm được công nhận và thể hiện trong xã hội loài người qua các giai đoạn lịch sử. Dựa trên danh sách đó, họ xác định bốn nguyên tắc đạo đức phổ quát là “Trung thực, Trách nhiệm, Bao dung và Đồng cảm”.
Và để khẳng định tính phổ quát của những giá trị này, tác giả đúc kết những gì quan sát được từ một công trình so sánh hành vi của trẻ em tại Ấn Độ và Mỹ: “Sự khác biệt về các giá trị có thể dự đoán được: trẻ em Ấn Độ tỏ ra kính trọng người lớn hơn và chấp nhận truyền thống hơn, trong khi trẻ em Mỹ coi trọng quyền tự chủ và tự do cá nhân. Nhưng các quy tắc đạo đức của chúng hầu như giống hệt nhau. Cả hai nhóm trẻ đều tin rằng nói dối, lừa đảo hoặc ăn cắp là sai và cả hai đều nghĩ rằng điều quan trọng là phải đối xử tử tế với người bệnh hoặc người bất hạnh”.
Fred Kiel và các cộng sự của ông đã dùng bốn giá trị phổ quát nói trên làm nguyên tắc nền tảng cho Ma trận Lợi nhuận trên tính cách (ROC) để đánh giá hiệu quả của lãnh đạo và cũng được gọi là các Thói quen tính cách nền tảng (Keystone Character Habits). Như trình bày trong sơ đồ ở hình 2, hai trong số những thói quen đó ở phía bên trái của ma trận gắn liền với khía cạnh trí tuệ của người lãnh đạo. Hai điều còn lại ở phía bên phải của ma trận liên quan đến con tim của người lãnh đạo.
Tác giả cho biết lúc đầu ông và nhóm nghiên cứu giả định trung thực là phẩm chất quan trọng nhất mà nó có thể đứng một mình nhưng kết quả không phải vậy. Các yếu tố tạo nên sự năng động của tổ chức (hợp tác, đổi mới, khả năng thích ứng, làm việc theo nhóm, giao tiếp) gắn bó chặt chẽ với những yếu tố tạo ra sự gắn kết của lực lượng lao động (tôn trọng, công bằng, quan tâm và hỗ trợ, tin tưởng vào quản lý). Hầu hết những yếu tố tạo ra gắn kết của người lao động liên quan trực tiếp đến thói quen tính cách của con tim. Khả năng lãnh đạo xuất sắc chỉ xuất hiện khi dựa trên cả bốn nguyên tắc trong ma trận ROC với các kế hoạch, hành động hay thói quen tính cách nền tảng của họ được dẫn dắt bởi cả khối óc và con tim.
Nói cách khác, trung thực là phẩm chất quan trọng trong quản lý và kinh doanh nhưng để đạt được hiệu quả thì người lãnh đạo hay nhà quản lý còn phải cần những kỹ năng khác để tiếp tục tồn tại và phát triển trong thực tiễn công việc hay sản xuất kinh doanh.
Theo thiển ý của tôi, trong một môi trường kinh tế – chính trị xã hội hỗn loạn nhiễu nhương như “một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ” (Nguyễn Tuân – Chữ người tử tù) thì doanh nhân hay nhà quản lý vẫn có thể hành xử và hoạt động một cách trung thực và đàng hoàng. Để làm được điều đó, tôi xin mạo muội đề nghị một số giải pháp qua hình ảnh chiếc kim tự tháp năng suất cá nhân của tác giả người Mỹ Hyrum W. Smith trong quyển sách mang tựa đề “10 Natural Laws of Successful Time and Life Management”, tạm dịch “10 quy luật tự nhiên để quản lý thành công thời gian và cuộc sống”. Trong hình 3, phần đáy của kim tự tháp là bốn giá trị chỉ đạo và dẫn dắt và phía trên là những mục tiêu gắn kết trong đó tôi bổ sung một số nội dung có liên quan từ quyển sách của tác giả Fred Kiel.
Nói bao giờ cũng dễ hơn làm nhưng hy vọng bài viết này sẽ giúp độc giả có những góc nhìn đa chiều và thấu đáo hơn về giá trị và tầm quan trọng của sự trung thực cũng như một số mô hình khái niệm và phương cách áp dụng cho cuộc sống hay công việc của chúng ta tốt hơn. Chung quy lại, trung thực là một sự lựa chọn của tính cách và liên quan đến niềm tin, nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức mà chúng ta đặt ra hướng dẫn mọi quyết định và hành động. Sống trung trực có nghĩa là tuân thủ và thành thật với những quy tắc niềm tin hay thế giới quan của chính mình. Cho dù là lãnh đạo, nhà quản lý hay chỉ là một cá nhân khiêm tốn, bạn có thể trở thành điểm tựa cho người khác để hành động nhất quán và trung thực.
Theo nhiều nhà tư vấn, sống trung thực đòi hỏi chúng ta phải hiểu rõ những gì mình muốn đạt được và những gì được cho là quan trọng nhất, đồng thời duy trì sự hài hòa giữa các mục tiêu và giá trị này cũng như các quyết định và hành động. Sống trung trực đòi hỏi con người phải chọn con đường khó khăn trong ngắn hạn để đạt được mục tiêu mà chúng ta thực sự muốn trong dài hạn. Chúng ta có thể phải từ chối những cơ hội hấp dẫn vì chấp nhận chúng sẽ làm tổn hại đến các giá trị và nguyên tắc của chúng ta. Và rất có thể chúng ta sẽ phải đào sâu tìm kiếm sức mạnh để tuân thủ quy tắc của mình khi chịu áp lực đáng kể về gia đình, công việc, xã hội hoặc tài chính để chỉ cần thỏa hiệp.
Thỏa hiệp nhỏ có thể rất hấp dẫn, nhưng thường dẫn chúng ta đến những thỏa hiệp lớn hơn, rằng những chuyển hướng có vẻ nhỏ nhặt sẽ đưa chúng ta rời xa hơn mục tiêu của mình. Theo nhà báo nổi tiếng người Mỹ David Brooks cũng là tác giả của nhiều quyển sách bán chạy về phát triển nhân cách, nếu sống chỉ vì những thành tích bên ngoài, thì sau một thời gian dài không có cơ hội khám phá hay xem lại những phần sâu thẳm nhất trong con người mình, chúng ta rất dễ rơi vào tình trạng tầm thường về đạo đức và tự mãn.
Ông viết: “Bạn tự xếp loại mình trên một đường cong dễ tha thứ. Bạn hình dung miễn là rõ ràng bạn không làm tổn thương bất kỳ ai và mọi người có vẻ thích bạn, thì bạn phải ổn. Nhưng bạn sống với sự buồn chán vô thức, tách rời khỏi ý nghĩa sâu sắc nhất của cuộc sống và những niềm vui đạo đức cao cả nhất. Dần dần, một khoảng cách nhục nhã mở ra giữa con người thật của bạn và con người mong muốn của bạn, giữa bạn và những linh hồn rực sáng mà đôi khi bạn sẽ gặp gỡ”.
Xem thêm