Từ 'cái bẫy' văn minh đến sức mạnh của chuyện hư cấu

24/12/2021 | 268 |

TTO - Cuốn sách dày 255 trang là một tác phẩm được pha trộn khéo léo giữa chất khoa học, nghệ thuật và văn chương. Phong cách kể hài hước pha trộn sự châm biếm sâu sắc đôi khi sẽ làm người đọc bật cười sảng khoái.

Với 4 nội dung chính: Mầm mống của sự hãi hùng, Những huyền thoại và con người, Lạc trong mê cung và Hồ sơ về tiến sĩ hư cấu, câu chuyện không được kể theo lối biên niên đều đều như thường thấy trong sách giáo khoa và sách lịch sử. Chúng là những câu chuyện chạy theo lát cắt ngang để đi sâu vào bản chất.

Trong "Mầm mống của sự hãi hùng", tác giả đã đưa ra một phản biện lớn đối với văn minh nông nghiệp. Theo đó, nông nghiệp làm cho con người sống tập trung trong môi trường dễ bị ô nhiễm bởi rác thải và đó là thời cơ cho bệnh dịch bùng phát.

Việc trồng trọt và chăn nuôi làm cho con người ăn uống nghèo nàn về dinh dưỡng... Các tác giả gọi văn minh nông nghiệp là một cái bẫy, một "giao ước với ma quỷ" và nó là sai lầm đầu tiên của mọi sai lầm khác khi con người bước vào thời đại văn minh. Đây quả là những ý tưởng phản biện thú vị, đáng để bạn đọc suy nghĩ.

Trong "Những huyền thoại và con người", tác giả cho rằng những thứ thật sự có trong cuộc sống văn minh hóa ra được tạo ra từ những huyền thoại lúc ban đầu.

Theo cách đó, các quyền bình đẳng, tự do trong lịch sử cũng là những "sự tưởng tượng" và thế giới tồn tại, phát triển dựa vào các "trật tự tưởng tượng". Khi tất cả mọi người tin hay số đông tin, nó hiện hữu và có sức mạnh. Khi đa số không còn tin nó sẽ tan rã hoặc biến mất.

Ở hai phần tiếp theo, độc giả sẽ được dẫn dắt vào chuyện ngôn ngữ, chữ viết và lượng thông tin do nó ghi chép lại, tạo ra, truyền bá đã đánh bẫy chính con người, làm cho con người vất vả thế nào với hệ thống quan liêu do chính mình tạo ra ra sao.

Tác giả Harari đã phủ nhận và đặt ra các câu hỏi một khách không khoan nhượng đối với các "định thuyết", "thiên kiến", "thường thức" đã từ lâu được định hình vững chắc trong sách giáo khoa và nhận thức của số đông đại chúng.

Chẳng hạn, chúng ta vốn nhận thức rằng lịch sử là một quá trình tiến bộ đi lên và các nền văn minh sau sẽ tiến bộ hơn rất nhiều các nền văn minh trước. Trong diễn giải của ông về văn minh nông nghiệp, ta sẽ thấy câu chuyện lịch sử không hoàn toàn đơn giản như vậy.

Những nhận định của ông không phải là một sự nổi loạn hay nhạo báng kiểu vô trách nhiệm của sử gia mà rất đáng suy ngẫm trong thời đại toàn cầu và xã hội công dân.

Cuốn sách khép lại bằng cuộc đối thoại tuyệt vời giữa nữ thám tử Lopez và "Tiến sĩ hư cấu" đã cho chúng ta thấy điều đó.

Sau khi giải thích cho thám tử Lopez hiểu trong xã hội loài người, sự bất công, phi lý, những bi kịch luôn gắn liền với các câu chuyện do chính con người tạo ra, "Tiến sĩ hư cấu" cũng chỉ ra cho Lopez một con đường để thay đổi và xây dựng thế giới ngày một tốt đẹp hơn.

Khi gấp lại trang cuối cùng của cuốn sách này, người đọc một lần nữa nhận thấy sách lịch sử không phải là những cuốn sách chứa những câu chuyện cũ rích được kể lặp đi, lặp lại làm cho ta nhàm chán, chúng còn là những cuốn sách giúp trí não chúng ta hiểu thực tại và biết vươn tới tương lai bằng tư duy tự do và khai phóng.

Sau tập 1 có nhan đề "Khởi đầu của loài người", tập 2 tác phẩm nổi tiếng của Yuval Noah Harari Sapiens - Lược sử loài người phiên bản bằng tranh có tên "Các trụ cột của nền văn minh" vừa ra mắt độc giả.


Tin tức liên quan

Bình luận