Tự chủ đại học đã có luật nhưng vướng đủ thứ
TTO - Hội thảo giáo dục Việt Nam 2020 do Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức với chủ đề 'Tự chủ trong giáo dục đại học - Từ chính sách đến thực tiễn' diễn ra tại Hà Nội hôm nay 27-11.
Sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM được thụ hưởng điều kiện học tập tốt hơn sau khi nhà trường tự chủ - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Tham dự hội thảo có khoảng 250 đại biểu là các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, chuyên gia, nhà giáo, nhà khoa học trong và ngoài nước sẽ trao đổi, bàn luận về thực trạng triển khai tự chủ trong giáo dục đại học trong bối cảnh Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học (Luật 34).
Chủ trương canh tân lớn
Từ năm 2014, 23 cơ sở giáo dục ĐH bắt đầu thí điểm thực hiện tự chủ tương đối toàn diện theo nghị quyết 77 của Chính phủ. Đến nay hầu hết các trường tham gia thí điểm tự chủ đều đã có bứt phá trong đào tạo và nghiên cứu, góp phần tạo diện mạo mới cho hệ thống giáo dục ĐH VN.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, tự chủ ĐH đã được thực hiện từ năm 2015, sau khi có nghị quyết 77, đặc biệt từ khi có Luật 34 và nghị định 99/2019 hướng dẫn thi hành Luật 34.
Trong nhiều hội thảo về tự chủ ĐH diễn ra gần đây, hầu hết các chuyên gia đều có chung nhận định Luật 34 có hiệu lực từ tháng 7-2019 và nghị định cũng chỉ mới bắt đầu thực hiện chưa được 1 năm, từ tháng 2-2020. Do vậy, trong bước đầu thực hiện quyền tự chủ ĐH dù đã được luật hóa vẫn còn một số vướng mắc.
Tự chủ ĐH không chỉ thực hiện theo Luật 34 mà còn chịu sự chi phối của các luật khác như Luật tài sản công, Luật đầu tư công, Luật ngân sách nhà nước, Luật công chức - viên chức...
Khi thực hiện Luật 34 cũng phải rà soát, sửa đổi các luật trên và các quy định dưới luật. Ngoài ra, việc tự chủ cũng phải đi kèm với các điều kiện khác như thành lập hội đồng trường; phân tách giữa quản lý và quản trị ở trong trường ĐH; cần có sự phân cấp, phân quyền giữa nhà trường tự chủ với các đơn vị cơ sở để phát huy năng lực của các đơn vị.
GS.TS Trần Hồng Quân - nguyên bộ trưởng Bộ GD-ĐT - nhận định hiện nay tự chủ ĐH đã trở thành chủ trương lớn, đã đưa vào luật nhưng vẫn không dễ thực hiện vì còn vướng tư duy và nhiều ràng buộc pháp lý do nhiều luật lệ chưa sửa đổi đồng bộ.
"Tự chủ ĐH là một chủ trương canh tân lớn về quản lý trên cơ bản là đặt niềm tin và giao trọng trách cho cấp dưới, tháo gỡ nhiều ràng buộc trong quản lý, giao nhiều quyền tự quyết cho các trường, tạo một không gian tự do sáng tạo trong hoạt động học thuật và điều hành nhà trường. Đó là một bước dân chủ hóa giáo dục ĐH"- ông Quân nhấn mạnh.
Tự chủ không phải là tự trị
TS Hoàng Đức Long, hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - marketing, cho rằng tự chủ không có nghĩa là tự trị, mà tự chủ vẫn phải có hành lang pháp lý.
"Trong thực tế gặp nhiều quy định chồng chéo, nhiều nút thắt được mở nhưng lại gặp vấn đề con người. Chẳng hạn như các đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán... Nếu những người thực thi công quyền căn cứ vào pháp luật hiện hành cởi mở hơn với nhà trường thì tốt hơn rất nhiều" - ông Long nói.
PGS.TS Vũ Hải Quân - phó giám đốc thường trực ĐH Quốc gia TP.HCM - cho rằng vấn đề quản trị ĐH trong bối cảnh tự chủ còn rất mới mẻ ở nước ta. Cái mới đặt ra vấn đề các mô hình quản trị ĐH mới chưa có trước đây, ví dụ như hội đồng trường, vai trò hiệu trưởng, xây dựng chiến lược...
Trên thực tế cho thấy việc thực thi chiến lược trường ĐH trước giờ chưa có cơ quan giám sát. Hiện nay, với hội đồng trường bên cạnh các chức năng đã được luật quy định, điều quan trọng là giám sát nhà trường có thực hiện đúng chiến lược hay không. Nếu khai thác tốt và hiệu quả mô hình quản trị với hội đồng trường thì chắc chắn trường ĐH sẽ phát triển mạnh mẽ và tự chủ ĐH cũng sẽ được thúc đẩy.
Trong khi nhiều người cho rằng hệ thống luật pháp hiện nay chưa đồng bộ, GS.TS Nguyễn Hữu Đức - nguyên phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội - lại nhận định đó chỉ là những vướng mắc về mặt kỹ thuật. Điều quan trọng hơn là xác định rõ nội hàm và trách nhiệm khi cho tự chủ các trường ĐH sẽ làm gì. Việc tăng quy mô đào tạo, tăng học phí, đảm bảo một phần tài chính của nhà trường nhiều khi không cần tự chủ vẫn có thể làm được.
"Tự chủ ĐH còn rất nhiều nội hàm cần hiểu cho đúng. Tự chủ không phải đơn thuần là tập trung vào yếu tố tự chủ cho cơ sở giáo dục ĐH, tăng quyền cho hiệu trưởng mà cần trao thêm quyền tự chủ cho các nhà khoa học, cho giảng viên... để giải phóng năng lực của họ, từ đó trường ĐH mới là nơi sáng tạo ra tri thức mới" - ông Đức nhấn mạnh.
Đã đề xuất một số giải pháp với Chính phủ
Bà Nguyễn Thu Thủy - vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) - nhận định Luật 34 đã có những bước tiến và sửa đổi để phù hợp hơn, bên cạnh đó có những quy định khác, đặc biệt là các trường công đang còn có những vướng mắc. Trong đó, có thể kể đến sự chưa đồng bộ của hệ thống cơ chế chính sách; nhận thức của một số trường về tự chủ và năng lực quản lý điều hành của một số cán bộ quản lý còn hạn chế; tiềm lực tài chính chưa đủ mạnh.
"Thực tế các cấp cao hơn cũng rất quan tâm và sắp tới sẽ có sự tham gia của các bộ ngành liên quan chứ không phải chỉ ngành GD-ĐT. Để khắc phục vướng mắc trong thực trạng hiện nay, Vụ Giáo dục ĐH đã đề xuất một số giải pháp, đối với Chính phủ, Bộ GD-ĐT, các bộ, ngành, cơ quan quản lý trực tiếp và cơ sở giáo dục ĐH" - bà Thủy nói.
Xem thêm