Tư lệnh ngành phải dám nghĩ dám làm

21/11/2022 | 138 |

- Hạ tầng giao thông lâu nay vốn được xem là "điểm nghẽn" trong phát triển kinh tế nên nhân dân rất mong chờ một tư lệnh ngành dám nghĩ dám làm, khơi thông được dòng vốn và những cản trở lâu nay để đưa giao thông trở thành động lực quan trọng.

Mặc dù chúng ta đã có nhiều cải tiến trong nâng cấp hệ thống giao thông song nếu so sánh với tương quan trong khu vực thì hệ thống giao thông của chúng ta vẫn chỉ được xếp hạng ở mức dưới trung bình, chi phí logistics vẫn chiếm ở mức cao. 

Do đó, yêu cầu về đột phá trong cơ sở hạ tầng, đặc biệt cơ sở hạ tầng giao thông, là một trong những mũi nhọn mà Đảng, Nhà nước quan tâm, rất cần được chú trọng trong nhiệm kỳ này.

Tuy nhiên, để làm được thì cần có một hệ thống thể chế, cơ chế để khơi thông những điểm nghẽn trong ngành giao thông, hạ tầng. Bởi thực tế chúng ta nhìn thấy việc giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt ở những dự án giao thông vừa qua chưa thực sự được như kỳ vọng, chưa thực sự tạo ra động lực, cú hích cho tăng trưởng kinh tế.

Trong khi nếu thúc đẩy đầu tư công, xây dựng các dự án hạ tầng giao thông, kéo theo đó sẽ thúc đẩy đầu tư tư nhân, tạo công ăn việc làm, giúp các hoạt động kinh tế được sôi động hơn. 

Tiền trong các dự án giao thông sẽ là điểm kích hoạt quan trọng để lan tỏa đầu tư toàn xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn như hiện nay thì thúc đẩy đầu tư công, triển khai hàng loạt dự án giao thông chiến lược sẽ là động lực rất lớn thúc đẩy tăng trưởng cho cả nhiệm kỳ.

Cùng với hàng loạt công trình, dự án lớn như sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam, đường vành đai 3, vành đai 4 ở Hà Nội và TP.HCM… phải hoàn thành 2.000km đường cao tốc trong nhiệm kỳ này. 

Do đó, ngoài nguồn lực của Nhà nước để triển khai các dự án hạ tầng giao thông, về dài hạn vấn đề đặt ra với bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đó là phải có cơ chế để huy động vốn đầu tư toàn xã hội theo phương thức đối tác công tư.

Quốc hội đã ban hành Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) nhưng những quy định vẫn chưa đủ rõ ràng, rành mạch, tạo thuận lợi cho thúc đẩy và khơi thông nguồn vốn theo hình thức hợp tác đối tác công tư, đặc biệt trong đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. 

Do đó, rất cần tư lệnh ngành dám nghĩ dám làm, tham mưu cho Chính phủ những cơ chế, chính sách để hoàn thiện hơn về thể chế trong đầu tư xây dựng các dự án giao thông, thu hút nhiều hơn các nguồn lực xã hội.

Chúng tôi hiểu những áp lực đặt ra cho tư lệnh ngành giao thông, làm sao để hoàn thành các dự án đúng như Quốc hội và Chính phủ đã đề ra không phải đơn giản. Trong trường hợp này chắc chắn cần phải có sự đột phá trong chỉ đạo điều hành của chính tư lệnh ngành, cộng hưởng thêm đó là sự yểm trợ của những cơ chế đặc thù.

Ví dụ như cơ chế về chỉ định thầu thực hiện trong giải phóng mặt bằng, thực hiện các dự án thành phần… Song đi kèm các cơ chế phải gắn với trách nhiệm người đứng đầu, tổ chức thực hiện một cách khoa học và công khai, minh bạch. 

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong chỉ định thầu, đẩy mạnh sự liêm chính của những người có trách nhiệm tham gia nhằm tạo động lực tạo đột phá trong thực hiện những dự án này. 


Tin tức liên quan

Bình luận